Đại biểu Quốc hội: Không dùng ngân sách Nhà nước để biên soạn sách giáo khoa

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng) khẳng định khi phát biểu thảo luận tại nghị trường Quốc hội sáng 13/6.

Đại biểu ghi nhận và đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 đã đạt được một kết quả tích cực.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã ban hành được Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của Nghị quyết.

Bộ đã chỉ đạo tổ chức và thẩm định thành công 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 gồm, các môn học bắt buộc và môn tự chọn tiếng Anh để sử dụng cho năm học 2020-2021.

Việc biên soạn SGK hoàn toàn dựa trên nguồn vốn tự có của các đơn vị xuất bản, nên tiết kiệm một khoản không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Kết quả này đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa trong biên soạn SGK GDPT.

“Việc Bộ GD&ĐT biên soạn thêm bộ SGK dùng ngân sách nhà nước trong bối cảnh này là không cần thiết, vừa khó đảm bảo chất lượng, vừa tiêu diệt chủ trương xã hội hóa” – đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh, đồng thời tán thành việc Quốc hội chấp thuận đề nghị của Chính phủ là không tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa bằng kinh phí ngân sách nhà nước.

Quốc hội giao Chính phủ đàm phán lại với Ngân hàng thế giới để sử dụng nguồn vốn vay vốn được thiết kế để biên soạn SGK vào công việc khác hiệu quả hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP Đà Nẵng)

Để thực hiện thành công CT GDPT 2018, Đại biểu đoàn TP Đà Nẵng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các ngành hữu quan và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc 3 nội dung:

Thứ nhất là thực hiện đúng và đầy đủ vai trò quản lý nhà nước trong xây dựng kế hoạch, chỉ đạo việc tập huấn giáo viên; triển khai và đánh giá đúng kết quả thực hiện chương trình, SGK lớp 1 và các lớp khác; xem xét việc kê giá SGK hàng năm của các NXB để bảo đảm giá cả hợp lý.

Song song với đó cần tăng cường vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước để tạo điều kiện thực hiện và phát triển xã hội hóa biên soạn SGK đúng hướng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Thứ 2, cần bảo đảm nhân lực, kinh phí cơ sở vật chất để triển khai Chương trình GDPT SGK mới.

“Tôi được biết, nhiều địa phương chưa đủ giáo viên, chưa đủ phòng học để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Không ít địa phương khó khăn trong việc tuyển giáo viên Ngoại ngữ, Tin học” – đại biểu Kim Thúy nêu thực trạng, đồng thời đề nghị:

Chính phủ, Bộ GDĐT và các Bộ ban ngành liên quan, các địa phương sớm khắc phục tình trạng này để năm học 2020-2021 sẽ triển khai CT GDPT mới đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Thứ 3, cần tạo tâm thế phấn khởi, sẵn sàng đổi mới trong đội ngũ giáo viên. Đây là một trong những điều rất quan trọng để làm nên thành công cho CT GDPT mới.