Đảm bảo môi trường giáo dục an toàn; thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh

Sự việc đau lòng xảy ra vào sáng 26/5, cây phượng trong Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bất ngờ bật gốc ngã đè một nhóm học sinh. Có 13 em bị thương được chuyển đến các bệnh viện, một em sau đó được thông báo đã tử vong. Sự việc khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình học sinh đã mất và gửi lời thăm hỏi tới các em bị thương.

Đồng thời, gửi lời động viên tới giáo viên, học sinh Trường THCS Bạch Đằng, mong các học sinh và các thầy cô giáo ổn định tâm lý, sớm vượt qua mất mát này để ổn định tổ chức dạy và học.

Bộ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM, các sở GD&ĐT trên toàn quốc cần chỉ đạo ngay các trường liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý cây nguy hiểm có thể gãy đổ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh sinh viên.

Ảnh minh hoạ.

Đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Tại cuộc họp về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, chiều 27/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện Luật Giáo dục 2019 và trước tình hình dịch Covid-19, Chính phủ đã thống nhất tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Phương án tổ chức kỳ thi không có nhiều thay đổi so với năm 2019.

Mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT, nhưng nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Với tầm quan trọng và sự tác động lớn của kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu công tác tổ chức phải bảo đảm trung thực, khách quan, an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, giảm tốn kém. “Tuyệt đối phải đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.

Bộ GD&ĐT sẽ tập trung vào một số việc như xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn, cung cấp đề thi, cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra…

Tại cuộc họp, đại diện Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an thống nhất ý kiến, sẽ tích cực phối hợp với ngành Giáo dục trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho kỳ thi.

Trong tháng 6, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ họp trực tuyến với Ban chỉ đạo các địa phương để thống nhất các công việc liên quan trong tổ chức kỳ thi.

Ảnh minh hoạ.

Nhiều trường ĐH, CĐ xét học bạ để tuyển sinh

Về công tác tuyển sinh CĐ, ĐH 2020, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Kỳ tuyển sinh năm nay, trừ các trường nghệ thuật, mỹ thuật – tất cả các trường đều dành chỉ tiêu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Đến nay, hàng ngàn thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào đại học. Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chưa diễn ra nhưng nhiều trường đại học đang trong đợt cao điểm nhận hồ sơ theo phương thức xét tuyển học bạ. Đã có hàng ngàn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học bằng phương thức này.

Điểm đặc biệt thí sinh cần chú ý trong phương thức xét tuyển học bạ của các trường ĐH năm nay không chỉ mở rộng chỉ tiêu mà còn giới hạn số đợt xét tuyển và thời điểm công bố kết quả. Trong đó, một số trường kết thúc thời gian nhận hồ sơ phương thức này vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 và chỉ thực hiện xét tuyển một đợt duy nhất trong năm. Do vậy, nếu đợi sau khi có kết quả xét tốt nghiệp mới nộp hồ sơ theo phương thức này sẽ không kịp.

Một số mốc thời gian quan trọng kỳ tuyển sinh CĐ, ĐH 2020:

  • Thời hạn ĐKXT: Từ 15/6 – 30/6 cùng với đăng ký dự thi. Nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển: Trước 20/7.
  • Công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe: Dự kiến trước 7/9.
  • Điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT theo phương thức trực tuyến: Dự kiến từ 9/9 -16/9. Điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng Phiếu ĐKXT: Dự kiến từ 9/9 – 18/9.
  • Kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT và đề nghị điều chỉnh sai sót nếu có (chỉ áp dụng đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT bằng phiếu) dự kiến trước 17 giờ ngày 20/9.
  • Xét tuyển đợt 1: Dự kiến từ 24/9 – 26/9. Xét tuyển bổ sung: Dự kiến từ 8/10. Xét tuyển các đợt tiếp theo: Từ tháng 8 – 12/2020.
  • Báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2020: Trước 28/2/2021.
Có thể bạn quan tâm
  • Nhà trường gấp rút ôn luyện thi tốt nghiệp THPT 2020

    Nhà trường gấp rút ôn luyện thi tốt nghiệp THPT 2020

  • Lưu ý thí sinh khi ghi phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

    Lưu ý thí sinh khi ghi phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

  • Bản tin tuần: Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm về thi tốt nghiệp THPT tại địa phương

    Bản tin tuần: Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm về thi tốt nghiệp THPT tại địa phương