Trường ĐH ứng phó dịch: Lùi lịch học nhưng không giảm thời lượng

Dạy bù vào thời gian nghỉ hè

Với hơn 800 sinh viên đến từ Lào và hàng nghìn sinh viên trong nước, Trường Đại học Tây Bắc đã xây dựng phương án quản lý, đào tạo để ứng phó với dịch bệnh do Covid-19 gây ra. TS Đoàn Đức Lân – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc cho biết: Nhà trường cho sinh viên nghỉ học hết ngày 16/3. Với tình hình như hiện nay, nhà trường sẽ sử dụng phương án kéo dài thời gian học tập vào hè. Tức là, năm nay sinh viên có thể sẽ không được nghỉ hè như mọi năm mà vẫn phải đến trường để tiếp tục chương trình học tập.

Với những sinh viên Lào, hầu hết các em đã về nước. Một số em ở Việt Nam sẽ thực hiện theo lịch cá nhân và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế. Ngoài ra, nhà trường cũng giao nhiệm vụ học tập ở nhà cho các em” – TS Đoàn Đức Lân chia sẻ, đồng thời cho hay: Đối với những lưu học sinh Lào thuộc ngành Sư phạm phải đi thực tập ở các trường phổ thông, nhà trường sẽ cân nhắc, có thể cho các em đi thực tập ngay tại trường trên đất nước mình. “Chúng tôi sẽ có cơ chế giám sát để kết quả được đánh giá khách quan, thực chất và hiệu quả.
TS Đoàn Đức Lân

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) trao đổi: Lường trước được dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài, nhà trường đã lên phương án dạy học trực tuyến, khuyến khích giảng viên dạy học online cho sinh viên. Hiện nay, sinh viên được đào tạo theo tín chỉ, không còn học theo niên chế nên việc sắp xếp thời gian biểu học tập cho các em khi quay trở lại trường không quá khó khăn. “Chúng tôi tính đến phương án dạy học bù trong tháng nghỉ hè để bảo đảm khung chương trình đào tạo” – PGS.TS Trần Hữu Phúc nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Hữu Phúc, trường có 34 sinh viên Trung Quốc và một vài em sinh viên đến từ Hàn Quốc. Hầu hết sinh viên Trung Quốc đã về nước, một số em ở lại Việt Nam đã thực hiện tự cách ly theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Nhà trường cũng đã thông báo với các trường đối tác bên Trung Quốc, tạm dừng toàn bộ các chương trình đào tạo, chờ khi nào an toàn, an tâm mới tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận hợp tác.

Ảnh minh họa/ INT

“Chúng tôi đã gửi ý kiến trao đổi giữa hai bên để đi đến thống nhất có thể hủy chương trình học, vì với điều kiện thực tiễn hiện nay khó có thể mở lớp. Với những sinh viên đã học, nhà trường sẽ gửi kết quả học tập cho trường đối tác để họ tiếp tục chương trình đào tạo với những em này. Những chương trình hợp tác đào tạo mà chưa mở lớp, sẽ tạm dừng trong thời gian này” – PGS.TS Trần Hữu Phúc cho hay.

Điều chỉnh phù hợp với mọi sinh viên

Với hơn quy mô 20.000 sinh viên trong nước và khoảng hơn 100 sinh viên nước ngoài (chủ yếu đến từ Lào và Campuchia), TS Nguyễn Viết Đăng – Trưởng ban Quản lý Đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trao đổi: Theo kế hoạch, sinh viên sẽ nhập học vào 16/3 tới đây. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế, nhà trường sẽ có thông báo điều chỉnh cụ thể. “Dịch Covid-19 đã gây xáo trộn kế hoạch học tập và giảng dạy của thầy – trò học viện. Vì thế, chúng tôi đã tính đến phương án dạy – học bù cho sinh viên vào tháng hè. Hiện, nhà trường đã trang bị điều hòa cho các lớp học tại các khu giảng đường; đồng thời lắp toàn bộ hệ thống rèm chống nắng, nóng trong các lớp học. Do đó, nếu phải học trong tháng hè, cũng không có gì phải quan ngại. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập trong những ngày hè oi bức” – TS Nguyễn Viết Đăng khẳng định.

Cũng theo TS Nguyễn Viết Đăng, trong trường hợp xấu nhất: Dịch bệnh do Covid-19 có thể kéo dài và diễn biến phức tạp, sinh viên tiếp tục phải nghỉ học để phòng tránh đại dịch, nhà trường sẽ tính đến giải pháp dạy dồn hoặc tăng ca, tăng tiết cho sinh viên. Ngoài ra, có thể bố trí học bù vào thứ 7, Chủ nhật và tận dụng các quỹ thời gian trống để sắp xếp lịch học một cách hợp lý.

“Phương án chung là như vậy, căn cứ vào tình hình thực tiễn và diễn biến của dịch bệnh, chúng tôi sẽ có kịch bản chi tiết để ứng phó với Covid-19” – TS Nguyễn Viết Đăng nói, đồng thời cho biết: Với những sinh viên ngoại quốc, nhà trường cũng áp dụng phương án nêu trên. Trong trường hợp cần thiết sẽ có điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế của các em.

Nhà trường sẽ kết hợp dạy học trực tuyến để bổ sung kiến thức cho các em. Tinh thần là, Covid-19 có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ dạy – học của thầy và trò nhưng không để làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường. TS Đoàn Đức Lân

Minh Phong