Chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ

Đào tạo tiến sĩ ở các nước: ‘Siết’ đầu ra

Nghiên cứu sinh tại ĐH Swansea (Anh) – Ảnh: GETTY IMAGES

Tại các nước như Mỹ, Canada, Singapore hay Nhật thời gian đào tạo một tiến sĩ thường kéo dài 4-8 năm, thậm chí “ngốn” đến hơn 10 năm. Quy trình cho “ra lò” một tiến sĩ bắt đầu bằng 1-3 năm học chuyên sâu những học phần liên quan. Khối lượng kiến thức thường khá dày và nặng, đòi hỏi người học thường dành toàn bộ thời gian trong ngày.

Ngoài ra, người học phải trải qua các kỳ thi cam go để đạt chuẩn bước vào giai đoạn tiếp theo. Nhiều nghiên cứu sinh thậm chí phải học lại do không vượt qua được những yêu cầu từ trường. Nếu qua được, họ sẽ bước đến giai đoạn làm đề tài, thường mất từ 2-8 năm và được theo dõi tiến trình nghiêm ngặt. Để được công nhận, nghiên cứu sinh sẽ phải bảo vệ luận án trước hội đồng rất khắt khe, trong đó có các giáo sư từ trường hoặc nước khác.

Thông thường, chất lượng một tiến sĩ ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng của nhà trường nên chuyện vị nể là khá ít. Theo báo The New York Times, ước tính chỉ có khoảng 60% nghiên cứu sinh hoàn thành được chương trình tiến sĩ ở Mỹ trong 10 năm. Đặc biệt, có đến 30% bỏ học hoặc bị đuổi học.

Ở các nước như Úc, Anh, New Zealand…nghiên cứu sinh tiến sĩ thường bắt tay vào làm đề tài mà không cần trải qua những học phần bắt buộc. Giáo sư hướng dẫn thường là người “chỉ đường” cho các nghiên cứu sinh đi học thêm nếu thấy họ có vẻ “hụt” kiến thức. Vì vậy, quy trình ở các nước này thường ngắn hơn khoảng 2-3 năm.

Tuy nhiên dù theo mô hình nào, chuyện đào tạo tiến sĩ ở các quốc gia phát triển đều được “siết” chặt đầu ra. Sự “siết” chặt này phần lớn do chính các trường đào tạo ý thức vì chỉ cần một vài tiến sĩ “dởm” cũng có thể phá hoại uy tín của trường. Vì vậy, các cơ quan quản lý giáo dục của quốc gia thường đưa ra những tiêu chuẩn vừa phải rồi sẽ được thêm thắt tùy từng trường.

Chẳng hạn với yêu cầu công bố quốc tế. Thông thường với những ngành khoa học tự nhiên, việc nghiên cứu sinh có tên trên các tạp chí trong đó có ISI/Scopus là bắt buộc. Sức ép công bố có thể đến ngay từ giáo sư hướng dẫn, họ “áp” số lượng cụ thể để tạo động lực cho nghiên cứu sinh.

Với những ngành khoa học xã hội, yêu cầu này thường “dễ thở” hơn. Khác với khoa học tự nhiên, những ngành xã hội thường đòi hỏi một thời gian rất dài khảo sát, phân tích đến báo cáo mới cho ra được một công bố chất lượng. Quá trình này thậm chí dài hơn cả thời gian đào tạo tiến sĩ.

Do đó, không ít người đã trở thành tiến sĩ một thời gian thì bài báo “chuẩn” quốc tế này mới được xuất bản. Thay vào đó, mỗi trường sẽ có một hướng dẫn chi tiết các tạp chí đạt chuẩn cho nghiên cứu sinh, vì rõ ràng không thể xem việc xuất hiện trên các tạp chí ISI/Scopus là tiêu chí duy nhất quyết định khả năng nghiên cứu của tiến sĩ.

TRỌNG NHÂN tổng hợp