Công nhận kết quả đánh giá thường xuyên khi dạy học qua internet, trên truyền hình

Trong giai đoạn học sinh không thể đến trường này, các nhà trường, giáo viên vẫn có trách nhiệm tổ chức dạy học bằng nhiều hình thức khác nhau cho học sinh, để đảm bảo quyền lợi và nhu cầu được học tập của các em, đảm bảo việc hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình. Trong các hình thức dạy học khác này, dạy học trên internet, truyền hình, là giải pháp tình thế cần áp dụng rộng rãi.

Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, với học trên internet, học sinh các vùng mà điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kết nối internet hạn chế, việc học tập có thể không đảm bảo. Việc học trên truyền hình với khung giờ phát sóng cố định có thể gây khó khăn cho học sinh tham dự hoặc lĩnh hội được đầy đủ nội dung bài giảng…

Nhưng trong tình huống việc tổ chức dạy học trực tiếp quá khó khăn như hiện nay, ta cần áp dụng và phát huy tối đa ưu điểm của các phương thức dạy học trực tuyến, để đảm bảo việc học tập của học sinh, đảm bảo việc hoàn thành chương trình. Đây cũng là cơ hội để học sinh, giáo viên, ngành giáo dục cả nước làm quen với ứng dụng những công nghệ số hiện đại vào đổi mới các hình thức tổ chức dạy học.

Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi. Ví dụ như phối hợp với các đài truyền hình để tăng số lượng kênh phát sóng, tăng thời lượng phát sóng các chương trình dạy học. Các bài giảng, ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để đảm bảo học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ được kiến thức.

Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Bộ GD&ĐT.

Chúng ta thống nhất nhận thức rằng, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm phòng chống dịch Covid-19 khi dịch bệnh này đang diễn biến rất phức tạp cả trong nước và quốc tế. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh, sinh viên cần tham gia khai báo y tế đầy đủ để góp phần kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Ngành Giáo dục các địa phương cần xây dựng kế hoạch tổng thể, có các kịch bản về phòng chống dịch; chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, đội ngũ y tế, tăng cường phun thuốc khử khuẩn trường lớp, tẩy trùng trang thiết bị dạy học. Tinh thần là cố gắng tối đa không để dịch bệnh lây lan trong trường học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

Đối với việc dạy học trên truyền hình, theo Thứ trưởng, phải kết hợp với hỗ trợ trực tiếp học sinh để kiểm soát được việc học tập của các em, cũng như đánh giá khả năng tiếp thu của người học. Theo đó, giáo viên thông báo lịch phát sóng cho học sinh, phối hợp với gia đình tổ chức cho các em học tập.

Các thầy cô cần xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh học theo bài, biên soạn các bài tập, giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện sau giờ học trên truyền hình. Quá trình các em theo học, giáo viên cũng cần có biện pháp để tương tác với học sinh, nhằm hỗ trợ giải đáp các thắc mắc, khó khăn cho người học. Khi học sinh đi học trở lại, tất cả các nhà trường phải dành thời lượng thích đáng để bổ trợ kiến thức đã dạy trên truyền hình cho các em, nhằm đảm bảo mọi học sinh đều lĩnh hội được đầy đủ nội dung cốt lõi theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

“Do khối lượng bài giảng cho các môn học của các khối lớp là rất lớn (120 môn) nên Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các Sở GD&ĐT cung cấp các bài giảng trên truyền hình để Bộ tổng hợp, lựa chọn phát sóng miễn phí trên các kênh truyền hình cho học sinh. Các Sở GD&ĐT hôm nay cũng thống nhất cao việc phối kết hợp với nhau để cùng xây dựng hệ thống các bài giảng đầy đủ cho các môn học của các khối lớp. Bộ GD&ĐT rất hoan nghênh và đề cao tinh thần này” – Thứ trưởng chia sẻ.

Hội nghị có 10 ý kiến phát biểu từ các Sở GD&ĐT, tập trung vào 3 vấn đề lớn là phòng chống dịch Covid-19, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trong học kỳ 2 bằng hình thức trực tuyến, tinh giản nội dung chương trình học.

Đối với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh học qua internet, trên truyền hình, để đảm bảo công bằng cho học sinh, theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT thống nhất ý kiến việc kiểm tra định kỳ, cuối kỳ sẽ được thực hiện tại các nhà trường khi học sinh đi học trở lại. Trước đó, khi học sinh mới quay lại trường, các em sẽ được cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình.

Đối với việc đánh giá thường xuyên thì trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách các môn học trực tiếp giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua nhiều hình thức như: sản phẩm học tập, kết quả thực hành thí nghiệm… Việc đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình phải đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực, vì quyền lợi của học sinh. Khi đáp ứng các điều kiện này, kết quả đánh giá được công nhận theo quy định hiện hành. Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành hướng dẫn việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho học sinh.

Về việc tinh giản chương trình, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã thành lập các tiểu ban và đang khẩn trương thực hiện để trong tháng 3 này ban hành hướng dẫn cho các địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai thực hiện. Mục tiêu là giảm được từ 5-7 tuần so với chương trình hiện nay để đến 15/7 là kết thúc năm học. Tuy nhiên, việc tinh giảm không thực hiện cơ học và phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

Việc bồi dưỡng giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là vấn đề trọng tâm ngành Giáo dục cần thực hiện, nhưng một số tỉnh gặp khó khăn khi tập huấn đại trà do phần mềm chưa thống nhất. Bộ GD&ĐT đã trao đổi với đơn vị cung cấp phần mềm để hỗ trợ các địa phương, nên đề nghị 1-2 tháng tới các tỉnh triển khai việc tập huấn này. Đồng thời các địa phương cần quan tâm lựa chọn sách giáo khoa theo thông tư đã ban hành của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn chi tiết của địa phương.

Chia sẻ của các địa phương tại hội nghị, trong thời gian qua, cùng với những biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19, công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đều được các địa phương quan tâm, chú trọng. Theo đó, ngoài thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục, thực hiện dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình, thầy cô mọi miền đất nước đã chủ động có những cách thức sáng tạo, giúp học sinh ổn định nền nếp học tập, không bị quên kiến thức trong thời gian nghỉ học.

Về đề xuất, kiến nghị, nhiều ý kiến tập trung vào việc Bộ GD&ĐT sớm hướng dẫn cụ thể việc tinh giản nội dung dạy học; sớm có hướng dẫn về dạy học qua internet và trên truyền hình để có thể công nhận kết quả học tập của học sinh học theo hình thức này. Nhiều ý kiến cũng đề nghị, với dạy học trên truyền hình, Bộ GD&ĐT huy động sự vào cuộc của các thầy cô giáo, thống nhất xây dựng bài giảng, thẩm định chương trình để phát sóng thống nhất trên toàn quốc. Một số ý kiến đề cập đến chính sách hỗ trợ trường ngoài công lập; điều chỉnh kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có thể bạn quan tâm