Tư vấn: Dùng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển ra sao?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí (Đại học Quốc gia Hà Nội), trao đổi với thí sinh tại Chương trình Tư vấn tuyển sinh – Hướng nghiệp năm 2023 do báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp tổ chức – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Chuyển đổi kết quả thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia?

* Em nghe nói năm nay hai đại học quốc gia sẽ cho phép chuyển đổi kết quả thi đánh giá năng lực của hai cơ sở cho nhau để tuyển sinh. Cụ thể điểm bài thi sẽ được chuyển đổi thế nào?

– GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội:

Theo kết quả nghiên cứu, từ năm 2023, điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) có thể quy đổi với điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM (APT) theo biểu thức: HSA= 0,1103 x APT.

Công thức này khuyến nghị áp dụng đối với dải điểm thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội từ 60 đến 135 ứng với dải điểm bài thi APT của Đại học Quốc gia TP.HCM từ 500 đến 1.100, và ngược lại với sai số 5%.

Thí sinh tự do có được thi đánh giá năng lực?

* Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có cho thí sinh tự do dự thi không? Ví dụ em đã tốt nghiệp THPT năm 2022, có được dự kỳ thi đánh giá năng lực của trường năm 2023?

– GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội:

Những học sinh tốt nghiệp THPT trong 3 năm tính đến thời điểm hiện tại (ví dụ năm 2023 sẽ cho phép thí sinh tốt nghiệp từ năm 2020 trở lại) được phép đăng ký thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vậy theo quy chế thi, em được đăng ký thi nếu không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu em đã thi đánh giá năng lực năm 2022 thì có thể dùng kết quả thi năm trước đó để xét tuyển đại học vì bài thi không giới hạn thời gian sử dụng.

Em có thể liên lạc với trường đại học dự kiến xét tuyển xem họ có dùng kết quả thi đánh giá năng lực của các năm trước đó để tuyển sinh năm 2023 hay không.

“Hạn sử dụng” của điểm thi đánh giá năng lực?

* Bài thi đánh giá năng lực có thời hạn bao nhiêu?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội:

Bài thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế theo định hướng bài thi chuẩn hóa và không có thời hạn. Tùy theo mục đích sử dụng mà các đơn vị có thể đưa ra yêu cầu giới hạn thời hạn.

Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến cáo các đơn vị sử dụng trong khoảng thời gian 36 tháng kể từ ngày thi. Tuy vậy, khi muốn sử dụng kết quả thi này để xét tuyển, thí sinh cần liên hệ với các đơn vị sử dụng kết quả thi HSA để biết thêm yêu cầu thời hạn.

* Khi điền thông tin dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có mục điền nguyện vọng xét tuyển đại học. Em không muốn điền nguyện vọng vào thời điểm này, mà chờ sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT có được không?

– GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội:

Em cần đọc kỹ dòng đầu tiên trước khi điền thông tin về nguyện vọng xét tuyển: “Thông tin kê khai nguyện vọng xét tuyển chỉ để tham khảo phục vụ xác minh kết quả thi của thí sinh (có thể bỏ qua).

Thí sinh phải gửi hồ sơ đăng ký xét tuyển đến trường đại học sau khi nhận được giấy chứng nhận kết quả thi đánh giá năng lực. Trung tâm khảo thí không tổ chức xét tuyển đại học và không chịu trách nhiệm về kết quả xét tuyển. Hãy tìm hiểu thông tin xét tuyển tại đề án tuyển sinh của các trường đại học”.

Như vậy, việc điền thông tin để dự thi không ảnh hưởng đến việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh sau này vào các trường đại học.

Thi đánh giá năng lực vì sao Thi đánh giá năng lực vì sao ‘hút’ thí sinh?

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2023 có số thí sinh đăng ký dự thi đông nhất từ trước đến nay với gần 91.500 thí sinh.