Cô giáo vừa dạy vừa ‘chạy’ sạt lở, 10 năm vay mượn tiền xây mới nhà 5 lần

Cô Thuận là giáo viên dạy học lâu nhất tại xã Sơn Long với 20 năm gieo chữ – Ảnh: TR.MAI

20 năm gắn bó với giáo dục miền núi ở xã khó khăn nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi, cô Đinh Thị Bích Thuận (giáo viên Trường mầm non Đắk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) trở thành người dạy bọn trẻ lâu nhất ở địa phương tít non cao này.

Cô Thuận trở thành người nổi tiếng khi vừa gieo chữ miệt mài vừa là người bị thiên tai rượt đuổi liên tục: 10 năm, 5 lần xây nhà, trong đó có 4 lần vì sạt lở. Người Ca Dong bảo rằng cô Thuận là người xây nhà nhiều nhất xã.

Núi đuổi, sạt lở rượt

Ông Đỗ Thanh Vượt, chủ tịch UBND xã Sơn Long, chỉ tay về đỉnh núi Ngọc Prây – nơi khởi nguồn của trận sạt lở kinh hoàng với hàng trăm ngàn khối đất đá đổ sập, kéo dài hơn 1km – nói: “Ngôi nhà kiên cố bậc nhất xã đang nằm chênh vênh bên miệng vực kia là nhà cô Thuận, chỉ cần mưa lớn một đợt nữa chắc chắn ngôi nhà sẽ đổ sập bởi một nửa ngôi nhà đã bị đất đá phá hỏng” – ông Vượt nói.

Cô Thuận là điển hình nhất của chuyện mất nhà vì sạt lở. Từ thôn Ra Pân, nhìn qua khu tái định cư A Nhoi 2 (thôn Mang Hin) chỉ khoảng 500m, nhưng trận sạt lở đầu tháng 12-2020 phá nát con đường liên thôn, chúng tôi phải đi đường vòng hơn 3km đến điểm trường bỏ hoang – nơi cô Thuận cùng gia đình đang ở tạm. Nếu không may mắn có điểm trường này, cô Thuận không biết ở đâu để tiếp tục dạy học.

Trong phòng học nhỏ bừa bộn, nhưng vật dụng gì cũng mới toanh. Cô Thuận nói: “Tối hôm đó, tôi và chồng, con lấy mấy bộ đồ rồi dời đi theo lệnh của chính quyền, biết là sẽ có sạt lở nhưng không ngờ lại khủng khiếp đến vậy. Sau khi nhà sập, toàn bộ đồ dùng bị chôn vùi, đến nơi ở tạm này phải mua mới toàn bộ”.

Dựng nhà, sạt lở rồi dựng nhà rồi tiếp tục sạt lở tiếp nối trong lời kể của cô Thuận. Năm 2011, khi hai vợ chồng tích góp dựng được căn nhà nhỏ ven bờ suối thôn Ra Pân, một trận sạt lở xảy ra, người Ca Dong giúp cô giáo gỡ ván mang dựng ở một mảnh đất gần làng.

Chưa yên ổn được bao lâu, mùa mưa năm 2012, ngôi nhà vừa dựng lại tiếp tục sạt lở, người Ca Dong lại giúp cô dọn nhà vào sâu trong làng. Cứ nghĩ đã yên thân, nào ngờ nhà hàng xóm cháy, ngọn lửa nuốt luôn căn nhà của cô Thuận.

“Khi đó tôi từ trường chạy về, nhìn ngôi nhà chẳng còn lấy một tấm ván. Thế là hai vợ chồng vay mượn đến đầu làng dựng một ngôi nhà, ở được 3 năm. Năm 2015 sạt lở nhắm trúng nhà tôi, lại mất nhà một lần nữa” – cô Thuận buồn giọng.

Ở ven suối, cuối làng, giữa xóm, đầu thôn đều không yên, hai vợ chồng cô Thuận quyết định lên đường Đông Trường Sơn dựng ngôi nhà ở lưng chừng đỉnh núi Ngọc Prây. Cô Thuận phải vay ngân hàng 200 triệu đồng dựng lên một căn nhà kiên cố, chắc chắn nhất xã Sơn Long thời điểm đó.

Lần xây nhà đó, ở mấy năm không xảy ra chuyện gì, vợ chồng cô Thuận mừng thầm. “Ai mà ngờ, từ tháng 10 đến cuối năm 2020 sạt lở lại nhắm vào ngay vị trí nhà tôi ở. Vườn cây ăn quả chuẩn bị cho trái, chuồng trại, heo, gà đều bị đất đá chôn vùi” – cô Thuận nói.

Niềm vui từ dạy trẻ

Tròn 20 năm gắn bó với sự nghiệp gieo chữ ở thung lũng sạt lở, cô Thuận chẳng thể đếm hết có bao nhiêu trận sạt lở, năm nào xã cũng xuất hiện từ vài điểm đến hàng chục điểm sạt lở bủa vây. Khi cô về ở tạm tại điểm trường bỏ hoang chưa được bao lâu thì một trận sạt lở với khối lượng đất đá hơn 20.000m3 xảy ra ngay phía sau điểm trường và đang lan rộng dần, uy hiếp khu tái định cư A Nhoi 2.

Cô Thuận nói vui rằng nếu trận sạt lở lan rộng và điểm trường này cũng sập thì chắc hai vợ chồng phải vào sâu trong rừng làm nhà để sạt lở khỏi đi theo hai vợ chồng, ảnh hưởng đến bà con.

Cũng may trong vô tận đau khổ, cô Thuận còn tìm kiếm niềm vui từ dạy chữ. Cả đời người cô Thuận chứng kiến những đứa trẻ Ca Dong bập bẹ những con chữ đầu đời từ lời giảng của mình rồi lớn lên là niềm hạnh phúc vô bờ. Những nỗi buồn của riêng mình, cô Thuận gắng gượng giấu đi, mỗi ngày đến lớp múa hát, tập cho bọn trẻ đánh vần ở điểm trường thôn Mang Hin.

Nhìn cô vui vẻ bắt nhịp rồi mời từng học trò phát biểu, trên khuôn mặt ấy không còn vẻ mệt mỏi mà chiều hôm trước chúng tôi thấy. “Đi dạy vui lắm, buồn rồi cũng tạm quên lúc ở bên bọn trẻ”, cô Thuận nói.

Sau bao tai ương, cô Thuận vẫn muốn tiếp tục dạy chữ ở Sơn Long thay vì đến một vùng đất mới. Như cô nói, nơi đây đã lấy trọn thanh xuân, mỗi năm chứng kiến cuộc sống của người dân ổn định hơn là niềm hạnh phúc vô bờ.

Cô Thuận cũng đã là công dân của vùng đất này, đi đâu bọn trẻ cũng vòng tay chào, còn người làng thì sẵn sàng giúp mỗi khi cô cần. Cô Thuận nói: “Tôi tạm ở đây, khi nào có điểm tái định cư sẽ vay tiền dựng lại nhà, hi vọng sẽ không còn cảnh núi rượt nữa”.

Cảm ơn những tấm lòng

Người Ca Dong ở thung lũng Sơn Long khẳng định những đợt sạt lở trong năm 2020 lớn nhất từ trước đến nay. Trong lúc khó khăn, cô Thuận đã nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng. Theo thống kê của UBND xã Sơn Long, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ cô Thuận khoảng 40 triệu đồng.

Trước hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương đã làm đơn và cô Thuận được duyệt hỗ trợ 150 triệu đồng nữa để có tiền dựng lại nhà mới. Cô Thuận nói: “Tôi cảm ơn những tấm lòng đến với gia đình vào lúc này. Tôi thấy mình được chia sẻ và phải luôn cố gắng dạy học để không phụ tấm lòng của bao người dành cho mình lúc hoạn nạn”.

Chuyện cô giáo dũng cảm cứu 17 trẻ trước đàn ong rừngChuyện cô giáo dũng cảm cứu 17 trẻ trước đàn ong rừng

TTO – Đàn ong tràn vào phòng học nhanh quá, tôi chỉ kịp ôm lấy các cháu và dùng thứ gì có thể để che chắn cho các bé an toàn… – cô Tuyết kể lại.