Bát nháo học hộ, thi hộ – Kỳ 3: ‘Combo’ học và thi hộ

Nhiều sinh viên học hộ cho các “anh chị” lớp liên thông ngành dược học của Trường đại học N. vào ngày 17 và 18-12-2022 – Ảnh: VĂN KHOA

Trên các “sàn giao dịch”, loại dịch vụ từ “A tới Z” như vậy vẫn thường được các sinh viên đăng tin rao cần thuê người.

Thầy sẽ chỉ định làm một bài bất kỳ trong một khoảng thời gian. Năm người làm nhanh nhất thầy sẽ lấy điểm. Mình chỉ cần tầm 7 điểm trở lên là được. Bạn ráng làm nhanh nhanh giúp mình để có điểm, chứ học bốn bữa nay vẫn chưa có điểm nào. Không có điểm quá trình, mình sợ sẽ không đủ điểm kết thúc môn.

Q., một sinh viên, đặt hàng người nhận thi hộ

Đi học mà không… học

Q. – sinh viên năm nhất ngành quản trị nhân lực Trường ĐH C. – cần người học và kiểm tra hộ môn nhập môn CNTT vào ngày 13-12-2022 tại cơ sở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Nam (tên đã thay đổi) ứng tuyển và “trúng thầu”.

Q. cho biết buổi học sẽ bao gồm hai nội dung Word và Excel, cuối buổi thầy sẽ cho kiểm tra những phần đã học để lấy điểm quá trình.

Trước khi tham gia lớp học, Q. đã gửi các dạng bài tập trong giáo trình cho chúng tôi tham khảo và tập luyện trước. Tài liệu chúng tôi nhận được có 10 bài tập, mỗi bài có từ 7 – 10 yêu cầu khác nhau, đa phần thuộc dạng thực hành các hàm Excel.

“Thầy sẽ chỉ định làm một bài bất kỳ trong một khoảng thời gian. Năm người làm nhanh nhất thầy sẽ lấy điểm. Mình chỉ cần tầm 7 điểm trở lên là được. Bạn ráng làm nhanh nhanh giúp mình để có điểm, chứ học bốn bữa nay vẫn chưa có điểm nào. Không có điểm quá trình, mình sợ sẽ không đủ điểm kết thúc môn” – Q. nói.

6h30 ngày 13-12, Nam gặp Q. tại điểm hẹn rồi cùng lên học tại phòng máy của trường từ 7h đến 10h50. Điều bất ngờ là chỉ khi vô lớp Nam mới biết sẽ không chỉ học và thi hộ cho mỗi Q. mà còn cho cả nhóm bạn của Q. gồm ba người. Điều này không nằm trong “thỏa thuận miệng” giữa hai bên từ trước, nhưng Nam vẫn đồng ý.

Suốt buổi, Q. và nhóm bạn ngồi kế bên chúng tôi nhưng không học. Công việc ghi chép, “hiểu bài tại chỗ” được giao hết cho Nam, miễn sao Nam làm được bài cuối giờ cho nhóm là được. Có lúc thấy chán bài học, nhóm của Q. ra khỏi lớp xuống căng tin “ăn sáng”, bỏ Nam ngồi một mình “tự xử” bài vở.

Đến giờ làm bài kiểm tra, Nam và Q. đổi chỗ cho nhau để Nam làm bài kiểm tra trên máy tính của Q.. Việc đổi chỗ diễn ra nhanh gọn sao cho giảng viên không để ý. Khi làm bài xong, Q. báo giảng viên chấm bài.

Kết quả lần này không khả quan, giảng viên chỉ ra bài thực hành của Nam còn nhiều lỗi và không cho điểm. Vì không thực hiện đúng cam kết “bao điểm” cho sinh viên, Nam không được nhận tiền công mà chỉ được Q. cho tiền xăng đi lại.

Nam đến thi hộ cho một sinh viên tại phòng máy của Trường C. trong ngày 13-12-2022 – Ảnh: LÝ SƯƠNG

“Bao show” hằng tuần

“Combo” học hộ – thi hộ không chỉ được “săn đón” bởi nhiều sinh viên đại học, cao đẳng chính quy mà còn với các học viên học văn bằng 2 hoặc liên thông đại học mà điển hình tại lớp liên thông ngành dược học của Trường đại học N..

Phần lớn môn học lý thuyết của lớp này được mượn địa điểm học tại một trường cao đẳng ở quận 12. Lớp thường học vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Tuy nhiên, nhiều học viên không sắp xếp được lịch hoặc muốn dễ qua môn đã thuê người học và thi hộ.

Chúng tôi có mặt khi sinh viên lớp này đang học môn sức khỏe môi trường vào hai ngày 17 và 18-12. Không khó để nhận ra sự “khác biệt thế hệ” hiện rõ trên khuôn mặt trong lớp khi giữa những người thế hệ 8X lại có những bạn “non choẹt” gen Z.

“Những đứa nhìn trẻ trẻ là đi học giùm, thi giùm hết đó. Có khi cùng một tên, ba tuần đi học là ba đứa hoàn toàn khác nhau. Ở đây ai cũng biết hết, chỉ có điều không nói ra mà thôi”, học viên H. (34 tuổi) chia sẻ với chúng tôi.

Thông qua vài đầu mối, chúng tôi có được một số tài liệu về một nhóm thuê người học hộ tại lớp này. Cần nói rõ, đây chỉ là một nhóm thuê người học hộ và có thể còn nhiều nhóm khác.

Vào ngày 17 và 18-12-2022, nhóm này thuê 10 bạn đang là sinh viên ngành dược Trường ĐH Y Dược TP.HCM học hộ và làm tiểu luận theo yêu cầu. Những học viên nhờ học hộ phần lớn thuộc thế hệ 8X, người lớn tuổi nhất sinh năm 1983 và trẻ nhất 1994.

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, trước đó vào ngày 12 và 13-11 cũng có một nhóm 10 học viên thuê một nhóm sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM đến lớp này học và thi hộ cho môn độc chất học.

Hay ngày 27-11, nhiều thành viên trong nhóm cũng nhờ hỗ trợ môn dược động học nhưng cuối cùng giảng viên chưa cho thi môn này.

Chúng tôi thấy có nhiều cái tên lặp lại, đồng nghĩa rất hay sử dụng “combo” học hộ – thi hộ, như T.T.H.N.N. (1986), N.H.N.T. (1991), H.T.V. (1981), T.K.T.K. (1994), T.T.L. (1983)…

Phí học và thi mà các sinh viên học hộ nhận được là 500.000 đồng/ngày cộng với 50.000 đồng hỗ trợ tiền xăng. Không chỉ hỗ trợ trực tiếp, một số nhóm sinh viên còn hỗ trợ nhiều học viên những môn thi online, chẳng hạn với môn hóa phân tích.

Những học viên sẽ giao tài khoản và mật khẩu đăng nhập lên hệ thống thi online cho sinh viên thi hộ.

Có khi 2-3 sinh viên thi hộ cho một học viên, 1-2 người phụ trách giải bài, người còn lại sẽ nhập liệu kết quả. Giá thi online rơi vào khoảng 100.000 đồng/lượt hoặc tính theo số câu đúng với giá 5.000 – 8.000 đồng/câu.

“Bùng nổ” trong mùa dịch

Chúng tôi gặp hai cựu sinh viên ngành dược Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã có nhiều kinh nghiệm thi hộ cho một số lớp liên thông ngành dược học. V.T. cho biết bắt đầu nhận những “kèo” thi hộ từ năm 2021 khi các lớp học và thi chuyển sang online.

T. không tiếp xúc trực tiếp với “khách hàng” mà nhận yêu cầu từ một bạn sinh viên khác. Mỗi buổi thi, T. được nhận từ vài trăm ngàn đến vài triệu, tùy theo độ khó và cam kết điểm số cho bài.

Tương tự, G.B. cho biết thông thường nhóm sinh viên sẽ có một người đứng đầu và nhóm học viên cũng có một người đứng đầu. Hai người này sẽ thống nhất số lượng học viên cần học hộ, thi hộ và số sinh viên có thể cung cấp. Có một đường dây học hộ, thi hộ. B. chỉ là “đầu cuối” đi thi.

“Do các bài thi rất dễ so với sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM nên có lúc mình cũng nhận thi hộ online cho 2-3 người trong cùng một khung giờ” – B. nói.

Thuê người đi coi… văn nghệ

Không chỉ học và thi hộ, nhiều sinh viên còn cần cả người để điểm danh hộ. Người “nhận kèo” thường chẳng phải làm gì, chỉ cần đến lớp hoặc địa điểm được sinh viên đưa ra, sau đó ký tên hoặc điền thông tin vào phiếu điểm danh là xong.

Như ngày 20-12, sinh viên N.T.D. – Trường ĐH Công Đoàn (Hà Nội) – đăng thông tin vào một nhóm kín Facebook cần người điểm danh tại trường từ 8h-11h ngày 21-12. Chỉ trong khoảng 30 phút đã có hơn 10 ứng viên đăng ký.

Ngoài điểm danh tại lớp, không ít “khách hàng” còn cần người đi giùm các sự kiện, hoạt động do trường tổ chức để lấy điểm rèn luyện.

Chẳng hạn vào ngày 14-12-2022, N.Q. – sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân – đăng tin rao cần một người đi dự hộ sự kiện cả ngày tại trường với yêu cầu đơn giản chỉ cần “ngồi và xem văn nghệ”.

Thông thường đây là những “kèo” ít tiền, phí thường khoảng 50.000 – 80.000/buổi. “Khách hàng” sẽ ưu tiên cho người nhận là sinh viên cùng trường vì thuận tiện.

(còn tiếp)

Bát nháo học hộ, thi hộ - Kỳ 2: Qua mặt dễ dàngBát nháo học hộ, thi hộ – Kỳ 2: Qua mặt dễ dàng

Dạo một vòng các ‘sàn giao dịch’ thi hộ, Nguyễn Nam nhanh chóng chốt được một ‘kèo’ thi hộ tiếng Anh vào chủ nhật. Đây là bài thi kiểm tra chất lượng đầu ra được thiết kế theo dạng đề TOEIC tại Trường cao đẳng L. ở TP.HCM.