Địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với 63 tỉnh thành về tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó giám đốc sở GD&ĐT Lào Cai cho biết:

Năm 2020, Lào Cai dự kiến có số thí sinh đăng ký dự thi là 6.473, trong đó có 6.212 thí sinh lớp 12 (THPT: 5.729 thí sinh, giáo dục thường xuyên: 483 thí sinh).

Với số thí sinh như vậy, dự kiến tỉnh sẽ tổ chức thi tại 18 điểm thi, đặt tại 9 huyện, thị xã, thành phố; tổng số phòng thi là 280 phòng và số cán bộ tham gia tổ chức thi khoảng 1.000 người.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi, ông Nguyễn Thế Dũng thông tin: Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp với ngành Giáo dục rà soát, chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 qua Hội nghị giao ban thường kỳ của UBND tỉnh.

Cùng với đó, chủ động chỉ đạo, triển khai các hoạt động chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia (nay là Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020) ngay từ đầu năm học.

Cụ thể: chỉ đạo cấu trúc lại kế hoạch dạy học; xây dựng kế hoạch ôn luyện đồng bộ với kế hoạch dạy học chính khóa; điều chỉnh kế hoạch phù hợp bối cảnh phòng chống dịch Covid-19. Chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động triển khai học trực tuyến với nhiều hình thức: dạy học qua internet, trên truyền hình, phát thanh…

Ảnh minh họa/ INT

Tổ chức thi thử tốt nghiệp dưới hình thức khác nhau (trực tiếp trên giấy, thi trực tuyến), trong đó thi thử theo đề chung của Sở GD&ĐT vào giữa tháng 6/2020.

Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị hoàn thành chương trình, kế hoạch dạy học trước ngày 30/6/2020; kiểm tra đánh giá, xếp loại học sinh, học viên trước ngày 5/7/2020. Chỉ đạo làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng; tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp theo năng lực, sở trường và nguyện vọng của học sinh.

Các điểm thi trên địa bàn tỉnh cũng đã được yêu cầu chủ động rà soát cơ sở vật chất, điều kiện để sẵn sàng tổ chức kỳ thi. Chú trọng khâu chuẩn bị nhân sự làm nhiệm vụ thi; kiểm kê các khu vực dự kiến tổ chức các khâu thi (khu vực in sao, chấm thi, làm phách; các điểm thi rà soát cơ sở vật chất như hệ thống phòng chức năng, phòng học; khảo sát địa điểm ăn, nghỉ của cán bộ, giáo viên, thí sinh…)

Hiện sở GD&ĐT Lào Cai tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh triển khai các nhiệm vụ thi. Sở cũng đã ban hành văn bản hướng công tác tuyển sinh đào tạo chính quy trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Khi Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, sở GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý nghiên cứu; cơ bản nhất trí nội dung dự thảo.

Tại Nghệ An, thông tin từ ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Nghệ An có khoảng 32.000 thí sinh dự thi, dự kiến bố trí 60 điểm thi; số nhân sự tham gia kỳ thi được huy động khoảng 5.000 người.

Đánh giá cao và thể hiện sự thống nhất với Quy chế thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là chủ trương giao kỳ thi về cho địa phương, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, Nghệ An sẽ chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức kỳ thi trên tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Chia sẻ về chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết, Sở GD&ĐT đang chỉ đạo các trường dạy học cả trực tiếp, trực tuyến, bảo đảm hoàn thành chương trình theo thời gian quy định. Việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức như cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực… để tổ chức kỳ thi cũng đang được Sở GD&ĐT tích cực tham mưu.

“Trách nhiệm trong công tác tổ chức kỳ thi này đối với địa phương là rất lớn, cần lường trước những rủi ro thiên tai, gian lận để có phương án phù hợp, sẵn sàng ứng phó, kiểm soát. Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, phân công công việc để tổ chức kỳ thi an toàn, đúng quy chế” – ông Phạm Đặng Khoa thông tin.