Dạy trực tuyến có hiệu quả phải linh hoạt bằng nhiều hình thức

Nhiều phần mềm dạy trực tuyến

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Phương Toàn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết: Kinh nghiệm cho thấy, để tổ chức dạy học trực tuyến thành công đòi hỏi phải có 3 yếu tố đó là giải pháp công nghệ, cách thức tổ chức quản lý của nhà trường và sự sẵn sàng của giáo viên, học sinh.

Để tạo điều kiện cho các nhà trường thực hiện tốt công tác dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã giới thiệu tới các nhà trường các hệ thống học trực tuyến bao gồm: VNPT E-learning của VNPT Tiền Giang, ViettelStudy của Viettel Tiền Giang và Sgdtiengiang.cls.vn của Sở GDĐT Tiền Giang (Gồm bài giảng e-learning có chất lượng của một số môn học). Các trường học có nhu cầu sẽ tự chọn nhà mạng cung cấp và trực tiếp ký kết hợp tác để triển khai việc dạy học online.

Tuy nhiên, theo phó giám đốc Sở GD&ĐT, Nguyễn Phương Toàn, khó khăn để tổ chức hiệu quả việc dạy học trực tuyến là mức độ sẵn sàng của học sinh. Trên thực tế, một số em chưa được trang bị công cụ hỗ trợ như: điện thoại, máy tính, đường truyền internet…. ý thức tự giác, chủ động để học tập trực tuyến.

Song song với việc cung cấp các phần mềm trực tuyến, Sở GD&ĐT Tiền Giang đã có văn bản chỉ đạo trong thời gian học sinh chưa trở lại trường các cơ sở giáo dục có thể tổ chức hệ thống hóa kiến thức, ôn tập, giao nhiệm vụ học tập từ xa cho học sinh, không được thu tiền học sinh để tổ chức dạy học trực tuyến. Do đó PHHS và học sinh nên an tâm, các cơ sở giáo dục sẽ xây dựng kế hoạch giáo dục trong đó có kế hoạch tổ chức dạy bù nhằm đảm bảo thực hiện chương trình học kỳ II năm học 2019-2020 và kết thúc năm học theo kế hoạch được phê duyệt.

Kết hợp nhiều hình thức dạy online

Học trực tuyến phụ hợp khi HS phải ở nhà

Thầy Lê Bá Ngọc, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Tiền Giang cho biết: Để giúp học sinh học tập, ôn luyện trong thời gian các em không đến trường, BGH nhà trường đã nghiên cứu và linh hoạt kết hợp nhiều phần mềm dạy học trực tuyến để triển khai tới HS. Nhà trường đã lên lịch sắp xếp việc dạy học online theo các khối lớp. Học sinh đã được thường xuyên gửi nội dung ôn tập và các bài tập thông qua các phần mềm VNPT E-learning và ViettelStudy. Khi học sinh làm bài tập trên các phần mềm này, thầy cô sẽ kiểm soát được mức độ đúng, sai, thời lượng làm bài của các em.

Tuy nhiên theo thầy Lê Bá Ngọc để việc dạy học trực tuyến có thực sự hiệu quả, giáo viên cần đầu tư công sức và áp dụng linh hoạt các phần mềm khác nhau. Để tăng sự tương tác giữa GV và HS, thầy cô đã áp dụng dạy trên phần mềm Zoom để hướng dẫn HS chữa bài trên nhóm Zalo lớp. Với HS khối 12 tại thời điểm này nhà trường đã lên lịch để các em được học theo TKB theo từng môn tổ hợp của kỳ thi THPT Quốc gia. Điều này tạo thuận lợi cho HS có kế hoạch ôn luyện thật tốt những môn thi của mình. Do có sự chuẩn bị kỹ càng, nên ngay từ khi có chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc sẽ xem xét công nhận việc dạy và học trực tuyến nhà trường cũng đã lên kế hoạch dạy bài mới cho HS trên phần mềm trực tuyến để kịp thời gian ôn luyện cho các em.

Để triển khai tốt vấn đề này, nhà trường đã yêu cầu các GV chủ nhiệm tuyên truyền sâu rộng chủ trương này tới phụ huynh và HS. Bởi khi phụ huynh hiểu sẽ đồng hành nhắc nhở, kiểm tra con em mình sắp xếp thời gian và thực hiện nghiêm túc theo quy định.