Đánh giá học sinh theo cách mới: Giáo viên và trường gặp khó

Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM trong một tiết học trải nghiệm. Sau tiết học này, học sinh sẽ thảo luận và thuyết trình, viết bài thu hoạch để lấy điểm kiểm tra – Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Quy định đánh giá học sinh theo phương pháp mới được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Vậy tại sao giáo viên, phụ huynh phản đối?

Ám ảnh với “kiểm tra”

“Vào học lớp 10 hơn hai tuần nhưng em vẫn không thể nào quên những tiết học văn hồi lớp 9. Nó thực sự là những tiết học ám ảnh khi cô giáo thường xuyên trả bài đầu giờ. Đó là khoảng thời gian trôi đi lâu nhất và nặng nề nhất với học sinh cả lớp.

Lúc đó, tim em đập thình thịch muốn rớt ra ngoài. Có bữa em học bài đàng hoàng nhưng khi lên bảng, em run quá nên nói không suôn sẻ, bị cô cho 5 điểm về chỗ”, N.T.H., học sinh một quận vùng ven TP.HCM, tâm sự.

Tương tự, X.M., học sinh lớp 12 ở TP.HCM, cũng kể: “Em sợ hãi với các bài kiểm tra viết 15 phút một cách bất ngờ. Những năm học THCS rồi sau này lên lớp 10, lớp 11 em luôn sợ trả bài và làm kiểm tra 15 phút. Nó làm cho em thấy hồi hộp, lo lắng, bị bất ngờ và không thể làm bài tốt. Điều kinh khủng nhất với em là những tiết học mà thầy cô ra lệnh cả lớp lấy giấy ra kiểm tra 15 phút”.

Chúng tôi chịu áp lực từ chính phụ huynh vì nhiều người cho rằng phải kiểm tra cho điểm cụ thể thì mới đảm bảo học sinh vượt qua được các kỳ thi chuyển cấp.
Một hiệu trưởng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết

Khi nghe Sở GD-ĐT TP.HCM nêu chủ trương không trả bài theo kiểu học thuộc lòng vào đầu giờ học, nhiều học sinh vui mừng. Thật ra, chủ trương này nằm trong quy định của Bộ GD-ĐT từ rất lâu.

Để tiếp cận dần với cuộc đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực phẩm chất học sinh, từ các năm 2013 – 2014, khi chương trình Giáo dục phổ thông mới còn đang trong giai đoạn phôi thai, Bộ GD-ĐT đã có các văn bản hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Ở bậc tiểu học, việc đổi mới kiểm tra đánh giá được thực hiện sớm hơn với tinh thần “đánh giá chủ yếu bằng nhận xét”.

Ở bậc trung học, các khái niệm về “dự án học tập”, hay dạy học, đánh giá theo các chủ đề tích hợp đơn môn, liên môn xuất hiện từ thời gian này.

Gặp nhiều khó khăn

“Không kiểm tra đầu giờ, học sinh sẽ lười học bài cũ”, cô Hằng Nga, một giáo viên THCS ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), chia sẻ lý do phải duy trì cách kiểm tra miệng truyền thống vào 5 phút đầu mỗi tiết học.

Một số giáo viên khác ở quận Cầu Giấy cho biết quy định của Bộ GD-ĐT là giáo viên được “linh hoạt” nhưng thực tế, giáo viên phải chịu sự chỉ đạo khác nhau về chuyên môn ở cấp phòng, sở. Linh hoạt mà nhỡ sai so với chỉ đạo của cấp quản lý trực tiếp hay gây thiệt thòi cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp thì giáo viên cũng cảm thấy “lương tâm không cho phép”.

Cô Thúy Hà, giáo viên THPT ở quận Đống Đa, cho biết năm học trước khi tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm trong môn học và thông báo trước về tiêu chí đánh giá để lấy điểm kiểm tra một tiết, đã có phụ huynh phản ứng vì “con không có điều kiện tham gia hoạt động của trường”.

Phụ huynh không đồng ý với việc nhà trường đánh giá học sinh qua hoạt động để lấy điểm, đề nghị được quay về làm bài kiểm tra trên giấy.

Chia sẻ về lý do “ngại đổi mới”, nhiều giáo viên ở Hà Nội cho biết cách kiểm tra truyền thống là ra đề, học sinh làm bài trên giấy và chấm điểm dễ làm, dễ hình dung trình độ học sinh qua điểm số. Các hình thức đánh giá khác mơ hồ hơn, đôi khi khó đánh giá công bằng giữa các học sinh cùng tham gia một nhóm thực hiện các dự án học tập hay hoạt động trải nghiệm, thực hành nào đó.

Quy định cần cụ thể hóa hơn

Một số giáo viên mong muốn các quy định về đánh giá của Bộ GD-ĐT cần được nhà trường cụ thể hóa hơn để tránh việc không công bằng khi có những hình thức đánh giá nặng về chủ quan của giáo viên. Việc này cũng giúp giáo viên giảm bớt lo lắng, lúng túng khi phải kết hợp giữa nhiều hình thức kiểm tra đánh giá”.

Hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM cũng thừa nhận so với cách đánh giá cũ ai cũng hiểu cách đánh giá học sinh theo phương pháp mới có nhiều ưu việt hơn. Không những thế, ban giám hiệu chúng tôi cũng khuyến khích giáo viên thực hiện. Thế nhưng, một số thầy cô vẫn khư khư giữ nếp trả bài đầu giờ như cũ.

“Khi tôi mời lên phòng hiệu trưởng nói chuyện thì giáo viên giải thích đánh giá theo cách mới họ mất quá nhiều thời gian và công sức, họ mệt mỏi và áp lực quá, không thể kham nổi. Nếu chỉ trả bài hoặc kiểm tra viết 15 phút là có ngay một cột điểm vào sổ.

Còn nếu đổi mới thì phải tổ chức “game show” cho học sinh chơi vào đầu giờ để ôn lại bài cũ. Hoặc muốn giao nhiệm vụ cho các em về nhà tìm tư liệu, tìm hiểu thực tế rồi thuyết trình thì phải lập kế hoạch, chia nhóm, hướng dẫn học sinh thực hiện, tổ chức cho học sinh thuyết trình, chấm bài thu hoạch…

Dù đã có văn bản hướng dẫn của các cấp quản lý nhưng chúng tôi cũng không thể ép giáo viên phải thực hiện ngay. Trong cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, quả thực người giáo viên đang phải chịu nhiều áp lực. Ban giám hiệu nhà trường chúng tôi bảo nhau là phải hỗ trợ và động viên giáo viên thay đổi từ từ”, vị hiệu trường nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành (vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT):

Linh hoạt các hình thức

Bộ GD-ĐT không quy định việc các trường phải bỏ hình thức kiểm tra truyền thống mà trong các quy định, hướng dẫn đều đặt ra yêu cầu phải linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá.

Việc này cũng tương ứng với những thay đổi, linh hoạt trong các hình thức tổ chức dạy học khác nhau, giảm áp lực cho học sinh so với việc có nhiều đầu điểm kiểm tra chủ yếu theo hình thức trên giấy như trước đây.

Với đánh giá thường xuyên, dùng hình thức kiểm tra, đánh giá nào là do giáo viên chủ động, tùy theo thiết kế bài dạy – học. Chỉ cần bám sát nguyên tắc chung trong đổi mới đánh giá học sinh đã được Bộ GD-ĐT ban hành, tránh các hình thức kiểm tra chỉ yêu cầu học sinh thuộc lòng kiến thức, khiến học sinh có tâm lý đối phó, không thực chất.

Để giáo viên có thể tự tin chủ động trong việc áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá đa dạng, mỗi nhà trường cần làm tốt việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó có thể cụ thể hóa các quy định về đánh giá học sinh của Bộ GD-ĐT ban hành để giáo viên dễ hình dung, dễ thực hiện hơn.

Ngoài ra, việc đổi mới trong sinh hoạt tổ chuyên môn cũng cần được làm tốt để giáo viên có thể trao đổi, thống nhất định hướng thực hiện việc đổi mới kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tại sao giáo viên TP.HCM không được yêu cầu học sinh trả bài bất ngờ?Tại sao giáo viên TP.HCM không được yêu cầu học sinh trả bài bất ngờ?

Giáo viên không được kêu trả bài bất ngờ theo kiểu yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã giải thích về quyết định này.