Trượt đại học có đáng xấu hổ không hả mẹ?

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gia đình tôi có truyền thống hiếu học. Bố mẹ tôi đều là giáo viên cấp III. Thế nên khi tôi trượt đại học, bố mẹ tôi cảm thấy rất sốc. Tôi nhớ rất rõ câu nói của mẹ tôi năm ấy: “Bố mẹ làm sao dạy được con người ta? Làm sao ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ?”.

Tôi thất bại thảm hại vì thi trượt đại học như thế. Dường như mọi thứ xung quanh đang chống lại tôi. Bố tôi không nói gì, không chì chiết giống mẹ nhưng có vẻ như bố tôi cũng thất vọng.

Khi đó, tôi cảm thấy trượt đại học là một cái gì đó rất kinh khủng, rất đáng sợ. Tôi trách mình sao không cố gắng lên một chút thì bố mẹ sẽ đỡ bị nhục nhã.

Nhưng dù nghĩ thế, tôi vẫn cảm thấy bố mẹ chưa bao giờ hiểu tôi, chưa bao giờ chấp nhận năng lực thật của tôi. Tôi cảm thấy mình thê thảm, thua cuộc. Tôi sợ đối diện với bố mẹ, tôi sợ kỳ vọng quá lớn của mẹ.

Đã rất nhiều lần tôi nói rằng mình không thể đỗ được Đại học Ngoại thương Hà Nội. Nhưng mẹ tôi vẫn “chấm” trường đó vì đã có chỗ xin việc tốt, vì nó sang, vì nó giúp mẹ tự hào.

Mẹ không mắng tôi nhưng từng lời mẹ nói như cứa vào tim tôi, vào lòng tự trọng của tôi. Mẹ còn bảo: “Họ hàng đôi bên đều có con đỗ đại học hàng đầu, còn con thì trượt nên mẹ chẳng biết ăn nói thế nào”. Và đó là lý do mà một cô giáo như mẹ “không dám nhìn mặt ai nữa”.

Có lẽ, tôi buồn vì trượt đại học thì ít mà thất vọng với thái độ của mẹ thì nhiều. Mẹ chỉ đo năng lực của tôi bằng thi đỗ đại học. Mẹ gây áp lực cho tôi suốt nhiều năm phổ thông và tôi đã từng rất sợ hãi trước mong mỏi của mẹ.

Chỉ những bạn trẻ từng trải qua cảm giác trượt đại học như tôi mới hiểu được rằng, nếu phá sản kỳ vọng của bố mẹ thì rất có thể mình sẽ trở thành kẻ thất bại trong nháy mắt.

Tôi dằn vặt chính mình và có lúc tôi muốn quên đi sự tồn tại của mình. Tôi đã từng muốn kết thúc những kỳ vọng, quên đi những thất bại đầu đời…

Có lần, tôi phản kháng mẹ: “Trượt đại học có đáng xấu hổ không hả mẹ?”. Mẹ nói: “Mẹ dạy con người ta thi đỗ được còn con mình thì không, vậy có đáng xấu hổ không?”.

Có lúc, tôi từng ước ao tôi không phải là con của mẹ, tôi ước mẹ không phải cô giáo, tôi ước mình có thể học giỏi hơn, tôi ước mình đừng trượt đại học. Tôi chưa bao giờ có thể ngồi chia sẻ được với mẹ. Bởi giữa hai mẹ con chỉ là câu chuyện học hành, thi đỗ…

Các em học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, sẽ nhiều bạn bước chân được vào giảng đường mình mong ước, có nhiều bạn sẽ lỗi hẹn giống tôi từng trải qua nhiều năm trước.

Nhưng qua câu chuyện của mình, tôi chỉ mong các bậc phụ huynh hãy dừng những kỳ vọng của mình. Xin hãy hiểu con hơn, hãy để con được học, được thi bằng tất cả lòng đam mê và năng lực vốn có.

Đừng ép con phải đỗ bằng được trường xịn, trường danh giá nếu như con không muốn hoặc năng lực của con không đủ, có hạn.

Các con là con người nên xin người lớn hãy hiểu cảm xúc của các con. Hãy để chuyện học của con cái trở nên nhẹ nhàng hơn.

Tôi đã từng là đứa thất bại trong mắt mẹ, từng thi trượt Đại học Ngoại thương Hà Nội (năm 2003) và thi đỗ vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2004).

Tôi đã tự cho phép mình làm lại, mình được sống thật và cho đến lúc này, sau gần 20 năm, tôi đã có một công việc tốt, thu nhập cao, một vị trí xã hội đủ để tôi hài lòng về bản thân.

Các bạn trẻ, hãy lựa chọn ngành học, trường học vừa vặn với năng lực của mình. Phụ huynh hãy “buông tha” cho các con, để các con không phải mướt mải chạy theo kỳ vọng của người lớn.

Đừng để những bạn trẻ khi mới bước vào ngưỡng cửa cuộc đời đã cảm thấy mất lòng tự trọng hoặc cảm thấy bản thân vô giá trị chỉ vì thi trượt, chỉ vì “phá sản” kỳ vọng của cha mẹ.

9X từng trượt đại học trở thành giám đốc công nghệ9X từng trượt đại học trở thành giám đốc công nghệ

29 tuỗi, Lê Văn Quý Hoàng đã là giám đốc công nghệ (CTO) tại ACWorks CO., Ltd., Nhật Bản. Để đạt được vị trí đó, ít ai biết cựu sinh viên ĐH FPT đã từng đi qua những thất bại, dám bước ra ngoài vùng an toàn để tìm hướng phát triển mới cho bản thân.