Thầy cô băng rừng, lội suối nỗ lực gieo chữ cho học sinh nghèo

Khiêng xe vượt suối “gieo chữ”

Từ thị trấn Vân Canh (Bình Định) phải đi ngược lên xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) mới có con đường mòn trắc trở dẫn vào làng Canh Giao. Tính từ xã Đa Lộc, đường vào Canh Giao chừng 10km, băng qua 3 con suối, 4 con dốc nhỏ, chúng tôi mất cả giờ đồng hồ mới đến ngôi làng nằm tách biệt giữa núi rừng.

Thầy cô băng rừng, lội suối nỗ lực gieo chữ cho học sinh nghèo - 1

Đường đến làng Canh Giao trắc trở, gian nan đối với những giáo viên “cắm bản”.

Dẫn chúng tôi đến điểm trường ở Canh Giao, anh Nguyễn Tá Quan, cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh chia sẻ: “Đường như này là dễ rồi, chứ gặp hôm mưa thì đường vào làng cực khổ lắm. Nhất là vào mùa mưa, nếu mưa lớn đường vào làng bị chia cắt, cô lập luôn”.

Tôi đã từng đến Canh Giao nên biết. Vậy nên dễ như anh Quan nói là con đường mòn rộng thêm đôi chút, suối mùa khô vơi nước hơn, đoạn sâu nhất qua đầu gối, chứ ngày mưa lớn nước ngang ngực, có khi qua đầu người, chẳng ai dám qua lại.

Cô Lê Thị Thu Lợi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Canh Hiệp, tiếp lời: “Mùa này vô Canh Giao đường đi khỏe hơn rồi, những ngày mưa thì cực khổ lắm. Vì vậy, chuyện thầy cô muốn vào “cắm bản” thì băng rừng, lội suối là chuyện bình thường. Có hôm nước lớn, điện thoại không liên lạc được, giáo viên trong trường lo lắng, anh chị em dẫn nhau lên đến đầu con suối mà chỉ đứng ngóng vô làng. Nước sâu ngập lút cả đầu người, không cách nào qua lại được”.

Thầy cô băng rừng, lội suối nỗ lực gieo chữ cho học sinh nghèo - 2

Để đến Canh Giao dạy học, giáo viên phải vượt qua 3 con suối, 4 con dốc.

Thầy Trần Ngọc Huy, giáo viên dạy tại điểm trường Canh Giao, chia sẻ: “Bình thường, giáo viên 2 tuần về 1 lần nhưng gặp hôm mưa gió nếu đang ở trong làng thì phải ở lại làng luôn. Còn đầu tuần lên dạy phải đợi ở suối, chờ người trong làng ra đu dây, cõng xe qua suối”.

4 lần ngã xe bị thương nhưng không bỏ cuộc

Một điều đặc biệt, trò chuyện với chúng tôi, các thầy cô giáo ở điểm trường Canh Giao không lúc nào kể về nỗi khổ cực. Điều mà các thầy cô chia sẻ là niềm vui khi học trò vùng núi được đến trường, được học chữ.

Thầy cô băng rừng, lội suối nỗ lực gieo chữ cho học sinh nghèo - 3

Thầy cô giáo miệt mài với việc gieo chữ ở vùng khó.

“Nếu mình không lên đây, học sinh mầm non, tiểu học phải xuống xuôi học. Ở đây, bố mẹ các em đều vất vả, suốt ngày lên nương, lên rẫy, ai đưa đón các em. Trong khi đó, phần đường đi lại cách trở, phần thì các em còn nhỏ… nếu không có trường, học trò Canh Giao sẽ khổ”, cô giáo mầm non Bùi Minh Huyền chia sẻ.

Khi hỏi về những khó khăn, gian khổ khi dạy học ở vùng khó, cô Huyền cười: “Chúng tôi khổ 1 thì các em ở trong vùng khổ 10. Chúng tôi vui vì các em được đến trường học con chữ…”.

Trong câu chuyện, cô Huyền không 1 lần nhắc đến nhọc nhằn, vất vả. Song, chỉ có câu chuyện sau 4 lần té ngã, bị thương, cô không tự đi xe máy vào làng nên chồng cô phải đưa đón vợ hàng tuần. Hai con nhỏ thì ở nhà ngóng mẹ và nhiều lần hỏi cha “Sao hôm nay mẹ không về”… thì chúng tôi hiểu hơn về sự gian nan của những giáo viên “cắm bản” ở vùng đất khó.

Nhiều năm giảng dạy tại Canh Giao, thầy giáo Phạm Minh Hiệp chia sẻ: “Khổ gì đâu, đầu tuần gói ghém lương thực, ba lô quần áo, sổ sách, cuối tuần về xuôi. Chúng tôi như dân dã chiến, trang phục khi nào kiểu “2 trong 1”, băng qua hết suối, sửa soạn lại là chỉn chu ngay thôi”.

Thầy Hiệp cũng chia sẻ, dù vật chất thiếu thốn, song người làng Canh Giao hết sức quý mến thầy, cô giáo. Họ có mớ gạo mới cũng đem cho, có nhúm rau rừng, con cá suối lúc nào để dành cho thầy, cô giáo. Hôm nào nước lớn, người trong làng ra tận suối lớn đón thầy cô dưới xuôi lên.

Em Nguyễn Thị Phương Trà (lớp 5, điểm trường Canh Giao) cho biết: “Đi học vui lắm, chúng em vừa biết chữ vừa được vui chơi cùng thầy cô giáo. Mỗi dịp cuối tuần thầy cô về xuôi chúng em buồn lắm, thấy thiếu vắng”.

Thầy cô băng rừng, lội suối nỗ lực gieo chữ cho học sinh nghèo - 4
Dù vất vả nhưng các thầy cô “gieo chữ” ở vùng đất khó chẳng hề than khổ.

Ông Phạm Minh Chấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, cho biết: “Điểm trường tại làng Canh Giao còn rất khó khăn. Do vậy, để động viên giáo viên “cắm bản”, dạy tốt, học tốt, Phòng GD&ĐT huyện, ngành chức năng huyện rất quan tâm. Quan trọng hơn, hiểu những thiệt thòi của học trò miền núi nên thầy, cô giáo ngoài dạy chữ, còn mang cả tâm tình của mình đến với những nơi còn khó khăn như Canh Giao”.

Trưởng làng Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Làng đã có học sinh học tới Đại học hệ cử tuyển. Năm học 2018 – 2019 có 6 em học bán trú tại huyện, tỉnh; con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Tất cả là nhờ các thầy, cô giáo dạy dỗ mà nên”.

Doãn Công