Sốt ruột với ôn thi tốt nghiệp THPT

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 tại TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Thêm vào đó, thông tin đổi mới trong đề thi văn và đề tiệm cận một phần nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới cũng khiến giáo viên, học sinh “nín thở” chờ đợi.

Nhiều băn khoăn

Đây là tâm lý chung vào thời điểm này của nhiều giáo viên và học sinh lớp 12 năm nay. Thầy T., giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho biết phải chờ đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT mới yên tâm hướng dẫn học sinh ôn tập.

“Bộ nói sẽ tăng cường nội dung vận dụng kiến thức giải quyết các tình huống thực tiễn phù hợp với định hướng dạy học phát triển năng lực, phẩm chất học sinh hiện nay. Nhưng tỉ lệ câu hỏi dạng này chiếm bao nhiêu phần trăm trong đề thi? Đề thi tiệm cận với mục tiêu yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì cấu trúc đề thi có thay đổi không? Những băn khoăn này có thể giải tỏa khi có đề thi tham khảo”, thầy T. chia sẻ.

Cô H.A. – giáo viên địa lý ở Hải Phòng – cũng bày tỏ: “Chưa có đề thi tham khảo, tôi chưa thể nói gì về việc hướng dẫn học sinh ôn tập. Vì lỡ đâu năm nay thay đổi nhiều”. Còn cô H. – giáo viên Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) – lại có băn khoăn khác. Đó là năm nay học sinh đi học trực tiếp bình thường, không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như năm trước. Do đó, phần nội dung từng được Bộ GD-ĐT giảm tải trước đây có tái xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT năm nay không?

“Học sinh lớp 12 năm nay vẫn học chương trình cũ (chương trình giáo dục phổ thông 2006) nên về nguyên tắc phải thi theo nội dung, yêu cầu của chương trình cũ. Nếu có một phần tiệm cận với chương trình mới thì tỉ lệ là bao nhiêu và liệu có phù hợp với học sinh chỉ được học chương trình cũ không?” – cô H. băn khoăn.

Mong có đề thi tham khảo

Chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ GD-ĐT về đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá ở môn ngữ văn nhằm chống tình trạng chép văn mẫu cũng khiến nhiều giáo viên, học sinh lo lắng. Nhiều người dự đoán đề thi văn tốt nghiệp THPT không sử dụng ngữ liệu tác phẩm văn học trong sách giáo khoa mà sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách.

“Nếu đề thi sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa trong phần nghị luận văn học thì sẽ là thay đổi rất lớn và học sinh cần có thời gian làm quen trong quá trình học. Việc này chỉ phù hợp đối với học sinh đang học chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sẽ dự thi tốt nghiệp sau năm 2025. Nhưng chúng tôi vẫn hồi hộp, lo thay đổi này áp dụng từ năm nay. Chúng tôi chờ đề thi tham khảo và hướng dẫn của bộ để có kế hoạch ôn tập sát hơn cho học sinh” – cô H., giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết.

Chia sẻ về việc ôn tập, một số học sinh các trường THPT tại Hà Nội cũng cho biết mong muốn có đề thi tham khảo và hướng dẫn cụ thể về những nội dung chương trình sẽ không nằm trong phạm vi đề thi. Cụ thể là những nội dung đã được điều chỉnh không học, hoặc chuyển sang tự học, tự đọc trong giai đoạn dịch COVID-19 năm trước không có trong đề thi, năm nay có thay đổi gì không?

Hiện Bộ GD-ĐT chưa thông tin có hay không công bố đề thi tham khảo như các năm trước. Quy chế thi sửa đổi, bổ sung cũng chưa ban hành chính thức. Mặc dù đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi giữ ổn định như năm 2022 nhưng cả thầy, trò các trường THPT vẫn lo lắng khi ở trong giai đoạn chuyển tiếp giữa chương trình cũ, cách thi cũ sang chương trình mới, cách thi mới.

Trong lúc chờ đợi nhiều thầy, cô giáo bộ môn cho biết mới chỉ hướng dẫn học sinh cách tự hệ thống kiến thức thông qua lập đề cương, sơ đồ tư duy và tiếp cận với đề thi các năm trước để rèn khả năng tập trung và cách phân bố thời gian hợp lý trong khi làm bài thi.

Cần nắm vững kiến thức nền tảng

Theo ông Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội – để tham gia và có kết quả tốt ở kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, học sinh không nên đi luyện thi bên ngoài, cũng không cần luyện kiến thức nâng cao mà chỉ học chắc kiến thức cơ bản trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Với bài thi đánh giá năng lực, thí sinh sẽ không thể nâng mức chỉ trong một thời gian ngắn luyện thi vì năng lực phải được hình thành trong một quá trình học tập.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) – cho rằng để làm tốt các câu hỏi mang tính vận dụng thực tế (như cách ra đề thi trong các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy) thí sinh vẫn cần phải nắm chắc kiến thức nền tảng. Vì có hiểu một cách bản chất, chắc chắn, thí sinh mới có thể vận dụng. Điều này khác với quan điểm lao vào “luyện thi nâng cao” mà nhiều thí sinh đang lựa chọn.

“Đau đầu” nghĩ hướng ôn nhiều kỳ thi

Một số giáo viên chia sẻ năm nay thách thức với giáo viên rất lớn trong việc hỗ trợ, hướng dẫn học sinh ôn tập.

“Học sinh không chỉ thi tốt nghiệp THPT mà tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để lấy kết quả xét tuyển đại học. Hiện có nhiều đơn vị tổ chức các kỳ thi này. Các đơn vị đều không tổ chức luyện thi nhưng qua đề thi tham khảo, các đợt thi thử thì thấy mỗi đơn vị có cấu trúc đề thi khác nhau và rất khác với thi tốt nghiệp. Việc này khiến học sinh bối rối và giáo viên cũng phải đau đầu để nghĩ hướng ôn tập cho các em làm sao có kiến thức, kỹ năng đủ để đáp ứng các kỳ thi khác nhau”, cô Đ., một giáo viên, chia sẻ.

Bộ GD-ĐT dự kiến cấm mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi tốt nghiệp THPTBộ GD-ĐT dự kiến cấm mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi tốt nghiệp THPT

Đây là nội dung liên quan tới trách nhiệm thí sinh trong dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT vừa được Bộ GD-ĐT công bố.