Covid-19 và trách nhiệm với cộng đồng

Tuy nhiên, trong tâm dịch, vẫn có những trường vừa “gồng” mình vượt khó vừa chung tay cùng xã hội trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

Nhường ký túc xá cho người cách ly

Số người phải cách ly do dịch Covid-19 ngày càng tăng nên những địa điểm được trang bị cơ bản đầy đủ về cơ sở vật chất để sử dụng vô cùng cần thiết. Đã nhiều đơn vị, tổ chức xã hội, thậm chí cả người dân cùng chung tay chuẩn bị. Mới đây nhất, bà Trần Kim Phương – Chủ đầu tư Trường Cao đẳng Y Dược ASEAN – Văn Lâm, Hưng Yên tự nguyện “góp” khu ký túc xá 5 tầng với 100 phòng ở có sẵn giường, công trình phụ khép kín, điện nước đầy đủ để cơ quan chức năng có thể trưng dụng tạm thời làm chỗ cách ly người bệnh.

Bà Trần Kim Phương cho biết: Trường Cao đẳng Y Dược ASEAN có 2 địa điểm tại Hà Nội và Hưng Yên. Tại Hưng Yên, tháng 10/2019, số học viên tham gia chương trình liên kết xuất khẩu lao động kết thúc khóa học. Cơ sở tạm đóng cửa để chờ hết dịch mới tiếp tục hoạt động. Để không sẽ lãng phí thay bằng làm nơi ở cho người cách ly sẽ có ý nghĩa hơn.

Bà Trần Kim Phương cũng là chủ đầu tư của hệ thống trường ngoài công lập TH và THCS Everest (Hà Nội). Khi xảy ra dịch Covid-19, gần 1.000 HS nhà trường phải nghỉ học, GV nghỉ dạy, trường không có nguồn thu… nhưng Ban giám hiệu nhà trường quyết định miễn học phí, phát khẩu trang miễn phí cho HS và trả lương cho 150 GV, nhân viên theo mức lương nghỉ hè và trả phụ cấp sinh hoạt chuyên môn cho GV.

Ông Nghiêm Nhật Anh – Giám đốc điều hành Trường TH và THCS Everest chia sẻ: Hai tháng HS nghỉ học, nhà trường “rơi mất” trên 10 tỷ đồng cho các khoản lãi ngân hàng, khấu hao, lương và bảo hiểm GV, các khoản thu từ giá trị cơ hội… Tuy vậy, theo ông Nghiêm Nhật Anh, “GV cũng có cuộc sống, gia đình… nên nhà trường vẫn chi trả lương. Người vui, người hài lòng và cả chưa hài lòng với khoản lương cơ bản nhưng nhà trường và GV đều thấy rằng cần thiết chia sẻ khó khăn chung với toàn xã hội, ngành GD và các trường ngoài công lập, thầy cô giáo”.

Giảm học phí cho SV

Chia sẻ với người học những thiệt hại về kinh tế trên diện rộng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU) có thông báo giảm 20% học phí cho SV. Cụ thể, với SV BVU học chính quy đã hoàn thành học phí kỳ II năm học 2019 – 2020 và nộp học phí kỳ III năm học 2019 – 2020 đúng hạn, mức giảm là 20% học phí học kỳ III năm học 2019 – 2020. Bên cạnh đó, BVU áp dụng hình thức giảm trực tiếp theo từng học phần, sinh viên đăng ký và nộp học phí học kỳ III, thời gian nộp học phí (dự kiến) từ ngày 24/4 – 15/5/2020.

Trường ĐH Văn Lang (VLU) cũng thực hiện giảm 20% học phí đối với học phần đăng ký học online; giảm 10% học phí đối với khối lượng học phần không dạy online và học phần không đăng ký học online.

Theo ông Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực VLU, đây là hình thức chia sẻ với phụ huynh và SV trong điều kiện khó khăn chung và khuyến khích SV học online để bảo đảm tiến độ học tập. Trường cũng tiến hành khảo sát SV về nhu cầu sử dụng máy tính xách tay để học online cùng hình thức chi trả. Sau đó tính các hỗ trợ như tìm nhà cung cấp rẻ nhất, cùng thanh toán hợp lý để các bạn có thể mua máy tính xách tay phục vụ tốt nhất cho việc học.

Mức giảm 10 – 20% cũng được nhiều trường ĐH ngoài công lập chia sẻ với SV. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng giảm 20% học phí của học kỳ II năm học 2019 – 2020, thực hiện đến 17 giờ ngày 25/3; Trường ĐH Văn Hiến giảm 20% học phí các môn học online và 10% đối với các môn học trực tiếp cho tất cả sinh viên của trường (áp dụng từ ngày 16/3).

Là đơn vị công lập tự chủ tài chính, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cũng quyết định giảm 8% học phí môn học lý thuyết online. Đồng thời nhà trường khuyến khích SV nộp tiền học phí theo hình thức chuyển khoản để hạn chế rủi ro dịch bệnh lây lan. Hiệu trưởng HCMUTE – PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết: Tổng chí phí cho việc giảm học phí này khoảng 20 – 30 tỷ đồng. Nhà trường nhận phần khó về mình để các em tốt nghiệp đúng tiến độ, ra trường đi làm kiếm tiền trả nợ vay lúc đi học, hỗ trợ gia đình.

Các cơ sở giáo dục cần được hỗ trợ

Theo ông Nghiêm Nhật Anh, hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và các giải pháp cụ thể để từng bước khắc phục hậu quả đồng bộ: Nộp thuế chậm, miễn bảo hiểm cho GV trong những tháng nghỉ dạy vì dịch hoặc có thể cho vay ưu đãi để chi trả những khoản bắt buộc… Sự tương trợ giữa Nhà nước và nhân dân là điều cần thiết để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Thơm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi sao nhỏ – quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, các đề xuất của Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ như chiếc phao cứu trường tư. Bởi trong hơn 2 tháng HS nghỉ vì dịch, nhiều trường ngoài công lập không trụ vững, phải thanh lý tài sản trường lớp và đóng cửa bởi mất khả năng chi trả khoản tiền lớn như: Thuê mặt bằng, lương, bảo hiểm…

Theo bà Nguyễn Thị Thơm, các trường ngoài công lập cần có sự hỗ trợ theo hình thức miễn, giảm hoặc kéo dài quyết toán các khoản tiền nộp thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong quý I và II năm 2020. Ngoài ra, kinh phí thuê mặt bằng cũng chiếm một khoản chi lớn trong hoạt động của các nhà trường ngoài công lập, nên chăng cần hỗ trợ về chính sách để có thể giảm hoặc miễn phí trong các tháng nhà trường không thể hoạt động vì dịch bệnh.

Dịch bệnh xảy ra khiến SV gặp nhiều khó khăn trong học tập, sinh hoạt. Việc giảm học phí nhằm đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ gánh nặng trong chi phí học tập. – Ông Võ Văn Tuấn.