Trích ngân sách mua sách giáo khoa: Vừa mừng, vừa lo

Học sinh thích thú với sách giáo khoa các nước được trưng bày trong khuôn khổ hội thảo về sách giáo khoa ngày 29-9 – Ảnh: VĨNH HÀ

Ông Nguyễn Tiến Dũng (trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Nghệ An): Nên hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo

Với sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có phương án lựa chọn, sử dụng sách khác nhau tại địa phương và sách chủ yếu do cha mẹ học sinh mua. Hiện nay đang trong quá trình thay sách, mỗi năm sẽ lại có thêm các lớp thực hiện chương trình – sách giáo khoa mới.

Vì thế hướng phù hợp là Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nhà xuất bản để có điều kiện thuận lợi trong quá trình biên soạn, xuất bản, đảm bảo chất lượng, giảm giá thành để phụ huynh học sinh có thể mua sách giá phù hợp.

Các chương trình cấp phát sách giáo khoa nên hướng đến đối tượng học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời bổ sung vào thư viện các nhà trường bằng các hình thức khác nhau. Ví dụ trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã trích ngân sách từ 3,7 – 3,9 tỉ đồng/năm mua sách giáo khoa, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu về sách của học sinh trong diện khó khăn, học sinh ở các vùng đặc thù trên.

Bộ GD-ĐT cần ban hành về hoạt động thư viện trường học, trong đó bổ sung sách giáo khoa theo hướng tăng cường vận động các nguồn tài trợ hợp pháp (doanh nghiệp, nhà hảo tâm, học sinh quyên góp sách qua sử dụng…), khuyến khích các trường kết nối thông tin sách giáo khoa (công khai nguồn sách giáo khoa qua nhiều phương tiện) và xây dựng cơ chế hỗ trợ lẫn nhau. Như thế có thể khắc phục được tình trạng thừa, thiếu sách giáo khoa trong mỗi năm học.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Cân nhắc để tránh lãng phí

Việc Chính phủ dự kiến bỏ ra 3.500 tỉ đồng để mua sách giáo khoa cho học sinh mượn theo tôi là một sự hỗ trợ cần thiết trong khi chúng ta muốn “ổn định” thị trường, phát triển bền vững giáo dục. Tuy nhiên, việc sử dụng sao cho phù hợp, không lãng phí kinh phí là vấn đề cần bàn.

Thứ nhất, chúng ta có thực sự muốn sách giáo khoa được sử dụng chung hay không? Nếu sử dụng chung cho mọi học sinh đến trường thì Nhà nước hay người học phải trả chi phí này?

Để trả lời câu hỏi này cũng không dễ dàng gì khi chúng ta muốn phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường.

Nhà nước đủ khả năng chi trả thì việc còn lại là các trường học cần thay đổi cách sử dụng sách giáo khoa của học sinh (học sinh phải giữ gìn sách giáo khoa sạch sẽ như không viết, gạch xóa… trên sách).

Thứ hai, thay đổi các nhà xuất bản trong việc xây dựng kế hoạch xuất bản sách giáo khoa hằng năm. Sách sẽ được in theo số lượng đặt hàng của Nhà nước. Thứ ba, mua sách như thế nào? Hiện nay có khoảng ba bộ sách giáo khoa (một số môn học ít hơn, môn ngoại ngữ nhất là tiếng Anh nhiều hơn). Giờ mua mỗi bộ theo tỉ lệ như thế nào đối với các nhà xuất bản đã có sách xuất bản?

Thứ tư, việc học sinh không dùng sách giáo khoa của trường là có thể có. Cũng cần có những dự đoán ban đầu về số học sinh vẫn mua sách cho riêng mình. Đây là sự tốn kém xã hội không cần thiết và thực sự lãng phí nếu nhiều học sinh vẫn muốn có sách giáo khoa riêng.

Thứ năm, cũng cần chú ý đến chủ trương “một chương trình nhiều sách/bộ sách giáo khoa” sẽ không tồn tại bởi các thầy cô giáo thấy không cần thiết phải biên soạn sách nữa.

Trước năm 1975 đã có không ít các trường phổ thông có rất nhiều giáo viên biên soạn sách cho mình và học sinh sử dụng. Một chủ trương tốt cũng có thể khó thực thi trong thực tế. Vì thế, cần cẩn trọng trong việc thực hiện.

“May được mượn sách giáo khoa”

Chị Đặng Thị Tình (sinh năm 1980), sinh sống ở Malaysia, có bốn con lần lượt 12, 11, 6 và 5 tuổi. Chị Tình cho biết việc Chính phủ Malaysia cho học sinh mượn sách giáo khoa là một sự hỗ trợ lớn với các gia đình.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Tình cho hay ở Malaysia, nếu học trường công, học sinh không phải đóng tiền, sách giáo khoa cũng không phải mua vì trường cho mượn.

SGK

Hai con của chị Đặng Thị Tình học bài ở nhà với sách giáo khoa được nhà trường cho mượn – Ảnh: NVCC

Riêng sách bài tập, loại sách mà học sinh có thể viết vào, thì trường cho luôn nên gia đình cũng không phải mua. “Chúng tôi rất may mắn về khoản này”, chị Tình nói.

Theo chị Tình, khi nào sách giáo khoa cũ, sau 5 – 6 năm các trường sẽ bổ sung các bộ sách mới.

Hằng năm, khi giáo viên bàn giao sách cho phụ huynh, sách đã được bao bọc bằng giấy ni lông cẩn thận, kèm thêm một lớp bìa cứng bên trong để bìa sách chắc chắn hơn.

Về nhà, phụ huynh cũng thường xuyên dặn dò con cái phải gìn giữ sách giáo khoa cẩn thận để sách được mới, đẹp cho các bạn khóa sau.

Trong trường hợp sách bị long bìa, hư hỏng nặng, phụ huynh có trách nhiệm đền cho cuốn sách bị hư. Chị Tình kể đầu năm học lớp 1 vừa qua, chị phải đền một quyển sách.

“Mặc dù vẫn nhắc con giữ sách cẩn thận, nhân dịp này tôi một lần nữa dặn dò: Con bảo quản, giữ gìn để em và các em khác còn sử dụng. Tiền mua sách tiết kiệm được mẹ để mua đồ chơi, truyện cho các anh chị em”, chị Tình nói.

Cũng theo chị Tình, các học sinh ở Malaysia rất có ý thức bảo quản sách giáo khoa. Các bé nhà chị sử dụng thanh đánh dấu để đánh dấu trang sách đang đọc chứ không gấp mép trang sách. Học bài xong các bạn để sách ngay ngắn trên giá sách.

Ở lớp, các thầy cô cũng thường xuyên dặn học sinh bảo quản sách cẩn thận nên chưa nói đến làm hư sách, chỉ cần trang sách cong queo là các bạn đã lo lắng.

Chị Tình cho biết việc các bộ sách giáo khoa được tái sử dụng qua nhiều thế hệ không những tiết kiệm cho các gia đình mà còn tiết kiệm phí rất lớn cho xã hội. Các học sinh cũng rèn luyện được nhiều tính cách tốt như tôn trọng đồ đạc, cẩn thận, biết quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, có ý thức bảo vệ tài sản công.

HỒNG VÂN

Phương án học sinh mượn sách giáo khoa: Nhà nước chi năm đầu 3.500 tỉ đồngPhương án học sinh mượn sách giáo khoa: Nhà nước chi năm đầu 3.500 tỉ đồng

TTO – Thông tin này được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại hội thảo về biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn sách giáo khoa phổ thông diễn ra ngày 29-9.