Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn

20 năm trước, một phụ nữ làng K’Brạ (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) mang thai. Thầy mo phán bà mang quái thai và phải bỏ đi để làng không mang họa. Cả làng cũng tin vậy nên ép gia đình phải bỏ đi bào thai tội nghiệp.

May thay, bào thai ấy vẫn sống, ra đời lành lặn không như lời phán của thầy mo. Mẹ thương đứa con gái mạnh mẽ nên đặt tên Ka Xuân.

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 2.
Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 3.

Thầy mo quyền lực, ông ấy nói Ka Xuân là quái thai thì dân làng không dám nghĩ khác. Giữa làng quê nghèo, cô gái ấy đau ốm triền miên.

Mẹ Ka Xuân mang bạo bệnh rồi qua đời khi cô chưa biết nói càng khiến dân làng và bố cô tin hơn vào lời thầy mo.

Mọi người truyền tai rằng Ka Xuân là “sao chổi”. Từ lúc mẹ cô mất, bố cô thiểu não chìm trong men rượu. Mỗi lần ngập trong cơn say, ông trở về nhà và trút giận lên đầu Ka Xuân. Cô và anh chị em không biết đã bao lần phải “thừa sống thiếu chết” bởi những trận đòn từ chính bàn tay của bố.

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 4.

Ka Xuân từ nhỏ đã quen với việc đi làm thuê để kiếm tiền đến trường

Xuân lớn lên trong sợ hãi. Mỗi bước chân trong nhà đều khẽ khàng vì sợ bố nghe thấy. Bước chân ra làng, Xuân càng không dám bởi ai cũng sợ những lời nguyền quái ác đã gán lên người cô.

Tuổi thơ của Ka Xuân trôi đi trong dữ dội ở chính những nơi được xem là bình yên nhất. Ở trường học, Xuân tìm thấy niềm vui. Khác biệt với những đứa trẻ trong làng, cô học giỏi nhất và đánh đàn hay nhất.

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 5.

Ka Xuân, chiếc đàn guitar và những giây phút vui vẻ cùng những người bạn mới quen ở ký túc xá

“Em thích guitar nhưng em chơi giỏi piano. Biết sao không? Vì em không có tiền mua guitar, còn piano có sẵn ở nhà thờ, lúc nào em cũng nhờ để tập được hết”. Khổ cực đã khiến Ka Xuân phải đong đếm trên chính đam mê và sở thích của mình.

Nhắc đến chuyện học của Xuân, thầy Nguyễn Thế Mai (Trường THPT Di Linh, chủ nhiệm cũ của Xuân) xót xa: “Con bé tội nghiệp. Tôi nhớ có lần cả tuần liền không thấy Xuân đến lớp, tôi liên lạc để tìm hiểu nguyên nhân thì đầu dây bên kia Xuân òa khóc nói: “Con muốn đi học, thầy cho con mượn tiền để đóng học phí được không? Con hứa sẽ đi làm và trả lại thầy sớm”.

Gặp trực tiếp nói chuyện, con bé thú thực phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền đóng học phí mà dạo đó ít việc nên Xuân không kiếm đủ tiền. Xuân bảo đợt đó bức bí quá mới kể hết cho thầy nghe”.

Xuân có khuôn mặt tươi, khác hẳn với những áp lực mỗi ngày cô đối diện. Nhìn Xuân, dễ tin rằng cô là một công nhân lành nghề hơn là một tân sinh viên. “Đi học xong em tới thẳng chỗ làm thêm. Em dọn dẹp, rửa bát cho quán phở và dọn phòng cho khách sạn. Mấy việc đó ít người làm nên lương cao, đủ tiền cho em đi học và hỗ trợ chị gái đang là sinh viên” – Xuân nói.

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 6.

Quán phở ở thị trấn Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) nơi Ka Xuân đến làm mỗi ngày cuối tuần, ngày lễ trong nhiều năm

Xuân thường về nhà sau 10 giờ đêm và học đến 3 giờ sáng hôm sau. Cô tâm sự: “Làng em con gái không còn học nhiều, nên em đi học không được bố và họ hàng ủng hộ. Em chọn đi làm khuya, học trễ vì giữa đêm sẽ không còn nghe ai nói năng điều gì khiến em tủi thân”.

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 7.

Ka Xuân ôm đàn hát ca khúc yêu thích – Video clip: MAI VINH

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 9.

Xuân có năm anh chị và một người em. Lẽ ra Xuân đã học đại học vào năm 2021, nhưng cô chấp nhận tạm bỏ học đi làm kiếm tiền hỗ trợ chị gái Ka Hậu (khi đó đang học năm thứ hai ngành y của Trường đại học Tây Nguyên, Đắk Lắk).

Năm 2021, khi Xuân tốt nghiệp cấp 3 cũng là lúc chị Ka Hậu bước vào thời gian thực tập. Thời gian trực bệnh viện chiếm hết giờ đi làm thêm khiến Hậu không đủ khả năng lo chi phí sinh hoạt và học tập.

Xuân lặng lẽ đi TP.HCM. Dù đã đậu đại học nhưng thay vì nhập học, Xuân đi thẳng đến Bình Tân làm công nhân. Mức lương công nhân 7 triệu đồng, Xuân chắt chiu gửi cho chị hơn nửa, chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu để ăn uống hằng ngày bởi cô còn phải chi 2 triệu thuê nhà và đi lại.

Ban đầu, công việc của Xuân chỉ là đóng gói bao bì sản phẩm, lâu dần Xuân kiêm luôn việc khuân vác. Hằng ngày phải chất những thùng hàng nặng khiến đôi tay cô nhiều lần bị bong gân. Xuân nén đau làm vì thương chị và cả thương ước mơ đại học của mình. Trong công xưởng, Xuân thèm đi học.

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 10.

Cuối tháng 3-2023, cầm số tiền tiết kiệm được, Xuân lên Đắk Lắk để ở gần với chị. Hai chị em thuê một phòng trọ nhỏ, bảo ban nhau vừa học vừa làm. Trong thời gian này, Xuân bắt tay vào ôn thi để kịp tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 11.

Tranh thủ những giờ nghỉ, Ka Xuân ôn lại ngoại ngữ

Kết quả, Xuân đạt 26,5 điểm khối C và “ẵm” trọn điểm 10 môn lịch sử. Thành tích này đã giúp Xuân đậu vào ngành công tác xã hội của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. “Em chọn ngành này vì nó hay. Mình được dạy cách huy động nguồn lực xã hội để giúp đỡ những người khó khăn” – Xuân chia sẻ.

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 12.

Ka Xuân đã vào TP.HCM chuẩn bị nhập học

Xuân bộc bạch ngày nhỏ, ước mơ của cô là trở thành một giáo viên âm nhạc. Nhưng khi lớn lên, nhìn thấy cuộc sống xung quanh, cô lại cháy bỏng mong muốn trở thành một người làm công tác xã hội chuyên nghiệp để góp phần nâng cao nhận thức của bà con đồng bào tại những vùng sâu, vùng xa.

Hỏi Xuân chuẩn bị đủ tiền đi học chưa, Xuân cười: “Không lo đâu. Xin làm phục vụ quán ăn nhiều khi không được nhưng xin dọn bếp, rửa chén thì chỗ nào cũng cần mà lương cao hơn. Em quen rồi, sẽ tự tính được”.

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 13.

Ka Xuân đắn đo mãi mới quyết định mua đôi giày mới để có thể đi làm thêm ở nhà hàng tiệc cưới theo quy định

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 14.

Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 15.
Cô bé Ka Xuân thèm học như người đói thèm ăn - Ảnh 16.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

MAI VINH – THANH HIỀN

MAI VINH – PHƯƠNG QUYÊN

SONG UYÊN