Đầu xuân chông chênh cõng chữ lên đỉnh Byầu

Đầu xuân “cõng chữ” lên non

Trên địa bàn xã Lơ Pang (huyện Mang Yang, Gia Lai) có một cụm dân cư sống tách biệt trên đỉnh núi Byầu. Theo người dân bản địa, đỉnh Byầu nghĩa là một ngọn núi cao. Trên ngọn núi này là những người dân bản địa người Banar sinh sống từ lâu đời. Chính vì vậy, trường Tiểu học Lơ Pang đã tiến hành mở một điểm trường Byầu nhằm đưa con chữ, nếp sống văn minh đến với bà con nơi đây.

Đầu xuân chông chênh cõng chữ lên đỉnh Byầu - 1
Đầu xuân, các giáo viên “cõng chữ” lên non

Gác lại những ngày xuân, các thầy cô giáo trường Tiểu học Lơ Pang (Mang Yang) lại khăn gói mang lương thực để vượt đỉnh Byầu. Nhưng để đưa được con chữ lên non, các thầy cô đã phải vượt qua rất nhiều dốc cao, ghềnh đá chông chênh và con đường “bên vực, bên núi”.

Đầu xuân chông chênh cõng chữ lên đỉnh Byầu - 2
Con đường đất đỏ rình rập những nguy hiểm, dân lên đỉnh Byầu

Theo chân những thầy cô giáo lên đỉnh núi Byầu, chúng tôi mới hiểu được sự gian khổ và những nguy hiểm rình rập trên hành trình vượt núi này. Nhìn từ dưới chân núi, con đường lên đỉnh Byầu nhưng một dải lụa vàng vắt qua ngọn núi. Nhưng chỉ cần một sai sót nhỏ cũng phải trả giá bằng cả tính mạng.

Ngay từ sáng tinh mơ đầu xuân, các thầy cô đã chuẩn bị gạo và các nhu yếu phẩm thiết yếu để sẵn sàng cho một hành trình vượt núi Byầu. Những chiếc xe máy cà tàng của các giáo viên cứ rền vang, tiếng động cơ khét vì phải “bò” lên những con dốc dựng đứng. Sau gần 1 tiếng đồng hồ vật lộn với 3 con dốc cao, các thầy cô cũng đến điểm dừng chân ở lưng chừng núi.

Đầu xuân chông chênh cõng chữ lên đỉnh Byầu - 3
Hành trình gian khổ của những giáo viên cắm bản trên đỉnh Byầu

Là một trong những giáo viên tình nguyện lên núi Byầu dạy, cô Đặng Thị Hiền (30 tuổi, GV Trường Tiểu học Lơ Pang) tâm sự: “Để lên đỉnh Byầu, các giáo viên nơi đây phải vượt 10km đường rừng nguy hiểm. Cũng đã có nhiều thầy cô giáo gặp nạn trên đường, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình để dạy chữ cho các em trên đỉnh núi Byầu này. Những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa con đường đất đỏ trở nên sình lầy, chúng tôi nhiều lúc đã phải bỏ xe để xuống núi không sợ tối…”.

Cắm bản “gieo chữ” trên cổng trời Byầu

Nằm giữa ngọn núi cao là điểm trường Byầu. Điểm trường này có 4 phòng học (2 lớp đơn và 2 lớp ghép) được xây dựng kiên cố, nhưng qua thời gian cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên hông của các phòng học là bếp ăn và 2 phòng ngủ cho giáo viên được người dân chung tay xây lên bằng những tấm ván để thầy cô cắm bản, “gieo chữ”.

Đến điểm trường khi trời đã gần đứng bóng, những giáo viên lại tất bật bày những đồ ăn mang lên để chuẩn bị bữa cơm trưa ăn vội cho kịp giờ dạy chiều. Thầy Phạm Xuân Nguyên (44 tuổi, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang) cho biết: “Vì điều kiện điểm trường xa, đường đi hiểm trở nên 1 tuần chúng tôi mới về một lần. Mọi nhu yếu phẩm ăn hàng ngày chúng tôi đều phải mang từ xuôi lên dự trữ, dân làng cũng thương thầy cô nên đôi lúc cũng hỗ trợ gạo cho các thầy cô. Ở đây không trạm xá, những lúc đau ốm, như bao người dân trong bản, các thầy cô chỉ biết nằm chờ bệnh tự khỏi. Trường hợp ốm nặng quá thì mới gánh xuống núi để cấp cứu. Tuy vậy, hành trình nuôi chữ cứ tiếp nối, người này lên rồi, lại thay người khác”.

Đầu xuân chông chênh cõng chữ lên đỉnh Byầu - 4

Gác lại chuyện gia đình, các thầy cô trường Lơ Pang lại lên đỉnh Byầu sống và giảng dạy.

Chen lời, cô Lê Thị Hằng (27 tuổi) cho biết: “Ngày đầu tuần nên thức ăn đầy đủ còn những ngày sau đó là món cá khô, rau rừng kho mặn ăn dần. Nhiều hôm rảnh rỗi, để cải thiện bữa ăn, các thầy lại cùng một số người dân đi bắt cá suối… Nhưng khó khăn đó không bằng nỗi nhớ nhà. Mong ước của các thầy cô giáo ở đây là có thể sống ở bên gia đình “chăm chồng, chăm con”. Nhưng vì công tác dạy học nên điều ước đó là quá xa xỉ, khó có thể thực hiện được”.

Cô Hằng tâm sự thêm: “Từ nhà tôi lên đến đỉnh Byầu cách hơn 100 km. Tôi cũng mới lập gia đình hơn 4 năm nay và đã có 2 con nhỏ, bé lớn gần 4 tuổi, con út mới lên 2. Vì điều kiện làm xa nên mỗi lúc lên trường, tôi lại giao các cháu cho bố và bà ngoại trông. Mọi công việc từ con cái, nhà cửa, lễ tết đều nhờ chồng cả. Nhưng tôi vẫn muốn được cống hiến và dạy chữ cho các trò nghèo nơi đây nên luôn động viên và gửi gắm tình yêu nơi chồng…”.

Đầu xuân chông chênh cõng chữ lên đỉnh Byầu - 5
Giờ ra chơi của những thầy trò trên đỉnh Byầu

Hoàn cảnh xa nhà của các giáo viên trẻ cũng tương tự giống nhau, cô Đặng Thị Hiền: “Chồng tôi là bộ đội, công việc bận rộn. Nhưng vì tôi dạy xa nhà nên người con lớn được bố đưa vào đơn vị chăm sóc. Còn đứa út tôi gửi về tận Thanh Hóa cho ông bà ngoại trông nom. Nhiều hôm nhớ con, nhớ chồng muốn gọi điện về nghe giọng con mà không được, trên này sóng điện thoại cũng chập chờn lắm”.

Cũng vì tình yêu trò nên cuối tuần, các thầy cô lại gõ cửa từng nhà xin quần áo cũ, sách báo cũ rồi hì hục vác lên núi cho các con. Không những thế, các thầy cô còn vào bản xin gỗ đem về dựng thư viện để cho các em có chỗ vui chơi, đọc sách.

Đầu xuân chông chênh cõng chữ lên đỉnh Byầu - 6
Nhờ các thầy cô giáo vùng xuôi lên dạy mà các trò nghèo đã biết đến cái chữ và thực hiện ước cho riêng mình

Thầy Nguyễn Văn Đắc (Hiệu trưởng Trường tiểu học Lơ Pang) cho biết, tại điểm trường Byầu có 63 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Trong đó có 2 lớp ghép với 4 giáo viên được điều động từ các điểm chính Trường tiểu học Lơ Pang lên đây dạy chữ cho các em. Các thầy cô dạy tại điểm trường này mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng. Các thầy cô đều có con nhỏ nên rất vất vả và khó khăn trong quãng thời gian dạy học trên Byầu.

Phạm Hoàng