Căng thẳng chuyện ăn bán trú

Phụ huynh giơ tay tranh nhau đặt câu hỏi với nhà trường trong cuộc họp sáng 2-11 – Ảnh: THẢO THƯƠNG

Cuộc gặp để giải quyết những bức xúc, phẫn nộ của phụ huynh khi cho rằng bữa ăn bán trú của học sinh kém chất lượng.

“Trường cũng làm với lương tâm của người làm giáo dục, kiểm tra bằng mắt. Cuối tuần họp với bảo mẫu và bếp ăn một lần.

Cô Nguyễn Thị Thu Hương (hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Thị Bưởi)

Sốc nặng khi thấy phần cơm của con

Một phụ huynh có con học lớp 2 chia sẻ rằng con đi học về thường kêu đói và đòi ăn, chị hỏi thăm thì nhiều phụ huynh ở các lớp khác cũng phản ảnh tương tự. Do vậy chị mới vào trường để kiểm tra bữa ăn của con thì… “sốc nặng”.

Chị kể: “Bữa ăn trưa là một cái tô lỏng nước, lèo tèo mấy cọng nui, một con tôm, vài lát thịt mỏng và một quả trứng cút. Một bữa trưa khác là cơm trắng với miếng trứng chiên, canh rau dền toàn nước, vài cọng rau, không tôm thịt gì trong canh. Tráng miệng là chuối nhỏ, lác đác vài đốm đen ở vỏ. Tôi sốc vì cứ nghĩ con mình đóng tiền ăn cao thì chất lượng sẽ khác”.

Từ đầu năm học, phụ huynh thống nhất mỗi tháng một em đóng 200.000 đồng tiền phục vụ bán trú, 30.000 đồng tiền vệ sinh bán trú và suất ăn/ngày là 30.000 đồng bao gồm cả bữa xế (bánh flan, hũ sữa chua…). Cho rằng với mức phí này bữa ăn sẽ “nhỉnh” hơn so với các trường khác ở địa bàn Q.9, nhưng tận mắt thấy bữa ăn, thấy nguồn thực phẩm mang vào trường, không ít phụ huynh đặt ra câu hỏi về chất lượng bữa ăn.

Một phụ huynh có con học lớp 3 ý kiến: “Tôi thấy thịt xay mà mỡ nhiều hơn thịt, rau già, rau xanh chuyển sang vàng úa, còn củ quả thì có mùi. Có những phụ liệu như vani bột thơm mà nơi sản xuất rất lạ, tránh dùng cho trẻ cũng được đưa vào thức ăn. Tôi đang cầm trên tay phiếu xuất kho bán hàng nhập cho trường với hàng giò sống và giò lụa chỉ có giá hơn 60.000 đồng/ký thì quá sức tưởng tượng của tôi. Đây là loại giò gì, sao lại rẻ khủng khiếp đến thế? Nếu thầy cô có con, có ai dám để con mình ăn uống một ngày với các loại thức ăn này không?”.

Cuối tháng 10, một phụ huynh từng đưa con vào bệnh viện khám vì rối loạn tiêu hóa sau khi đi học về có biểu hiện nôn, ói. “Tôi phản ảnh để đóng góp cho công tác bán trú tốt hơn. Ai cũng mong muốn con mình có bữa ăn chất lượng, xứng đáng với số tiền bỏ ra. Chúng tôi muốn cùng giải quyết vấn đề chứ không phải là tặc lưỡi bỏ qua. Vì thế, tôi đề nghị phải thay nhà cung cấp thực phẩm khác chất lượng hơn” – chị Thoa, phụ huynh có con học lớp 1, nói.

Làm vì cái tâm, không vì lợi ích

Trước những ý kiến chất vấn của phụ huynh, cô Nguyễn Thị Thu Hương – hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Thị Bưởi – nói: “Không phải ngày nào trường cũng kiểm tra, cũng phải đến trường lúc 5 giờ sáng mà đi đột xuất để xem xe chuyên chở có hợp vệ sinh, có rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, trường cũng yêu cầu bếp ăn không sử dụng hàng đông đá, chỉ sử dụng hàng tươi. Trường cũng làm với lương tâm của người làm giáo dục, kiểm tra bằng mắt. Cuối tuần họp với bảo mẫu và bếp ăn một lần”.

Ngoài ra, cô Hương cũng bày tỏ thêm trong giao nhận hàng nấu nướng có thể có sai sót. Trong 9 tháng học sinh ăn bán trú ở trường, tháng ăn nhiều nhất là 22 ngày, tháng ăn ít nhất là 17 ngày. Năm học này nhập học trễ nên nhà trường chưa có phiếu khảo sát chất lượng bữa ăn với chính học sinh.

Trả lời cho câu hỏi thẳng thắn của một phụ huynh là có hay không việc nhà trường có lợi ích từ việc hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm, cô Hương khẳng định: “Nếu có ngộ độc thực phẩm xảy ra tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, mặc dù ăn bán trú là thỏa thuận với phụ huynh. Tôi cũng khẳng định không có lợi ích nào ở đây, bếp ăn trả điện nước rõ ràng cho nhà trường, mang tính chất phục vụ”.

“Có sai sót nhỏ”

Trước rất nhiều chất vấn của phụ huynh về chất lượng thực phẩm, đại diện công ty cung cấp thực phẩm cho rằng đây là “vấn đề sai sót nhỏ”, rau củ quả chỉ bị giập do quá trình vận chuyển và hứa sẽ điều chỉnh. Đại diện công ty này nói: “Làm nhiệm vụ cung cấp thực phẩm cho trường, nếu sai thì phía công ty sẽ sửa sai. Nếu mặt hàng không tốt thì sẽ đổi lại, nguyên tắc phía công ty là nhà cung ứng, đi qua kho, mới đến trường. Các loại giò như phụ huynh phản ảnh là do chính công ty sản xuất. Nếu hoài nghi, phụ huynh có thể đến thẳng nơi sản xuất để kiểm tra”.

Bà Phan Thị Kim Duyên – phó Phòng GD-ĐT Q.9 – đưa ra ý kiến: “Ngưng hay không ngưng nhà cung cấp, không thể ngồi đây làm được. Phụ huynh cho nhà trường cơ hội thể hiện trách nhiệm, chúng tôi cũng ngồi lại bàn bạc với nhau. Trong thời gian chưa chọn được nhà cung cấp mới, học sinh vẫn ăn bán trú dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn, không bằng giấy tờ nữa, mà sẽ bằng mắt. Và sẽ chốt trả lời phụ huynh trong chiều thứ bảy ngày 7-11”.

Sở GD-ĐT TP.HCM: Có thể đổi công ty cung cấp thực phẩm

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Sở đã từng yêu cầu 100% các bếp ăn tập thể, căngtin trong trường học phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Đó là phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, chấp hành các quy định và vận hành hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm theo ba cấp trong khối giáo dục. Thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt một trong các chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000… Nếu ở trường có những lùm xùm về nguồn cung cấp, nhà trường nên xem xét lại và có thể thay đổi công ty cung cấp để an toàn hơn, phụ huynh an tâm với bữa ăn ở trường”.

TP.HCM: Phụ huynh chất vấn trường về bữa ăn bán trúTP.HCM: Phụ huynh chất vấn trường về bữa ăn bán trú

TTO – Sáng 2-11, hơn 60 phụ huynh đại diện các lớp Trường tiểu học Trần Thị Bưởi (Q.9, TP.HCM) có buổi làm việc với nhà trường, đại diện Phòng giáo dục và đào tạo quận 9, nhà cung cấp thức ăn trước về bữa ăn bán trú của học sinh.