Diễn đàn ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’: Ngành giáo dục phải nhìn thẳng vào sự thật

Học sinh trong một lớp học thêm ngoài giờ tại TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Cả ngày học ở trường xong, chưa kịp nghỉ ngơi hay ăn uống gì, nhiều học sinh đã được chở đến các lớp học thêm này.

Thui chột suy nghĩ độc lập

Con chị bạn tôi bảy năm liền là học sinh giỏi nhờ đạt điểm cao trong các đợt kiểm tra, thi học kỳ. Chị chia sẻ trước thi học kỳ khoảng một tháng, hai vợ chồng tăng tốc thay phiên chở con tới nhà cô giáo để luyện thi. Cụ thể là giải các bài tập na ná với đề thi học kỳ. Lúc thì mua bánh mì, xôi, cơm mang theo.

Trong một tháng đó, tuần đầu tiên có thể học hai buổi rồi mỗi tuần còn lại tăng dần 3, 4, 5 buổi. Tùy theo lớp, học phí cho mỗi buổi học từ 150.000 – 250.000 đồng. Có lần tôi đến nhà lúc khoảng 10h tối vẫn thấy cháu ngồi cặm cụi làm bài, chị ngồi bên cạnh theo dõi. Chị nói nhờ vậy con đạt thành tích cao trong học tập.

Làm theo bài mẫu không chỉ ở các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh mà còn có môn văn. Đứa cháu làm văn theo bài mẫu tả “bà ngoại của em” nào là hình dáng già yếu, da nhăn nheo sạm nhám, tóc bạc phơ, lưng còng; trong khi bà ngoại còn trẻ, khỏe mạnh, da trắng, tóc đen, lưng thẳng.

Tôi hỏi sao tả nhân vật không giống ngoài đời thực? Cháu trả lời rằng: “Cô giáo bảo phải làm theo bài mẫu thì điểm mới cao”.

Muốn cháu độc lập suy nghĩ, hiểu và tả nhân vật theo thực tế nên tôi khuyên hãy quan sát thấy bà ngoại thế nào thì cứ tả đúng, đừng viết những điều không có. Bài văn ấy cháu làm gần hai trang giấy, tôi đọc qua và góp ý thêm nhằm giúp cháu chỉnh sửa bổ sung để có bài văn hoàn chỉnh hơn.

Tuần sau đi học về, cháu đưa cho tôi bài văn có lời phê của cô giáo “Trừ 3 điểm, chỉ còn 5 điểm, vì không làm theo mẫu – Bà ngoại phải có hình dáng “già yếu, tóc bạc phơ, lưng còng…”.

Chương trình dạy và học bây giờ vẫn “thầy đọc, trò chép”. Giáo viên lên lớp chủ yếu đảm bảo thời lượng trong giáo trình, khi thi hoặc kiểm tra chỉ cần chép nguyên xi bài giảng là có điểm cao. Không ít phụ huynh vô tình hỗ trợ cho con mình học tủ, làm theo bài mẫu. Điều này góp phần làm thui chột suy nghĩ độc lập, học sinh chỉ cần bắt chước làm theo.

Tôi ấn tượng với đứa con trai 8 tuổi của chị bạn ở Đức trong lần về Việt Nam. Cậu bé tự nghĩ, mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình trước những người xung quanh. Như lúc gia đình cùng đi siêu thị, chị muốn mua tặng cha mình chiếc áo nên hỏi ông thích loại nào nhưng lại nhận được câu trả lời: “Tùy con, loại nào cũng được mà”. Cậu bé sẵn đứng bên cạnh đó liền nói: “Ông hãy nói ông thích mặc áo kiểu nào, mẹ con mới biết để mua”.

Quan sát, tôi thấy cậu bé còn có năng lực nhận xét, phẩm bình tình huống diễn ra một cách độc lập. Chẳng hạn trong lúc cả nhà cùng ngồi ăn uống trò chuyện với nhau thì một người bất chợt hỏi cậu bé “Ai quan trọng nhất đối với con ?”. Khi đó, có người gợi ý “cha hay mẹ?”. Nhưng cậu bé đã trả lời hoàn toàn khác: “Con là quan trọng nhất với chính mình”.

Chị bạn kể trường tiểu học ở Đức có môn học “Trách nhiệm bản thân” rèn luyện cho học sinh cách nghĩ, cách tư duy và tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Ngoài kiến thức bài giảng không câu nệ vào khuôn mẫu đã định, giáo viên còn có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh biết đối diện với tình huống không lường trước và khả năng có thể sai để tự điều chỉnh cho thích hợp, coi trọng cách học hơn là đạt kết quả cụ thể nhất thời.

Nước ta trong suốt chiều dài lịch sử có rất nhiều tấm gương tuổi trẻ, nhi đồng, thiếu niên với ý chí quật cường, độc lập trong suy nghĩ, khẳng định chính mình… Tiếc là nhiều năm qua ngành giáo dục chạy theo thành tích ảo, chưa coi trọng khâu rèn luyện phẩm chất tư duy độc lập và dám là chính mình cho học sinh nhỏ tuổi.

Ru ngủ nhau bằng điểm số

Thi cử thì học tủ, thi học sinh giỏi thì luyện bài mẫu. Cùng ru ngủ nhau bằng những điểm số cao ngất ngưởng, lớp đạt 42/43 học sinh giỏi và xuất sắc. Trên ghế nhà trường cách học làm theo bài mẫu, thầy nói trò chép. Hệ lụy là học sinh thụ động, quen với ảo giác và những điều không có thật gán cho mình. Khi đối diện với thực tế thì lúng túng, những thành tích ảo đó đã tan vỡ như bong bóng.

Vì thành tích đã học giả, học tủ, làm theo bài mẫu không chỉ khiến học sinh giảm đi khả năng sáng tạo, thụ động mà có thể dẫn đến tiêu cực. Điển hình là tình trạng gian lận điểm thi trong những năm qua, nhất là ở cấp THPT quốc gia, là nỗi xấu hổ trong ngành giáo dục với mức độ nghiêm trọng chưa từng có, nâng điểm cướp mất ước mơ của những thí sinh khác.

Chỗ cho những thí sinh này trong giảng đường đại học bị cướp mất bởi những người không có năng lực mà có quan hệ, chạy chọt. Đáng lên án nhất ở đây chính là người lớn tự tha hóa, lừa dối bản thân mình chưa đủ lại kéo cả thế hệ con cháu vào vòng xoáy lọc lừa, suy đồi đạo đức rồi bấu víu vào các giá trị ảo.

Tiêu cực dễ thấy nhất trong thi cử, không còn là sự ngạc nhiên hay điều bất ngờ nữa vì đâu phải là lần đầu. Cứ tới mùa thi, báo chí và dư luận lại có dịp chỉ ra tiêu cực. Xâu chuỗi lại các tiêu cực với nhiều chiêu trò quái dị nào là “phao thi”, đưa trước đáp án, làm ngơ cho thí sinh chép bài, thậm chí người lớn còn chạy chọt cho con cháu mình có điểm cao trúng tuyển đại học.

Hẳn sẽ còn những tiêu cực khác đang được che đậy, chưa phát hiện. Ngành giáo dục có hàng loạt căn bệnh chạy theo thành tích nào là giải thưởng, danh hiệu tràn lan… Thậm chí tiêu cực còn xảy ra trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thí sinh được luyện thi như luyện gà chọi và học tủ với “bài mẫu”.

Nhìn thẳng vào sự thật

Thiết nghĩ ngành giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận học thật, thi thật thì mới có nhân tài thật, đừng chạy theo thành tích ảo. Cần có giải pháp cương quyết của cả hệ thống chính trị xã hội mới góp phần đẩy lùi bệnh thành tích, học giả học tủ, làm theo bài mẫu hay gian lận trong học tập, thi cử.

Trước tiên, ngành giáo dục phải thể hiện bằng hành động thiết thực, chấp nhận thực tế đã học thì phải có đậu có rớt, học thật thi thật, đừng chạy theo thành tích hay danh hiệu ảo nữa, đừng giữ quan niệm làm nghiêm thì học sinh đậu thấp.

Có thể bỏ các kỳ thi học sinh giỏi để tránh tình trạng luyện “gà chọi”. Thậm chí, bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Giao xét tuyển về cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để căn cứ vào học bạ và phỏng vấn trực tiếp thí sinh để phù hợp với đặc thù từng trường, từng ngành.

Với cấp học phổ thông nên rèn luyện cho học sinh hãy là chính mình, giúp học sinh làm theo suy nghĩ mình cho là đúng và dám chịu trách nhiệm với những điều đó cũng như tự khẳng định bản thân mình. Phụ huynh, người lớn phải nêu gương trung thực, phê phán thói hư danh và dối trá.

Hơn nữa, phải thay đổi cách dạy và cách học, chú trọng hiểu hơn là biết. Không chỉ dạy cho học sinh biết cái gì mà là giúp học sinh hiểu tại sao, bằng cách nào biết được cái đó. Bài giảng không nên cứng nhắc, không lệ thuộc vào những giáo điều sao cho học sinh thích nghi với những biến đổi ngẫu hứng, chủ động tư duy sáng tạo, có khả năng tự thay đổi cho thích hợp từng hoàn cảnh.

Cách giáo dục này có thể không cung cấp nhiều kiến thức nhưng có thể giúp học sinh tự học, tìm tòi, hiểu sâu hơn, thậm chí hiểu khác đi bằng cách sáng tạo và tự điều chỉnh. Điều này đơn giản, không khó mà còn cắt giảm khối lượng kiến thức đồ sộ mà học sinh phải thuộc. Nhiều khi chỉ đưa ra một tình huống, một đoạn văn rồi hướng dẫn học sinh cách hiểu về bối cảnh, tác giả, hàm ý chính vẫn còn hơn là dạy tràn lan cả tác phẩm dài dòng.

Hiểu biết, kỹ năng mới quan trọng

luyen vao lop

Trẻ mầm non trong một “lò” luyện vào lớp 1 – Ảnh: THẢO THƯƠNG

Học thêm để luyện làm theo bài mẫu sao cho có điểm cao trong kỳ thi, kiểm tra học kỳ không phải xuất phát từ tinh thần ham học hỏi của học sinh mà là ý muốn của phụ huynh. Phụ huynh thường chú trọng thành tích tốt, con có điểm thi cao sao cho đạt học sinh giỏi hay xuất sắc nhưng lại quên rằng chính hiểu biết, kiến thức, kỹ năng mới quan trọng.

Đừng mãi loay hoay chuyện thi cử

Trong những năm gần đây, ngành giáo dục vẫn loay hoay đổi mới thi cử và coi đây là khâu đột phá.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng phát triển năng lực là câu chuyện của cả quá trình giáo dục chứ không phải của riêng chuyện thi cử. Thi cử chỉ là ngọn. Gốc rễ không thay đổi thì dù ngọn có thay đổi bao nhiêu đi chăng nữa, chất lượng giáo dục vẫn không thay đổi.

Cho đến nay thi cử vẫn nặng về đánh giá việc ghi nhớ thông tin và kiến thức, tức chỉ tập trung kiểm tra xem học sinh biết gì. Đáng nói là việc đổi mới thi cử hiện nay vẫn theo kiểu đối phó, cứ xã hội phản đối là nay bít chỗ này, mai bít chỗ kia.

Thiết nghĩ, cần thay đổi phương pháp dạy và học. Dạy là giúp người học phát triển năng lực tư duy chứ không phải nhớ được bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu bài văn… Khi đó, việc ra đề thi cũng rất ngắn gọn mà vẫn có thể đánh giá được năng lực của học sinh. Học sinh không phải học ngày đêm, thuộc bài theo kiểu máy móc, vô cùng vất vả mà kết quả là con số không.

TƯƠNG QUAN (TP.HCM)

Đánh giá học sinh thật

Là người làm công tác tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh, tôi đã có nhiều thông tin cũng như có cơ hội tiếp xúc với nhiều phụ huynh và học sinh. Hầu hết các trường đại học hiện nay đều xét học bạ (có trường thông báo 60% chỉ tiêu vào trường là xét học bạ).

Và cũng có nhiều trường đại học “kêu gọi” nhanh chóng nhập điểm học bạ năm học kỳ (trừ học kỳ II của lớp 12) để biết kết quả. Và phần lớn là trúng tuyển. Khi có kết quả đậu THPT nữa thì nhập học đại học.

Nhiều học sinh sau khi trúng tuyển vào đại học bằng điểm học bạ đã không thể học tiếp và chuyển sang cao đẳng. Nguyên nhân phần lớn là do các em học toán cao cấp, vật lý đại cương, hóa học đại cương và… sức học không theo kịp. Nhưng không theo kịp mà lại có điểm toán, lý, hóa ở bậc THPT rất cao. Phải chăng vì “thương” học sinh mà nhiều thầy cô đã đánh giá không đúng năng lực của học sinh?

Làm giáo dục, hầu hết thầy cô đều mong người học sẽ học tốt, thi tốt và đạt kết quả tốt. Và tâm lý chung của rất nhiều người dạy là giúp đỡ, dìu dắt học sinh, kể cả “nhẹ tay” để các em được tốt nghiệp, được học tiếp vì các em đã trải qua 12 năm đèn sách, không nên “chặn đường” các em trong kỳ thi, đợt đánh giá này.

Có thể với suy nghĩ và hành động ấy vô hình trung đã làm các em “ảo tưởng” và cho dù vào được đại học thì ra trường sẽ không có việc làm vì không học kịp, không có kỹ năng nghề.

Chỉ cần đánh giá thật từ chính người dạy sẽ góp phần để người học phải học thật, chuẩn bị tâm thế để thi thật và sau này trở thành người có năng lực thật.

Nguyễn Quốc Vỹ (Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, Bình Định)

hoc them 2

Nhiều phụ huynh đưa con đến lớp học thêm để mong con đạt điểm cao trong các kỳ thi, kiểm tra – Ảnh: NHƯ HÙNG

5 khâu then chốt

Tôi xin góp ý một số khâu cần thực hiện từng bước, đồng bộ, có bài bản và đòi hỏi kiên trì: Một là khâu tuyển chọn, đào tạo giáo viên. Nghịch lý hiện nay người học giỏi không muốn vào sư phạm. Do đó, nên có chế độ đặc biệt để học sinh giỏi yên tâm chọn ngành sư phạm. Người thầy vừa giỏi chuyên môn vừa yêu nghề, mến trẻ hiện nay rất ít. Có thầy giỏi mới có học sinh giỏi và có thầy giỏi mới có dạy thật, học thật, thi thật…

Hai là khâu tiền lương, đãi ngộ giáo viên. Tiền lương của giáo viên dù đã được cải tiến, nâng lên trong thời gian qua nhưng vẫn chưa bù đắp công sức của họ bỏ ra. Cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để giáo viên yên tâm giảng dạy hết mình, cuộc sống ổn định thì công tác mới có hiệu quả.

Ba là, việc tinh giản biên chế phải quyết liệt, làm thật. Thời gian qua, chúng ta có tinh giản biên chế trong ngành giáo dục nhưng chưa triệt để, còn cả nể lẫn nhau. Có làm thật việc này mới loại bỏ được giáo viên yếu kém về chuyên môn, chưa chuẩn trong đạo đức nhà giáo.

Bốn là kiên quyết cắt bỏ bệnh thành tích. Phải nói rằng đây là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục trong hàng chục năm qua. Bệnh thành tích đã phát sinh ra nhiều hệ lụy cho xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Hãy dũng cảm cắn răng cắt bỏ “khối u” của bệnh thành tích. Dù phải đau một lần nhưng cơ thể ngành giáo dục sẽ dần dần khỏe mạnh, hồi phục…

Năm là bầu chọn hiệu trưởng. Không áp đặt từ trên xuống mà hiệu trưởng phải là người của trường; trưởng thành từ trường và do tập thể giáo viên bầu chọn trực tiếp. Có như vậy hiệu trưởng mới là người có bản lĩnh thực hiện “học thật, thi thật và đào tạo nhân tài thật”, chịu mọi trách nhiệm trước tập thể và luôn quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên.

Thạc sĩ LÊ ĐỨC ĐỒNG (cựu phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng)

Diễn đàn “Học thật, thi thật, nhân tài thật” đã nhận được bài viết tham gia của các tác giả: Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa); Chung Thanh Huy, Thái Hoàng, Trần Văn Tám, Tú Nguyên, Trần Xuân Tiến, Đỗ Tuân Sắc, Tương Quan, Đỗ Ngô Trần, Nguyễn Tấn Thư, Lê Minh Tiến (TP.HCM); Thu Hiền (Đà Nẵng), Thanh Nguyễn (Huế), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Hà Đức Tú (Bắc Ninh), Lê Tấn Thời (An Giang)… Bài viết tham gia diễn đàn gởi về giaoduc@tuoitre.com.vn.

Diễn đàn Diễn đàn ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’: Bỏ cách dạy và học chỉ để thi

TTO – Học phải chất là học những gì tinh túy, quý giá thiết thực cho cuộc sống, “học như bạn phải dùng nó đến suốt đời”.