Đổi mới tư duy quản lý nhà nước với giáo dục ĐH Việt Nam

Tham dự tọa đàm có GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam; GS Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển phương Đông. Sự kiện quy tụ sự tham gia gần 100 nhà quản lý, nghiên cứu, lãnh đạo ở lĩnh vực GĐĐH.

Theo GS Trần Hồng Quân, bên cạnh những thành tựu nổi bật của đất nước trong thời gian qua thì chúng ta cũng đang đứng trước các nguy cơ thách thức khác cần có sự đổi mới trong tư duy quản lý để thúc đẩy sự phát triển, trong đó có GDĐH.

“Một trong những mong muốn của tọa đàm lần này là lắng nghe những vướng mắc từ thực tiễn hoạt động của các trường ĐH trong thời gian qua để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng bàn luận, từ đó có những đúc kết kiến nghị gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước để có những giải pháp kịp thời” – GS Trần Hồng Quân chia sẻ.

GS Trình Quang Phú phát biểu tại tọa đàm.

Tọa đàm thu hút hơn 20 báo cáo tham luận liên quan đến vấn đề tự chủ ĐH, vai trò của Hội đồng trường trong trường ĐH. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng có 5 vấn đề cần đổi mới để phát triển GDĐH Việt Nam, đó là: Đổi mới về tư duy quản lý nhà nước; Đổi mới trong hệ thống tự chủ; Đổi mới tư duy về tự chủ ĐH; Đổi mới tư duy về quốc tế hóa ĐH Việt Nam; Đổi mới tư duy về người thầy trong GDĐH.

Theo GS Trình Quang Phú, tự chủ ĐH chung quy có 3 yếu tố: Tự chủ quản trị ĐH (bao gồm bộ máy con người, qui chế quản lý), tự chủ học thuật đào tạo để có chất lượng cao, tự chủ tài chính. “Với các trường thí điểm tự chủ phải cho họ mạnh dạn, sáng tạo bung ra để thực hiện 3 yếu tố này bằng kinh nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm các nước đã thành công” – GS Trình Quang Phú phát biểu.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Đồng quan điểm này, GS Trần Hồng Quân cho rằng: “Để thúc đẩy sự phát triển của tự chủ ĐH sẽ không thể không đụng đến các quy định trong luật lao động, luật ngân sách và các quy định về quản lý đào tạo, quản lý khoa học hiện hành, đặc biệt là đụng đến các quy chế tổ chức hoạt động các loại hình cơ sở đào tạo ĐH. Trước hết phải nghiên cứu để tháo gỡ những điều này và xây dựng những mô hình thích hợp với các loại cơ sở GDĐH như các ĐH trọng điểm quốc gia, các trường do nhà nước đầu tư toàn bộ, các trường do nhà nước đầu tư một phần, các trường sở hữu phức hợp và các trường không có sở hữu nhà nước”.

GS Trình Quang Phú nêu ví dụ: “Trong khi các trường ĐH công lập mỗi năm ngân sách phải cấp từ 500 tỷ đến cả 1000 tỷ đồng thì có một trường ĐH thực hiện tự chủ từ đầu mà không có ngân sách nhà nước là Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Từ nguồn hỗ trợ của cơ quan chủ quản cấp 500 triệu đồng cùng đất đai và lãi vay ưu đãi trị giá khoảng 200 tỷ đồng, đến nay trường đã có cơ ngơi khang trang với trị giá trên 2500 tỷ (không kể giá trị đất đai) và được xếp hạng trong tốp 1000 ĐH tốt nhất thế giới cùng nhiều thành tích khác về NCKH, xếp hạng ĐH. Như vậy, có thể thấy Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã gặt hái được nhiều thành công dù là chưa có cơ chế tự chủ toàn diện”.