Đại biểu Quốc hội: Đầu tư phát triển GD-ĐT phải đi trước một bước

GD mầm non là tiền đề cho giáo dục phổ thông

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) nhấn mạnh điều này khi phát biểu thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Theo đại biểu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số là quan điểm đúng đắn và nhân văn. Chúng ta mong muốn kinh tế xã hội phát triển thì phải đầu tư phát triển GD-ĐT đi trước một bước.

Khi GD-ĐT đi trước một bước sẽ đem lại nhiều cơ hội cho đồng bào dân tộc. Họ sẽ có cơ hội hòa nhập, phát triển, được hưởng quyền lợi bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội…

Đại biểu Châu Quỳnh Dao phân tích: Nếu như đồng bào dân tộc thiểu số thiếu tiếp cận thông tin, thiếu hiểu biết về chính trị, kinh tế xã hội thì rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội, ảnh hưởng rất xấu đến đầu tư phát triển kinh tế, xã hội ở những vùng này.

Thế nhưng sự quan tâm, đầu tư đối với giáo dục mầm non vẫn còn chưa đúng mức. Từ cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy, giáo dục mầm non rất quan trọng, là tiền đề cho giáo dục phổ thông.

Nếu như chúng ta đầu tư đúng mức thì sẽ tạo tiền đề cho trẻ phát triển về thể chất, kỹ năng nhận biết tình cảm gia đình, xã hội; quan trọng hơn là tăng cường khả năng, sẵn sàng tâm thế đi học của trẻ; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đại biểu, sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, chúng ta đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta lo lắng về phổ cập giáo dục mầm non.

Đại biểu viện dẫn: Theo thống kê giai đoạn 2011- 2019, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 56,2%, trong khi mặt bằng chung của cả nước đạt 88,5%; chưa kể một số xã còn trắng trường mầm non.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao. Ảnh: TTXVN

Có cơ chế ưu tiên tuyển dụng giáo viên dân tộc bản địa

Lý giải thực tế này, đại biểu Châu Quỳnh Dao trao đổi: Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, nhiều bậc cha mẹ phải địu con lên rẫy, hoặc là gửi ở nhà. Họ không đủ điều kiện để con em mình được chăm sóc giáo dục trong điều kiện tốt nhất.

Một điểm nữa là cơ chế tuyển dụng, chế độ đãi ngộ còn chưa phù hợp; nhiều giáo viên làm việc theo diện hợp đồng ngắn hạn. Đời sống khó khăn khiến nhiều giáo viên phải bỏ nghề.

Mặt khác, nhiều trẻ em còn chưa biết tiếng Việt, giáo viên thì chưa thông thạo tiếng dân tộc. Đây là những rào cản khiến tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp còn hạn chế.

Từ thực trạng trên, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị, cần đưa giáo dục mầm non là đối tượng ưu tiên đầu tư từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

“Tôi đề nghị ngành Nội vụ, ngành Giáo dục, cùng chính quyền địa phương có cơ chế ưu tiên tuyển dụng giáo viên dân tộc bản địa.

Trước mắt, để bổ sung nguồn lực này, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích học sinh dân tộc vào học ngành Sư phạm mầm non. Qua đó, bảo đảm đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025 mà Chính phủ đã ban hành” – Đại biểu Châu Quỳnh Dao đề xuất.