Thầy trò cùng chuyển động

Thầy cô cùng chuyển động

Theo chia sẻ của cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1) ngay thời gian đầu HS tạm nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, trường đã mời các chuyên gia tập huấn cho 100% GV của nhà trường về dạy học trực tuyến thông qua các ứng dụng của Office 365 như Zoom, MS Teams. Trường khuyến khích thầy cô nào tự tin thì soạn giáo án trực tuyến rồi dạy thử, ban giám hiệu nhà trường sẽ dự giờ và góp ý, rút kinh nghiệm.

Ngay sau khi UBND TPHCM có quyết định cho HS nghỉ học đến ngày 5/4, nhà trường đã quyết định dạy trực tuyến cho HS tất cả các khối 6, 7, 8, 9 từ ngày 16/3. Trường đã lập thời khóa biểu cho các khối, theo từng môn cụ thể, với khung giờ từ 8 đến 11 giờ sáng, chiều từ 14 đến 16 giờ. Đến nay, qua tuần thứ hai thực hiện, việc dạy và học diễn ra thuận lợi, những môn như Thể dục, Công nghệ, Mỹ thuật… cũng được các thầy cô triển khai.

Theo cô Thúy An, việc dạy học ban đầu cũng có những khó khăn, đơn cử như khi số lượng HS khoảng 200 em, lớp học khó quản lý, hiệu quả chưa cao. Hoặc học qua Zoom chỉ bảo đảm tối đa khoảng 100 em tham gia. Nên sau 1 tuần thí điểm, đến tuần thứ hai, trường đã tách các khối lớp từng nhóm nhỏ hơn. Ví dụ, cùng môn tiếng Anh khối 7, sẽ có 2 – 3 GV dạy cùng một chủ đề, một bài học, HS theo học lớp GV nào sẽ vào lớp đó để nâng cao chất lượng giờ học. HS tương tác được với GV ngay lập tức.

Để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả, không chỉ các GV bộ môn mà có sự tương tác của cả bộ phận kĩ thuật, GV chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường và sự hỗ trợ của phụ huynh, ý thức tự giác, kỹ năng sử dụng CNTT của HS… Nhà trường cũng có quy định cho lớp học online: Các em tham gia lớp học đúng giờ; HS chủ động tắt mic để bảo đảm không gian lớp học (khi nào muốn phát biểu hãy bật mic); không phát ngôn bừa bãi, chia sẻ những thông tin không liên quan đến bài học; chấp hành các quy định lớp học của GV đưa ra; các hành vi gây rối, ảnh hưởng không tốt đến lớp học sẽ bị GV cho ra khỏi lớp.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thông tin để phụ huynh nắm bắt lịch học và hỗ trợ con em mình trong việc học trực tuyến. Các phụ huynh hoàn toàn có thể dự giờ tiết học online để theo dõi cũng như có những góp ý cho nhà trường. “Các GV rất nhiệt tình, họ đến trường để thực hiện các tiết dạy, một số người dù không có tiết nhưng vẫn tham dự để học hỏi, rút kinh nghiệm và luôn sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ nhau để tiết học online diễn ra tốt hơn. Có những GV ban đầu chưa bắt nhịp kịp nhưng đến nay đã dạy tốt và các thao tác rất nhuần nhuyễn” – cô An cho biết thêm.

Học sinh TPHCM học online trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19

Cân nhắc để công nhận kết quả cho học sinh

Triển khai dạy học trực tuyến từ những ngày đầu HS nghỉ học, đến nay Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đã thực hiện việc dạy học kiến thức mới của học kỳ 2 năm học 2019 – 2020 theo hướng dẫn của ngành. “Nhà trường triển khai ở tất cả các môn cho tất cả các khối lớp với thời khóa biểu cụ thể được gửi cho quý phụ huynh, HS. Sau khi từng bài học triển khai, HS tương tác, đặt câu hỏi, vấn đề giải đáp liên quan đến bài học và sẽ được GV phản hồi. Thầy cô sẽ ra các bài tập nhỏ, bài kiểm tra 15 phút tương ứng với bài học các em đã học”, thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết.

Bên cạnh các trường trung học, hiện nay Sở GD&ĐT TPHCM cũng đã có yêu cầu các trường tiểu học thực hiện dạy học trực tuyến kiến thức mới cho học sinh từ tuần 21 đến tuần 23. Việc dạy học trực tuyến theo kế hoạch dạy học có nội dung tinh giản như trên, theo chủ đề chủ điểm, không lệ thuộc vào từng bài theo phân phối chương trình. Theo đó, đối với các địa phương, đơn vị còn khó khăn có thể thiết kế qua tin nhắn điện tử, thư điện tử, các phương tiện khác… hoặc in sao giấy gửi cho phụ huynh HS.

Sở cũng yêu cầu các trường phải hướng dẫn HS, phụ huynh đăng nhập vào website bằng tài khoản HS để ôn tập, học kiến thức mới. GV chủ nhiệm, bộ môn có biện pháp theo dõi, nhận xét, đánh giá thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao; vận động, khuyến khích HS hoàn thành các bài học và các hoạt động trong tuần, phối hợp với gia đình để có biện pháp quản lý hoạt động học qua Internet.

Khi HS đi học trở lại, hiệu trưởng chỉ đạo GV rà soát, đánh giá kết quả học tập trên Internet, từ đó tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua Internet nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.

Ngoài việc học tập trực tuyến, HS có thể học tập qua kênh HTV Key của Đài Truyền hình TPHCM phối hợp với Sở GD&ĐT, sản xuất các chuyên đề dành cho HS khối 9, khối 12. Theo thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, nhà trường sẽ thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, tùy vào tình hình thực tế để tổ chuyên môn sẽ đưa ra nội dung giảng dạy phù hợp với chương trình và sau khi các em trở lại trường sẽ tổ chức ôn tập, kiểm tra để xem xét công nhận kết quả cho học sinh.