Chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại miền núi: Chủ động ứng phó thiên tai

Bởi thế, các địa phương cần chủ động xây dựng phương án ứng phó với tinh thần: Không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn, điều kiện thời tiết không đến được điểm thi.

Bài học từ các năm trước

Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Lai Châu là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn, lũ quét. Mặc dù đã tận dụng tối đa chỗ ở tại trường dân tộc nội trúđể tập trung thí sinh trong ba ngày thi nhưng đến chiều tối ngày 24/6 vẫn còn 13 thí sinh vắng mặt tại các điểm thi. Tuy trưởng điểm thi nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương để giúp thí sinh còn lại nhưng vẫn có em không thể dự thi do mưa lũ và thiên tai.

Cũng tại Lai Châu, điểm thi tại Trường THPT Mường Than (huyện Than Uyên), sau trận mưa lớn tường rào bị đổ, phải chuyển sang điểm thi dự phòng tại Trường THCS Phúc Than, cách điểm thi cũ khoảng nửa cây số. Trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018, có 15 thí sinh bị mắc kẹt trong vùng lũ ở huyện Tân Uyên. Mặc dù lực lượng quân sự nỗ lực để đưa những thí sinh này ra điểm thi. Do phải qua nhiều ngầm, điểm sạt lở nên các em đến muộn 1 tiếng.

Từ bài học năm trước, kỳ thi tốt nghiệp năm nay, để 3.200 thí sinh không phải di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác và giảm chi phí đi lại cũng như áp lực, Sở GD&ĐT Lai Châu dự kiến sẽ tổ chức 17 điểm thi theo trường hoặc liên trường với 162 phòng thi.

Cùng điều kiện với Lai Châu, Điện Biên có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, mưa lũ diễn biến phức tạp. Bởi thế, ngành GD-ĐT tỉnh cũng có những phương án sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, tuy còn nhiều khó khăn song những năm qua, không có học sinh nào không được thi do ảnh hưởng của mưa lũ.

“Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Bố trí lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu, giao thông thông suốt, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh khi cần thiết. Hằng năm, các điểm thi đặt ở trung tâm huyện, cụm xã đều tổ chức chỗ ăn, nghỉ và ôn tập cho học sinh ở xa nên số thí sinh bị ảnh hưởng mưa lũ trong quá trình di chuyển đến điểm thi rất ít”, ông Nguyễn Văn Kiên nhấn mạnh.

Thí sinh tại Điện Biên trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Vì một kỳ thi an toàn

Rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước, ngành GD-ĐT Lai Châu đã chủ động các phương án ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra. Theo đó, Sở GD&ĐT xác định phải thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, trước mắt tập trung tham mưu cho Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống thiên tai tỉnh xây dựng phương án ứng phó với các tình huống xấu thường xảy ra.

Cùng với đó, sở tích cực phối hợp với với UBND huyện/thành phố; BCĐ thi các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức thi tại địa phương, phương án hỗ trợ học sinh ăn ở, di chuyển trước, trong kỳ thi để việc ôn tập và thi đạt kết quả tốt, bảo đảm an ninh an toàn trong kỳ thi.

“Chúng tôi xác định yếu tố quan trọng là chỉ đạo, vận hành các phương án phục vụ kỳ thi đúng quy chế, phù hợp với điều kiện địa phương. Trong đó, chú trọng phương án bảo đảm an toàn giao thông, bảo mật các khâu của kỳ thi (phòng để đề thi, bài thi). Chúng tôi sẽ phối hợp với BCĐ thi cấp huyện tạo điều kiện hỗ trợ chỗ ở cho cán bộ coi thi tại các điểm thi. Hỗ trợ phương tiện di chuyển của cán bộ tham gia kỳ thi, từ nơi nghỉ đến điểm thi để bảo đảm an toàn, thuận lợi trong công việc. Hỗ trợ phương tiện, lực lượng vận chuyển bài thi từ điểm thi về thành phố Lai Châu theo đúng kế hoạch”, NGƯT Đinh Trung Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu chia sẻ.

Cũng theo NGƯT Đinh Trung Tuấn, Sở GD&ĐT Lai Châu đang nỗ lực rà soát, chuẩn bị đầy đủ điều kiện để tổ chức kỳ thi. Xây dựng phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra, đặc biệt là chuẩn bị điểm thi dự phòng đầy đủ, sẵn sàng như điểm thi chính thức để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Kiên thông tin: Đơn vị chủ động tham mưu UBND tỉnh việc bố trí các điểm thi phù hợp (trong đó bố trí cả điểm thi dự phòng), thuận tiện cho việc tổ chức thi, thí sinh dự thi. Tỉnh sẽ huy động lực lượng chuyên trách sẵn sàng, kịp thời hỗ trợ ở khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra lũ quét, bảo đảm cho thí sinh di chuyển đến điểm thi an toàn.

Trong tập huấn nghiệp vụ thi, chúng tôi sẽ quan tâm hướng dẫn cho lãnh đạo các điểm thi, cán bộ coi thi có kỹ năng ứng phó trước tình huống xấu có thể xảy ra để có hướng giải quyết và xử lý kịp thời, trong đó có phương án phòng chống thiên tai để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến kỳ thi. – Ông Nguyễn Văn Kiên