Giáo viên lớp 1 được tập huấn chưa sâu?

Một tiết học môn tiếng Việt của học sinh lớp 1/1 Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Lê Hồng Vũ, trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), cho rằng mục tiêu của chương trình mới là dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh nhưng nhiều giáo viên vẫn quen dạy theo nội dung kiến thức và chưa linh hoạt để có thể quan sát, kèm cặp được các đối tượng học sinh khác nhau trong một lớp nên giáo viên cũng gặp khó mà nhiều học sinh lại khó tiếp thu.

Phụ huynh thấy con tiếp thu chưa được lại sốt ruột.

Ông Vũ nhận định việc tập huấn giáo viên vẫn nặng về lý thuyết. Mặc dù hướng dẫn “dạy phát triển năng lực” nhưng người hướng dẫn vẫn chủ yếu hướng dẫn về kiến thức.

“Có buổi tập huấn mời các giáo sư, chuyên gia, tác giả sách giáo khoa nhưng họ cũng chủ yếu nói về những ưu điểm của sách, của chương trình. Trong khi giáo viên cần thực hành, cần cụ thể” – ông Vũ nói thêm.

Theo ông Vũ, quận Tây Hồ đã làm quen với dạy chương trình lớp 1 sớm hơn, tuy nhiên hiện vẫn có những trường, những giáo viên bỡ ngỡ. Thế nào là “dạy phát triển năng lực học sinh”, khác với cách dạy trước như thế nào, nhiều giáo viên còn mơ hồ không chắc chắn.

Bên cạnh khó khăn đó, giáo viên lớp 1 tại Hà Nội cũng đang phải gánh những khó khăn đặc thù: sĩ số học sinh/lớp quá đông, trẻ chưa quen với môi trường học tập nên phải rèn, dỗ khiến giáo viên lớp 1 chịu áp lực lớn.

“Việc đầu tiên cần xem xét là không thực hiện chương trình cứng nhắc mà để giáo viên chủ động, linh hoạt tùy theo đối tượng học sinh điều chỉnh cách dạy nhanh, chậm khác nhau” – ông Vũ nêu giải pháp.

Ông Phạm Ngọc Anh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội), cũng cho biết trong tháng 9, tuần nào quận cũng phải tổ chức các chuyên đề trực tuyến cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1.

Trong các chuyên đề này, những bài khó sẽ được mang dạy thử để giáo viên dạy lớp 1 tham khảo, cùng thảo luận rút kinh nghiệm. Đây là một cách “vừa dạy, vừa tập huấn, vừa điều chỉnh”.

Không khó nếu hướng học sinh vào thực tế

Chương trình mới rất hay, điểm nổi bật nhất là các em tự đánh giá được mình, tự liên hệ thực tế ngay. Mà tự liên hệ, tự thấy có mối liên quan với thực tế cuộc sống thì hỗ trợ phần ghi nhớ, phần thuộc vần, thanh đôi, từ ghép…

Cái khó của chương trình là nhiều nội dung, nhiều vần trong bài nhưng quan trọng hướng các em đến thực tế ngoài đời, từ đó tự các em sẽ “bộc phát” ra năng lực ghi nhớ lâu.

Tuy nhiên, sách có nhiều hình ảnh minh họa na ná nhau. Học sinh lớp 1 không biết viết, biết chữ nên khi học các bộ môn khác nhau, các em hay lẫn lộn, giáo viên phải hướng dẫn và mất khá nhiều thời gian.

Cô Lê Minh Thanh Thảo

(giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3 Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM)

Chương trình lớp 1 mới ra sao mà "ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo"?Chương trình lớp 1 mới ra sao mà ‘ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo’?

TTO – ‘Mấy bữa nay, ngày nào đi học về con tôi cũng mếu máo: Cô giáo chê con viết đã chậm còn sai ô li, đọc chữ thì cứ bị vấp hoài. Các bạn cũng chê con dở quá…’ – chị Tâm, phụ huynh có con đang học lớp 1 ở một quận nội thành TP.HCM, bày tỏ.