Xây dựng tài liệu GD địa phương: Mở và đậm đà bản sắc văn hóa

Trên cơ sở tỉnh phê duyệt khung nội dung, Sở GD&ĐT mời các chuyên gia hoàn thành, biên soạn NDGDĐP để trình hội đồng thẩm định của tỉnh và báo cáo Bộ GD&ĐT.

Thấm đẫm bản sắc truyền thống

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT lựa chọn được các chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ, nghệ sĩ, nghệ nhân am hiểu về địa phương tham gia Ban biên soạn xây dựng NDGDĐP. Do vậy, những tiết học theo các chủ đề GDĐP được kỳ vọng sẽ là hoạt động giáo dục với trải nghiệm thú vị, học sinh được tìm hiểu kiến thức, không gian địa lý – văn hóa thân thuộc nhất.

Trên cơ sở khung NDGDĐP, tỉnh Bắc Ninh đang hoàn thành dự thảo NDGDĐP 3 bậc học: Tiểu học, THCS, THPT, dự kiến tháng 7 hoàn thành và báo cáo Bộ về NDGDĐP cấp tiểu học để tập huấn giáo viên và đưa vào giảng dạy trong năm học mới. Theo ông Nguyễn Thế Sơn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh, khi bắt tay vào biên soạn nội dung, bộ tài liệu bậc tiểu học được xây dựng hết sức chi tiết; Bao gồm nội dung khái quát, khung ma trận chủ đề GDĐP, nhất là xây dựng nội dung cụ thể dành cho lớp 1.

Ông Sơn lấy ví dụ: Trong chủ đề Tìm hiểu văn hóa quan họ, Ban soạn thảo đã giới thiệu một số làn điệu quan họ tiêu biểu, đặc điểm và cách thể hiện 1 đoạn/1 bài hát quan họ giản đơn để dạy cho trẻ. Mục tiêu đặt ra ở chủ đề này là: Sau khi học xong, học sinh lớp 1 phải nêu được một số đặc điểm cơ bản của văn hóa quan họ, kể được tên một số làn điệu, hát được một đoạn/một bài quan họ đơn giản. Hoặc như chủ đề Làng nghề tranh Đông Hồ, học sinh lớp 1 biết được làng tranh Đông Hồ ở đâu, hoạt động của làng tranh như thế nào, cảm nhận về tranh Đông Hồ và biết việc cần làm để giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống

Học sinh Trường Tiểu học Gia Cẩm – Phú Thọ với hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ảnh minh họa: TG

Thiết kế mở để giáo viên linh hoạt tổ chức hoạt động

Trực tiếp chỉ đạo soạn thảo, thẩm định NDGDĐP tỉnh Yên Bái, ông Dương Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: NDGDĐP cấp tiểu học được xây dựng cụ thể thành chủ đề, hoạt động trải nghiệm; Bao gồm chủ đề về quê hương em, danh lam thắng cảnh, một số nhân vật tiêu biểu, các loại hình nghệ thuật truyền thống, làng nghề, lễ hội truyền thống, di tích lịch sử – phong tục, tập quán tiêu biểu. Khi giảng dạy, giáo viên phải cân nhắc việc đưa các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trò chơi dân gian, nghề truyền thống của tỉnh Yên Bái giảng dạy cho phù hợp.

Ông Tiến cũng yêu cầu Ban soạn thảo xây dựng các chủ đề GDĐP có độ mở để giáo viên linh hoạt khai thác tài liệu về địa phương mình qua nhiều kênh, có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của các vùng khác nhau trong tỉnh. Đồng thời phù hợp với năng lực của của giáo viên, với các nhóm đối tượng học sinh khác nhau và thực tiễn dạy học ở nhà trường; Bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về biên soạn và tổ chức thực hiện NDGDĐP trong chương trình giáo dục phổ thông.