Chật vật lo chỗ học cho ‘rồng vàng’

Học sinh một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) – một trong những quận luôn “đau đầu” với áp lực trường lớp vì số lượng học sinh tăng mạnh sau mỗi năm – Ảnh: NAM TRẦN

Tuổi đẹp theo quan niệm dân gian khiến số lượng học sinh vào học lớp 6 năm học 2023 – 2024 tăng cơ học rõ rệt hơn so với năm trước.

Cùng với những nguyên nhân khác như tốc độ đô thị hóa mạnh, tình trạng di dân, sự hình thành các khu công nghiệp mới… khiến câu chuyện quá tải chỗ học lại nóng hơn.

Áp lực từ… tuổi đẹp

Tại Hà Nội, năm học 2023 – 2024 sẽ có 188.429 học sinh vào học lớp 6. So với năm học trước, số học sinh sẽ tham gia tuyển sinh đầu cấp THCS tăng đột biến với 38.519 học sinh. Năm học này, số học sinh vào lớp 1 của Hà Nội cũng tăng thêm 11.600 học sinh.

Học sinh vào lớp 10 của Hà Nội không tăng so với năm trước, nhưng việc thành phố điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh công lập tăng thêm 10.000 học sinh so với năm trước (trên 72.000 học sinh/129.000 học sinh dự tuyển vào lớp 10) nên tình trạng quá tải cũng xảy ra cả ở cấp học này.

Ước tính, với thực trạng năm nay, Hà Nội đang cần thêm trên 1.000 phòng học ngay trong năm học tới. Theo số liệu của Sở GD-ĐT Hà Nội, trên địa bàn thủ đô có 2.840 trường mầm non, phổ thông.

Ngoài ra, có chín trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, một trường trung cấp chuyên nghiệp với gần 2,2 triệu học sinh. Về cơ bản, Hà Nội đã đáp ứng đủ mỗi phường, xã, thị trấn có một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS.

Nhưng do nhiều nguyên nhân, tình trạng quá tải vẫn xảy ra và căng thẳng nhất ở một số quận huyện đang có các “siêu phường” do tốc độ gia tăng dân cư quá nhanh.

Theo con số thống kê của năm học trước, rất nhiều địa bàn tại Hà Nội như khu vực quận Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, các trường học không đảm bảo được quy định sĩ số 35 học sinh/lớp với tiểu học và 45 học sinh/lớp với trung học. Có những trường đa số lớp có sĩ số trên 50 học sinh/lớp, thậm chí trên dưới 60 học sinh/lớp.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông, cho biết năm học tới quận này có 117.000 học sinh mầm non, phổ thông. Riêng số học sinh trong độ tuổi vào lớp 6 dự kiến tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học trước.

Một địa bàn khác ít nóng về tuyển sinh đầu cấp là Mê Linh nhưng năm nay cũng tăng gần 2.000 học sinh ở cả ba cấp mầm non, tiểu học và THCS, trong đó riêng học sinh vào lớp 6 tăng 1.200.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Cần giải pháp căn cơ

Trong nhiều năm qua, Sở GD-ĐT Hà Nội duy trì mục tiêu “ba tăng, ba giảm” gồm: tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn.

Ngoài ra, Hà Nội cũng chủ trương kéo gần khoảng cách chênh lệch về chất lượng giữa các trường trong cùng một địa bàn. Việc này giúp cho tâm lý “chạy trường, chạy lớp” của phụ huynh giảm bớt.

Tuy nhiên chỉ một số quận lõi đã tương đối ổn định như Hoàn Kiếm, Ba Đình có những thay đổi đáng kể, về cơ bản giảm tải được để đảm bảo quy định về sĩ số học sinh.

Còn lại, nhiều quận huyện, trong đó có những quận mới đang đô thị hóa mạnh, thì chỉ có tiếp tục tăng chứ không giảm được sĩ số học sinh/lớp, số lớp/khối lớp.

Năm trước, quận Hoàng Mai có phường chỉ có một trường mầm non khiến việc tuyển sinh không có cách nào khác phải dùng biện pháp bốc thăm nhận chỗ học cho trẻ. Quận này cũng có những trường tiểu học có tới trên 20 lớp 1.

Quận Cầu Giấy có những “siêu phường” khiến việc tuyển sinh phải điều chỉnh để phân tán bớt học sinh sang các trường ở phường lân cận.

Những giải pháp của Hà Nội mang tính tình thế đã không giải quyết được tận gốc. Sự căng thẳng từ năm học trước chưa giải quyết thấu đáo lại tăng thêm áp lực khi số học sinh tuyển sinh đầu cấp năm sau lại tăng và tăng đột biến như năm nay.

Quy hoạch mạng lưới trường lớp dựa trên dự báo về gia tăng dân số, gia tăng số lượng học sinh các cấp. Ban hành các quy định pháp lý nhằm ràng buộc trách nhiệm của các nhà đầu tư ở các địa bàn đô thị hóa mạnh.

Tăng cường xã hội hóa để xây thêm trường, lớp… Đó là những giải pháp căn cơ hơn cho câu chuyện quá tải chỗ học ở thủ đô.

Cơ chế cho tư nhân đầu tư vào giáo dục

Theo một số nhà quản lý giáo dục ở khối ngoài công lập, bên cạnh việc hỗ trợ quỹ đất cho tư nhân đầu tư vào trường học, các nhà đầu tư cần được hỗ trợ nhiều về cơ chế, các quy định pháp lý đủ và tạo điều kiện thuận lợi. Các trường tư cũng cần được đối xử công bằng trong việc quản lý, chỉ đạo chuyên môn…

1.649 dự án, tổng kinh phí trên 51.000 tỉ đồng

Theo bà Vũ Thu Hà, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong giai đoạn 2021 – 2025, TP Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường; cải tạo, sửa chữa 631 trường với 11.803 phòng học và phòng học bộ môn, với kinh phí dự tính trên 51.000 tỉ đồng cho 1.649 dự án.

Tuy nhiên, để sớm giải quyết tình trạng quá tải chỗ học, Hà Nội có hướng thúc đẩy xã hội hóa, huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, cá nhân. “Hà Nội có nhu cầu xây mới 135 trường ngoài công lập, với kinh phí khoảng 10.800 tỉ đồng” – bà Thu Hà chia sẻ.

Thi nhau đẻ con năm "rồng vàng", giờ tính sao?Thi nhau đẻ con năm ‘rồng vàng’, giờ tính sao?

Chưa biết tương lai sướng khổ ra sao, nhưng trẻ em thế hệ “rồng vàng” luôn bị quá tải sĩ số lớp học từ lớp 1 đến lớp 6…