Trường mua thực phẩm với giá ‘trên trời’, cho học sinh ăn nhiều đường và muối

Trường mầm non 14 (quận Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: MINH GIẢNG

Ngày 24-10, Trường mầm non 14, quận Tân Bình có 358 học sinh ăn trưa và xế. Bảng kê thực phẩm bữa trưa và xế ngày hôm đó cho thấy trường sử dụng tổng cộng 27 loại gia vị, rau củ, thực phẩm.

Đáng chú ý là trường sử dụng muối và đường rất nhiều.

Giá cao gấp 3-4 lần

Thông tin từ phiếu chợ ngày 24-10, trường mua 8kg cá điêu hồng, 9kg thịt nạc dăm, 1,5kg thịt bò. Bữa xế trường cho học sinh ăn cháo lươn nhưng trường chỉ mua 2,5kg lươn.

Đáng chú ý, giá thực phẩm mà trường mua có giá cao hơn rất nhiều so với siêu thị. Phụ huynh so sánh giá trường mua và giá bán lẻ của siêu thị Co.opmart cho thấy giá trường mua cao hơn nhiều lần (xem bảng).

Không chỉ các loại thực phẩm qua chế biến, ngay cả các loại thực phẩm khô, đóng gói, công ty mua đi bán lại như đường, muối, dầu ăn, các loại rau cũng có giá cao hơn siêu thị rất nhiều.

Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Phương Thảo, hiệu trưởng Trường mầm non 14, cho biết thực phẩm của trường hiện do hai công ty cung cấp, gồm Công ty THNN thực phẩm sạch Trí Đức cung cấp nguyên liệu nấu bữa sáng, Công ty TNHH rau củ thực phẩm Phú Hưng cung cấp nguyên liệu nấu buổi trưa.

Nói về lý do chọn hai công ty này, ban giám hiệu trường cho biết đầu năm học có nhiều công ty đến giới thiệu cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên trường họp và nhận thấy hai công ty này có pháp lý, giá cả ổn nhất trong các công ty nên trường quyết định chọn.

Lý giải về việc mua thực phẩm giá cao, bà Thảo cho biết trường cũng nhận thấy giá cao nhưng có nhiều quy định về pháp lý, nhân sự mà trường rất khó để làm khác.

Theo bà Thảo, các công ty cung cấp thực phẩm phải nằm trong chuỗi công ty đảm bảo an toàn thực phẩm. Trường cũng đã từng hỏi một siêu thị cũng nằm trong danh sách này nhưng họ không xuất hóa đơn đỏ, không ký hợp đồng, mua ngày nào thanh toán ngày đó.

“Thực phẩm ngoài chợ rẻ nhưng trường không thể mua vì vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Trường cũng không đủ người để làm việc này.

Trường chấp nhận mua hàng các công ty này vì đảm bảo pháp lý về an toàn thực phẩm, thực phẩm tươi sống được sơ chế giúp nhân viên nhà bếp kịp chuẩn bị bữa ăn cho học sinh. Các loại cá được phi lê, tính tiền dựa trên khối lượng đã loại bỏ xương.

Ngoài ra các công ty này ký hợp đồng và cho thanh toán sau nhiều tháng sử dụng sản phẩm chứ không phải thanh toán ngay” – bà Thảo nói thêm.

Quá nhiều đường

Ngày 24-10, bếp ăn của trường dùng 8kg đường cát trắng, 1kg muối i ốt, 3 lít nước nắm, 2 lít dầu cá, 1,5 lít dầu thực vật, 28kg gạo. Buổi trưa trường sử dụng 2kg sữa bột, buổi sáng 7kg sữa bột.

Như vậy tổng trọng lượng sữa bột trường cho học sinh uống là 9kg, lượng đường và muối học sinh ăn trong ngày hôm đó cũng đến 9kg, chưa kể 3 lít nước mắm. Như vậy lượng muối và đường mà học sinh ăn hằng ngày nhiều hơn cả sữa!

Điều đáng nói là lượng đường và muối mà Trường mầm non 14 cho học sinh ăn hằng ngày cao hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TP.HCM. Năm 2022, Bộ GD-ĐT phê duyệt hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường. Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai hướng dẫn này cho các trường.

Hướng dẫn quy định thực đơn hạn chế sử dụng đường và muối. Lượng đường không quá 15g/học sinh/ngày, muối không quá 3g/ngày đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Với lượng đường và muối mắm trường này sử dụng chế biến, trung bình phần lớn học sinh (trừ 11 học sinh suy dinh dưỡng và trẻ ăn ít được uống sữa buổi trưa) uống 19,6g sữa/ngày trong khi ăn đến 22,3g đường, 2,8g muối và 8,6ml nước mắm mỗi ngày.

Theo phiếu đi chợ của trường trong 5 ngày: 21, 22, 23, 24 và 28-10, chỉ có ngày 21-10 trường sử dụng 5kg đường, các ngày còn lại lượng đường, muối, nước mắm và dầu ăn như nhau.

So sánh giá thực phẩm nhà trường mua từ phiếu kê chợ các ngày 21, 22, 23, 24 và 28-10 và giá ở siêu thị Co.opmart

Nguy hại nếu ăn nhiều đường, muối

TS.BS Lâm Vĩnh Niên – trưởng khoa dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – nhận định chung nếu trẻ em đang phát triển, ăn nhiều đường và muối trong một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Chuyên gia này dẫn ra: “Nếu trẻ em ăn nhiều đường, tạo cảm giác no thì có xu hướng ăn ít thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn như trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt… do bé luôn ở tình trạng no. Chưa kể ăn nhiều đường gây ra sâu răng, béo phì, tim, tiểu đường.

Còn ăn nhiều muối sẽ có nguy cơ tăng huyết áp, tạo ra thói quen ăn mặn gây bệnh đối với các cơ quan như thận, do tăng hoạt động để điều tiết chất mặn ra ngoài cơ thể. Đặc biệt lưu ý, với trẻ dưới 2 tuổi, khẩu phần dinh dưỡng của bé không nên bổ sung thêm đường”.

Siêu thị cung cấp thực phẩm giao tận trường

Ngày 28-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện truyền thông của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết hiện nay Saigon Co.op có cung cấp thực phẩm cho các trường tại TP.HCM.

“Có 2 dạng cung cấp thực phẩm. Nếu là thực phẩm đã chế biến, thường các điểm siêu thị lớn mới cung cấp. Vì siêu thị lớn mới đủ quy mô, nhân lực, cũng như các siêu thị tính toán vị trí thuận lợi đi lại với các trường.

Chẳng hạn Co.opmart Cống Quỳnh (quận 1); Co.opmart Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Co.opXtra Linh Trung, Co.opXtra Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức)… Các trường học ở lân cận siêu thị lớn, suất ăn sẽ được giao tới. Dạng cung cấp này chiếm 20-30%.

Còn thực phẩm sơ chế, đồ khô, chúng tôi đều cung cấp cho các trường học có bếp ăn tại trường. Đây là khách mà Co.opmart bán sỉ, số lượng lớn” – vị này thông tin.

Tất cả trường mầm non ở quận 1 công khai bữa ăn bán trú, trưng bày thức ăn thực tế

Năm học 2024-2025, tất cả trường mầm non ở quận 1 đều thực hiện công khai bữa ăn bán trú. Không chỉ công khai định lượng các loại thực phẩm mà nhà trường còn trưng bày thức ăn thực tế của học sinh mỗi ngày.

zalo-icon
facebook-icon