TPHCM không để các ĐH đơn độc trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo

Đó là ý kiến được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại hội thảo khoa học Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2019 – 2025 diễn ra sáng nay (20/3) tại UBND TPHCM.

Bí thư Nhân chủ trì hội thảo quan trọng về nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.JPG

Lần đầu tiên hội thảo khoa học về trí tuệ nhân tạo được lãnh đạo TPHCM chủ trì

Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại ĐH Quốc gia TPHCM, Viện John von Neumanm, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, Trường ĐH Bách khoa, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN. Các chuyên gia khoa học và công nghệ khẳng định ba mũi nhọn chiến lược để thực hiện kế hoạch phát triển AI cho thành phố, bao gồm: đào tạo nhân lực, nắm bắt công nghệ và xây dựng đô thị sáng tạo.

TPHCM ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng thành phố thông minh

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM cho biết: “Thành phố hy vọng từ những sáng kiến, kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia sẽ giúp cho TPHCM thêm vững bước tự tin trên con đường phía trước, tiếp thêm động lực để có thể sản xuất những sản phẩm trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam và do người Việt làm chủ”.

pgs ts vũ hải quân phát biểu.JPG

PGS.TS Vũ Hải Quân, phó giám đốc ĐHQG TPHCM nhận định tầm nhìn chiến lươc của việc phát triển AI giai đoạn 2020 – 2030

PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng để thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì cần 3 yếu tố là con người, công nghệ và khởi nghiệp phải song hành với nhau. Riêng ở yếu tố công nghệ, theo ông Quân thì TPHCM phải làm chủ trong “cuộc chơi” công nghệ này. “Thành phố phải biết đang muốn gì, cần gì và đặt ra những đầu bài về sức khoẻ, giao thông… để các nhà khoa học và doanh nghiệp giải quyết theo kiểu những cuộc thi. Thành phố sẽ tài trợ cho người được giải chứ không phải như hiện nay các nhà khoa học cứ viết ra hồ sơ đề tài rồi duyệt, rồi làm nhưng sau đó lại cất vào tủ. Có cuộc thi thì sẽ công khai, minh bạch các kết quả đó”.

Theo ông Quân, đối với vấn đề khởi nghiệp, thành phố cũng phải biết các doanh nghiệp cần gì thông qua các phiếu khảo sát có thể giải quyết bằng trí tuệ nhân tạo và thành phố hỗ trợ họ để hình thành một ý thức để họ làm việc tốt hơn.

ts đinh bá tiến, đh khoa tự nhiên góp ý.JPG

TS Đinh Bá Tiến, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM – một chuyên gia trong lĩnh vực AI, góp ý cho đề án của TPHCM

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng hai yếu tố quan trọng để có thể triển khai ứng dụng AI được các chuyên gia đề cập chính là Nguồn dữ liệu sạch và Cơ sở hạ tầng mạng truyền thông đồng bộ. Đây sẽ là bài toán cần được TPHCM giải quyết trong giai đoạn tới, nhằm hoàn thành mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI phục vụ đề án đô thị thông minh.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho rằng, việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI của thành phố là việc bắt buộc phải làm, nhưng TP phải làm trong bối cảnh chung của chiến lược quốc gia về AI. Phải xem đây là đề án lớn của TP để xây dựng nghiêm túc, thứ hai là phải đủ nguồn lực, đủ bộ máy để theo suốt câu chuyện này, chứ không phải theo nhiệm kỳ. Ông Dũng đề nghị: “Thành phố cần phải có nghiên cứu cụ thể để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội thay đổi một số khung pháp lý. Ví dụ, về vấn đề dữ liệu mở, hiện nay đóng vai trò rất lớn, nhưng ở Việt Nam về dữ liệu mở chưa có khung pháp lý. Ngay giữa các Sở với nhau, xin dữ liệu còn khó, thậm chí phải mua”.

Phối hợp “ba nhà” giúp TPHCM phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)

Lắng nghe các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia trong lĩnh vực AI, các nhà quản lý, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hội nghị để bàn về việc thành phố có nên chủ động tham gia nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay không. Lâu nay, các doanh nghiệp và các trường ĐH đã tự làm rồi nhưng thành phố thì chưa có chương trình này và đây là dịp để bàn bạc về vấn đề này với góc độ là chương trình của thành phố. Cuối tháng 11/2018, Chủ tịch UBND TPHCM đã ký với Bộ Thông tin truyền thông một chương trình hợp tác về đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong đó có nội dung ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

bí thư nguyễn thiện nhân đánh giá về AI.JPG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành phố hoàn toàn có đủ tiềm lực về tài chính và thị trường tại chỗ cũng đáp ứng được chương trình trí tuệ nhân tạo.

Ông Nhân khẳng định thành phố hoàn toàn có đủ tiềm lực về tài chính và thị trường tại chỗ cũng đáp ứng được chương trình này. “Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm để đáp ứng cho hơn 10 triệu dân và hơn 300.000 doanh nghiệp để tạo ra một vòng liên kết tại chỗ rất nhanh. Vòng xoáy nghiên cứu, ứng dụng ngay tại chỗ và thương mại hoá ngay là một cơ hội tạo nguồn thu vì thành phố và đóng góp cho đất nước”, ông Nhân nói.

Tuy rằng TPHCM chưa có chương trình về AI, nhưng đã có các cơ sở giáo dục đại học đã đi vào lĩnh vực AI từ 20 – 30 năm, trường đại học như ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học tự nhiên… đã có kết quả nhưng còn đơn độc. Đã đến lúc không để các đơn vị đơn độc được nữa mà sẽ có sự phối hợp giữa người nghiên cứu về đào tạo, ứng dụng và chính quyền phải đặt hàng tạo thành một bộ 3 với nhau. Nếu quyết tâm thì hoàn toàn có thể thực hiện được.

Ông Nhân cho rằng, mấy hôm nay chúng ta nhắc nhiều đến tạo thương hiệu gạo, cà phê nhưng vấn đề thương hiệu thì thế giới người ta đã bàn cả hàng trăm năm nay rồi còn chúng ta cũng đang bàn tiếp. Còn riêng với AI thì nhân loại mới bàn đây thôi, chưa tới 100 năm thậm chí có quốc gia chỉ vài 3 năm nên đây là cơ hội cho chúng ta thực hiện.

Theo ông Nhân, TPHCM đã triển khai xây dựng TP thông minh dù so với Singapore chậm hơn 3 năm tuy vậy vẫn quyết tâm thực hiện. “Có thể nói, nếu làm đô thị thông minh hoặc làm cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà không ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì sẽ không thể nào thực hiện được. TPHCM về kinh tế đã đóng góp gần 1/4 cho cả nước, tiềm lực khoa học cũng chiếm hơn 40%, dân số thì với quy mô hơn 10 triệu người thì hoàn toàn có điều kiện cùng cả nước hình thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng về trí tuệ nhân tạo”.

Để thực hiện, ông Nhân gợi mở rằng: “Nên chăng chúng ta có một Ban xây dựng, điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng AI tại TPHCM. Đây không phải là Ban của chính quyền, mà giúp lại cho chính quyền xác định chúng ta nên hợp tác nghiên cứu với ai, nghiên cứu cái gì, ứng dụng ở đâu. Nếu cái này Nhà nước làm một mình chắc chắn là sai. Chúng tôi không có kinh nghiệm, mà phải có doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia là chính, sau đó các anh chị sẽ kiến nghị với TP: hợp tác với ai, nghiên cứu cái gì, ứng dụng ở đâu? Tôi đề nghị đến cuối tháng 3 hình thành được Ban này”, Bí thư Thành uỷ nói.

Lê Phương