Cuộc thi tranh biện cho học sinh THPT: tổng giải thưởng 8 tỉ đồng

Cuộc thi tranh biện The Debate Challenge, do VnExpress phối hợp với Swinburne Việt Nam tổ chức – Ảnh: THI TRANG

Đây là cuộc thi tranh biện dành cho học sinh THPT trong độ tuổi 16-19, trên phạm vi Hà Nội và TP.HCM với cả hai bảng đấu Tiếng Anh và Tiếng Việt.

Cuộc thi lấy chủ đề “Let’s Debate for Innovation” (Cùng tranh biện để sáng tạo) và áp dụng theo Luật tranh biện World School Debating Championship (WSDC).

Vòng sơ loại, các thí sinh đăng ký theo đội 3 – 5 thành viên theo một trong hai bảng đấu là Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt. Các đội thi gửi một video 5 – 8 phút chia sẻ quan điểm về một chủ đề do ban tổ chức đưa ra, được đánh giá bởi ban chuyên môn và được công bố trên website để khán giả bình chọn. 64 đội xuất sắc của bảng Tiếng Việt và 32 đội của bảng Tiếng Anh trên toàn quốc sẽ bước tiếp vào vòng đấu loại.

Ban tổ chức lưu ý với vòng đấu loại, thí sinh cần có những kỹ năng tổng hợp như nghiên cứu, làm việc nhóm, thuyết trình, trích dẫn tài liệu, tư duy phân tích, phản biện và sáng tạo…

Top 4 đội bảng Tiếng Việt và Top 2 bảng Tiếng Anh của cả hai miền sẽ tham dự vòng chung kết khu vực và toàn quốc diễn ra tại Hà Nội. Dự kiến vòng chung kết sẽ được truyền hình trực tiếp, đồng thời mở cổng cho các khán giả bên ngoài theo dõi, hứa hẹn sẽ là vòng thi gay cấn nhất vì quy tụ những nhà tranh biện xuất sắc nhất tại cuộc thi.

Các học sinh có thể đăng ký tham gia cuộc thi bằng một trong 2 hình thức: đăng ký trực tuyến tại cổng thông tin vnexpress.net/giao-duc/debate hoặc đăng ký trực tiếp tại học xá của Swinburne Việt Nam trên toàn quốc.

Tổng giá trị giải thưởng cho các đội chiến thắng lên tới 8 tỉ đồng, bao gồm tiền mặt, các suất học bổng giá trị tại Swinburne Việt Nam cùng nhiều phần quà đến từ các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Tham gia cuộc thi này, thí sinh sẽ được các chuyên gia hàng đầu hướng dẫn, cung cấp kiến thức, kỹ năng tranh biện.

TS Hoàng Việt Hà – giám đốc Swinburne Việt Nam, phó trưởng ban tổ chức cuộc thi – cho biết: “Sự khác biệt của cuộc thi này là lan tỏa các giá trị của tranh biện học thuật.

Các đội thi ngoài khả năng thuyết trình còn cần thể hiện được tư duy phân tích, phản biện, sử dụng lập luận có bằng chứng, có trích dẫn nguồn, khả năng nghiên cứu sâu về vấn đề tranh biện, làm việc nhóm và thể hiện có văn hóa tranh biện quốc tế phù hợp, tôn trọng sự khác biệt.

Đây là những kỹ năng của công dân toàn cầu mà chúng tôi mong muốn được lan tỏa và thực hành”.

Nam sinh đưa tranh biện vào lớp họcNam sinh đưa tranh biện vào lớp học

TTO – “Trải nghiệm nhiều tình huống tranh biện, em mở mang tư duy rất nhiều sau đó” – Phạm Hoàng Ân, một trong các tác giả đoạt giải Tri thức trẻ vì giáo dục 2017, chia sẻ.