Cắt giảm chương trình: Khó làm và vi phạm luật

Không thể tùy tiện

Chúng ta không thể trong một thời gian ngắn – vài ba tuần – mà có thể thay đổi chương trình, kế hoạch dạy học vốn đã được Bộ GD&ĐT thiết kế theo cấu trúc chặt chẽ và logic. Nhấn mạnh điều này, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Kế hoạch dạy học được quy định theo tiết, tuần, từng tháng và từng học kỳ. Cắt bỏ bao nhiêu phần trăm thời lượng học tập, cắt bỏ môn học nào, bài học nào, rà soát cho tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 12… không thể dựa vào cảm tính hay kinh nghiệm của một vài chuyên gia, một vài giáo viên giỏi hay mấy cán bộ quản lý giáo dục có thâm niên.

“Để ban hành được Công văn số 5842/2011/BGDĐT-VP, ngày 1/9/2011 về Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học nhằm giảm tải nội dung dạy học ở bậc tiểu học, chúng tôi đã phải suy nghĩ và dự thảo nội dung điều chỉnh, hội thảo rộng rãi lấy ý kiến số đông các giáo viên ở nhiều trường, tỉnh, thành khác nhau. Các hoạt động chuẩn bị này phải làm trong nhiều năm trước khi trình Bộ trưởng ban hành văn bản hướng dẫn chính thức. Sau đó phải hướng dẫn giảng dạy, tổ chức tập huấn và bồi dưỡng cho tất cả các giáo viên đứng lớp. Do vậy, không phải cứ muốn cắt giảm chương trình, điều chỉnh kế hoạch dạy là làm được ngay” – ông Đặng Tự Ân chia sẻ.

Cũng theo ông Ân, 1 chương trình và 1 bộ sách giáo khoa dùng thống nhất chung trong cả nước và được áp dụng dạy học cho tất cả học sinh, vùng miền từ Bắc tới Nam. Chương trình là pháp lệnh và muốn thay đổi nội dung, kế hoạch dạy học phải có quyết định của Bộ trưởng và có sự chấp thuận của Chính phủ. Do vậy, cắt giảm chương trình không hẳn là “vướng lý” mà là vi phạm văn bản dưới luật, đó là Quyết định ban hành Chương trình và sách giáo khoa được áp dụng cho tất cả các trường phổ thông trong toàn quốc.

Ảnh minh họa/ INT

Ông Đặng Tự Ân cũng cho rằng: Các cơ sở giáo dục không nên quá lo lắng phải học bù vào thời gian cụ thể nào. Bộ GD&ĐT đã có Công văn 509/BGDĐT-GDTrH về điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 – 2020. Trong công văn chỉ rõ, năm học kết thúc vào ngày 30/6/2020, thi THPT quốc gia từ 23 – 26/7/2020. Như vậy, thời gian nghỉ học 1 tháng để chống dịch Covid-19 được Bộ điều chỉnh khung kế hoạch dạy học lùi một tháng, tới hết tháng 6/2020.

Đây là khung kế hoạch thời gian dạy học, với một số mốc thời gian cụ thể cho những hoạt động có tính quốc gia, tuyệt nhiên không thể coi là kế hoạch cứng nhắc bất di bất dịch ở các địa phương khi tổ chức dạy học một cách thường nhật ở các trường. Các trường được phép xây dựng riêng kế hoạch thì áp lực khi học bù sẽ giảm đáng kể, bởi thời gian tổ chức dạy học do chính các nhà trường quyết định trên điều kiện, đặc thù của mình.
Ông Đặng Tự Ân

Trường học cần chủ động

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT – cho biết: Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 – 2018. Trong văn bản này, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Cụ thể: Tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành…

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học để các trường có quỹ thời gian bố trí dạy học bảo đảm hoàn thành chương trình. Ngoài ra, chương trình thiết kế 1 buổi/ngày nên kế hoạch dạy bù của các nhà trường còn có thể sử dụng thêm một số buổi trong ngày, luân phiên cho từng khối, từng lớp, tùy theo điều kiện thực tiễn của nhà trường. Các trường cũng có thể ưu tiên cơ sở vật chất để học sinh học bù, nhất là sử dụng tối đa các phòng thí nghiệm, thực hành; phòng đa năng (nếu có)… để tổ chức cho học sinh học bù vào buổi 2.

Bộ GD&ĐT có công văn giao quyền chủ động và hướng dẫn nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục. Với quỹ thời gian đã điều chỉnh, các trường chủ động theo khung thời gian của Bộ GD&ĐT, không cắt xén chương trình.

PGS Nguyễn Xuân Thành

Hiếu Nguyễn