Thầy giáo trẻ luôn quan tâm định hướng tương lai cho học sinh miền núi

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Toán – Lý, Trường đại học Hồng Đức, thầy giáo Nguyễn Thanh Bình (SN 1981) nhận quyết định lên công tác tại Trường THCS Trung Sơn, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa).

Thầy Nguyễn Thanh Bình, giáo viên Trường THCS Trung Sơn, huyện miền núi Quan Hóa.

Thầy giáo trẻ đến với vùng đất mới mang theo bao tâm huyết, hoài bão và ước mơ. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, cũng vì thế việc học của học sinh không mấy được chú trọng. Bản thân học sinh đến trường cũng ít chú tâm vào việc học. Có những lúc, thầy Bình nghĩ mình không thể trụ lại được với nghề.

Không từ bỏ, thầy Bình cùng đồng nghiệp tìm đến tận gia đình học sinh chơi, tìm hiểu, động viên các em và gia đình. Sau khi trở về, thấy học sinh chăm chỉ đến lớp đó là động lực thôi thúc thầy giáo trẻ giữa những khó khăn với nghề.

Cũng từ đó, cùng với việc dạy chữ, thầy Bình dành sự quan tâm nhiều hơn đến tâm tư, tình cảm của học sinh. “Có học sinh trả lời em không cần học giỏi để làm gì vì nhà em nghèo, không có điều kiện để học cấp 3, em cố gắng học hết lớp 9 là tốt lắm rồi.

Nghe học sinh tâm sự, lòng tôi trĩu nặng vì mình không thể giúp gì được về vật chất cho các em. Tôi chỉ còn cách động viên, dạy dỗ và chỉ hướng cho các em trưởng thành bằng con đường học tập”, thầy Bình tâm sự.

Từ những tâm tư của học sinh, thầy Bình đã luôn trăn trở làm sao tìm lối thoát cho học sinh nghèo miền núi. Nghĩ là làm, thầy Bình đã có những việc làm cụ thể, giúp cho nhiều học sinh có công ăn, việc làm sau khi tốt nghiệp THCS rồi đến với các trường nghề.

Thầy Bình luôn quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai của học sinh miền núi.

Điều may mắn nhất là khi nhà nước có chính sách hỗ trợ học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày và nhiều chính sách hỗ trợ khác.

Được hỗ trợ vật chất, nhiều học sinh yên tâm hơn khi đến trường, không còn phải lo thiếu đói khi đến trường. Nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước, các em học sinh chăm chỉ học tập, từ đó, hiệu quả học tập được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh vào học cấp 3 cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhìn cảnh học sinh học hết cấp 2 rồi trở về làm nương, làm rẫy thầy Bình lại không đành lòng.

Sau nhiều năm trăn trở về thực trạng học sinh miền núi, thầy Bình đã mạnh dạn đưa ra giải pháp phân luồng học sinh sau THCS. Đồng thời phân tích và chỉ rõ cho học sinh về những sự lựa chọn cho mình sau khi học xong THCS.

Cụ thể, theo thầy Bình, các em học sinh sau khi hết THCS có thể lựa chọn học tiếp lên THPT, Bổ túc văn hóa hoặc đi học Trung cấp nghề.

Với lựa chọn thứ nhất, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, Bổ túc văn hóa sẽ có thể tiếp tục học Trung cấp, Cao đẳng, Đại học hoặc đi làm. Tuy nhiên, với học sinh tại xã miền núi Trung Sơn thì lựa chọn này không mấy khả thi vì điều kiện địa lý đi lại khó khăn, tốn kém khi các em phải xuống trung tâm huyện học.

Hơn nữa, do điều kiện gia đình nên sau khi theo học hết THPT thì cũng rất ít học sinh chọn đi học Trung cấp, Cao đẳng, Đại học. Với lựa chọn đi học Trung cấp nghề thì các em sẽ có cơ hội sớm gia nhập thị trường lao động, có việc làm. Sau đó, học sinh có thể tiếp tục việc học lên đại học.

Theo thầy Bình, việc phân luồng học sinh sau THCS nhằm giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, phù hợp với Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chi phí học tập thấp mà cơ hội tìm kiếm việc làm nhanh hơn.

Để thực hiện giải pháp không phải là chuyện đơn giản. Trong đó, việc lựa chọn trường và nghề phù hợp là rất quan trọng, đòi hỏi giáo viên phải nắm chắc hoàn cảnh, đối tượng, năng lực từng em để định hướng để phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh.

Theo thầy Bình, việc phân luồng học sinh sau THCS nhằm giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tâm huyết của thầy Bình cũng đã phát huy hiệu quả khi năm học 2016 -2017, có hơn 20 học sinh xã Trung Sơn đi học Trung cấp nghề. Đến năm học 2017 – 2018, tăng lên 33 em học Trung cấp nghề. Nhiều em trong số đó đã ra trường đi làm, có thu nhập.

Thầy Lưu Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường THCS Trung Sơn, cho biết, thầy Bình là một giáo viên luôn quan tâm tìm hướng đi cho học sinh. Phương pháp hướng nghiệp của thầy Bình đã giúp cho hàng chục học sinh địa phương biết chọn trường, chọn nghề để phát triển bản thân.

Cũng theo thầy Anh, đến nay nhiều em học sinh vừa học nghề, vừa đi làm có thu nhập tốt. Qua đây, nhà trường mong muốn phương pháp của thầy Bình sẽ được áp dụng và nhân rộng ra các trường thuộc vùng sâu, xa, vùng khó khăn.

Duy Tuyên