Đội nắng mưa hỗ trợ trò đi thi

Thầy giáo Nguyễn Thái Hưng (trái) và thầy giáo Lê Thế Nhiên tại điểm thi Trường THCS Trường Chinh – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Khi mọi người biết đó là hai giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) – anh Lê Thế Nhiên và anh Nguyễn Thái Hưng – thì đã ồ lên bất ngờ trước tình thương thầy trò mà hai anh đã dành cho con mình.

Vào ngày đầu tiên của kỳ thi, cả hai thầy giáo trẻ đã đến điểm thi Trường THCS Trường Chinh (Q.Tân Bình) từ rất sớm. Đứng nép mình vào một bên điểm thi, họ lẳng lặng đợi từng thí sinh, cũng là học trò của mình, đến làm thủ tục thi. Không một danh sách nào trên tay, thế nhưng cả hai thầy nhớ rất rõ số lượng học trò mình tại điểm thi này.

Khi đồng hồ điểm đã gần đến giờ đóng cổng nhưng vẫn còn một học trò chưa có mặt, anh Hưng sốt sắng lục lại danh bạ rồi gọi ngay cho phụ huynh. Một bên, anh Nhiên khư khư chùm chìa khóa xe trên tay và sẵn sàng lao xe ra đường đi ngay nếu thực sự cần thiết. Nét mặt căng thẳng được giãn ra, nụ cười chỉ chớm nở khi các anh điểm danh đủ toàn bộ học trò của mình đã vào phòng thi.

Tiếng chuông báo hiệu đến giờ phát đề vang lên cũng là lúc các phụ huynh đề xe chạy đi tứ hướng. Nhưng ngoài điểm thi, anh Nhiên và anh Hưng vẫn ngồi lại. Cả hai đẩy xe sang bên kia vỉa hè đối diện cổng điểm thi, dựng cây dù nhỏ ngồi giữa nắng. Họ cùng hướng ánh mắt về phía cổng trường, hồi hộp chờ.

Trời càng về trưa càng nắng gắt, cả hai thầy vẫn nán lại vì lời dặn dò “cần hỗ trợ gì về giấy tờ, thủ tục thì cứ ra cổng tìm thầy” trước đó với học sinh. “Mình từng ngồi vào vị trí của các em, hiểu rõ việc có thầy cô ở ngoài cổng và sẵn sàng hỗ trợ sẽ tăng thêm phần tự tin nhiều lắm” – thầy Lê Thế Nhiên cười.

Bỏ lại công việc ở quê, ông Lê Thanh Sơn (55 tuổi) đi xe máy từ Long An lên TP.HCM với mong muốn được đồng hành cùng con trong đợt thi lần này. Nhưng khi biết ngoài điểm trường vẫn luôn có các giáo viên túc trực hỗ trợ cho con mình, ông Sơn càng thêm yên tâm.

“Ban đầu con nhắn cha khỏi lên vì có gì thì các thầy hỗ trợ rồi, nhưng mà tôi nghĩ họ đâu thể theo con mình mãi được nên mới lên đây, chứ giờ dịch bệnh đi lên đi về rất khổ. Thấy các thầy đội nắng mưa chăm con mình như vậy thì quá yên tâm rồi” – ông Sơn nói.

Để đồng hành cùng học trò, hai giáo viên trẻ tuổi đã lên cho mình một lịch làm việc y xì từ đầu cho đến hết kỳ thi: đến sớm nhất, về muộn nhất. Vì để tránh việc các thí sinh để quên, thất lạc máy tính, giấy tờ sau khi kết thúc bài thi nên cả hai sẽ cùng nán lại điểm thi trong tầm hơn một giờ đồng hồ.

Trưa ngày thứ hai diễn ra kỳ thi, cổng trường – điểm thi Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã đóng chặt. Bên ngoài hoàn toàn vắng bóng phụ huynh và học sinh nhưng anh Hưng vẫn muốn nán lại thêm chút nữa. Lập tức có một phụ huynh chở theo con mình tìm đến, mong được hỗ trợ vì để thất lạc một số giấy tờ.

“Chẳng hy vọng nhưng tôi biết chắc việc thất lạc giấy tờ sẽ có mà, cậu này quên luôn cả túi đựng nguyên giấy tờ liên quan. Dạy dỗ các bạn bao năm rồi nên việc đồng hành thêm chút nữa để hỗ trợ hết mình cũng là việc những thầy giáo như chúng tôi nên làm” – anh Hưng chia sẻ.

Khi các phụ huynh và học sinh quay lưng rời đi mà không có sai sót nào, anh Hưng, anh Nhiên mới an tâm ra về. Dù hôm nay chẳng đứng trên bục giảng và chỉ ngồi lặng ngoài cổng trường nhưng cả hai thầy giáo đều rất hãnh diện và lấy đó làm niềm vui cho mình…

Để thi cử trở nên nhẹ nhàng hơnĐể thi cử trở nên nhẹ nhàng hơn

TTO – Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mỗi năm một lần khiến học sinh, phụ huynh và cả trường căng thẳng.