Sinh viên Việt tranh biện bằng tiếng… Ả Rập

Nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tại cuộc thi tranh biện bằng tiếng Ả Rập – Ảnh: T.NHÂN

Chiến thắng thuyết phục của nhóm sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) trước đội thi đến từ ĐH Quốc gia Malaysia trong cuộc thi tranh biện bằng tiếng Ả Rập vào tháng 2-2023 vừa qua khiến nhiều khán giả và chuyên gia ngôn ngữ bất ngờ.

Với chủ đề “Các vận động viên thể thao có nên được cho phép thể hiện ý kiến chính trị trong những cuộc thi đấu quốc tế hay không?”, đoàn sinh viên Việt Nam đứng về bên phản biện đã giành điểm số thuyết phục về cả tiêu chí lập luận lẫn ngôn ngữ so với đại diện từ Malaysia – một quốc gia phần lớn dân số theo đạo Hồi, rất quen thuộc với tiếng Ả Rập.

Những chiến thắng bất ngờ

Đó không phải là lần duy nhất ba sinh viên Nguyễn Thị Cẩm Hường, Thái Nhã Thơ và Nguyễn Thị Vân Anh – bộ môn Ả Rập học thuộc khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – làm nên bất ngờ tại cuộc thi tranh biện tiếng Ả Rập châu Á.

Cuộc thi do Quỹ Qatar Foundation tổ chức, thu hút hơn 42 đội thi từ hơn 20 đại học hàng đầu châu Á đến tranh tài tại Oman. Trong suốt hành trình “đem chuông đi đánh xứ người”, ba sinh viên còn vượt qua nhóm sinh viên từ ĐH Baku, Azerbaijan – một quốc gia vùng Tây Á. Trước sinh viên chủ nhà Oman, nhóm thua với cách biệt không quá lớn.

Vân Anh cho biết các đội được phân bảng để thi đấu theo vòng tròn tính điểm. Hai đội từ các quốc gia được bốc thăm ngẫu nhiên sẽ phải “chiến đấu”, tranh biện về cùng một chủ đề. Một bên sẽ lập luận ủng hộ, một bên phản đối. “Như vậy không chỉ có ngôn ngữ, chúng mình còn phải khai thác hết các kiến thức, hiểu biết để lập luận và thuyết phục ban giám khảo bằng lý lẽ của mình trước một chủ đề bất kỳ” – Vân Anh nói.

Chung cuộc, tổng điểm của nhóm Vân Anh dù không giúp các bạn có thể giành được giải thưởng tại phần thi với những “ông lớn” chuyên tiếng Ả Rập nhưng vẫn được xem là thành công khá lớn. Đây là lần đầu tiên sinh viên của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) có thể giành hai chiến thắng tại cuộc thi hùng biện tiếng Ả Rập tầm cỡ châu lục.

Chinh phục ngôn ngữ khó

Như hầu hết sinh viên theo học tiếng Ả Rập bậc đại học, Cẩm Hường bắt đầu từ con số “0”. Hường chia sẻ những người chưa biết gì về ngôn ngữ của vùng Trung Đông này thường có cảm giác rối rắm trước hệ thống chữ viết ngoằn ngoèo, trăm chữ trông giống như một.

“Nhưng với mình, đó không phải là cái khó nhất. Các chữ cái trong tiếng Ả Rập có những cách phát âm rất đặc trưng, nhấn nhá rất lạ. Mình phải luyện tập hai tháng mới cơ bản nắm được các quy tắc phát âm. Nhiều buổi luyện phát âm xong là mình đau họng luôn” – Hường kể.

Cô bạn quê Bến Tre này tâm sự thêm rằng người thân khi nghe kể bạn đang học tiếng Ả Rập đều ngạc nhiên. Một số người thắc mắc học tiếng này để làm gì? Và phần lớn người ở quê Hường đều nghĩ về Ả Rập là nghĩ về chiến tranh nên rất lo lắng, nhất là khi Hường được nhận một suất học bổng sang ĐH Quốc gia Kuwait trao đổi một năm.

“Mình thường phải giải thích về những cái hay, cái đẹp cũng như sự an toàn ở nhiều nước vùng Trung Đông để mọi người an tâm hơn” – Hường cười nói.

Với Nhã Thơ, gần bốn năm học tiếng Ả Rập đã ghi nhận không ít cuộc “đấu tranh nội tâm” khốc liệt, đến mức có khi đứng trước bờ vực của việc từ bỏ. Do vô cùng thách thức, chuyên ngành tiếng Ả Rập đã tự thân trở thành một “máy lọc” cho những ai theo học. Sau mỗi học kỳ lại có vài trường hợp “rơi rụng”, thường sẽ chuyển sang một ngành học khác, theo đuổi một ngôn ngữ mới, thậm chí bỏ ngang để đi làm.

“Nhưng rồi có một sức hút kỳ lạ nào đó đã giữ mình lại với ngôn ngữ này. Có lẽ một phần do trong chương trình mình ngoài được học tiếng, còn học cả về văn hóa, đất nước, con người vùng Trung Đông. Điều này giúp mình dần có niềm yêu thích và sự gắn bó với tiếng Ả Rập” – Thơ nói.

Bạn chia sẻ thêm: “Ngoài phải thật sự đam mê, để theo đuổi ngôn ngữ này còn phải vượt qua thử thách về môi trường rèn luyện. Nếu như các tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hàn, bạn sẽ dễ dàng tìm được người bản xứ để nói chuyện tại TP.HCM, trong khi tiếng Ả Rập thì khó hơn. Bạn sẽ phải chủ động học hỏi nhiều hơn qua sách báo, Internet và kết nối thêm bạn bè quốc tế để tìm kiếm cơ hội nói tiếng Ả Rập, nhất là khi ngôn ngữ này có rất nhiều phương ngữ khác nhau”.

Cơ hội việc làm

ThS Phan Thanh Huyền – quyền trưởng bộ môn Ả Rập học, khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết ngôn ngữ Ả Rập có một đặc thù là rất khó, người học sẽ phải thử thách bản thân. Vì thế một số người học có thể sẽ bỏ cuộc, nhưng những bạn theo đến cùng phần lớn đều sẽ có được rất nhiều thành công trong sự nghiệp.

Hiện nay, cơ hội cho sinh viên sẽ là làm việc cho các công ty thương mại với Ả Rập đang gia tăng đáng kể. Sinh viên cũng có thể làm việc cho các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các cơ quan ngoại giao có liên quan đến các nước Ả Rập. “Ngoài ra, các tổ chức, các trường đại học Trung Đông cũng thường cấp rất nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam. Vì vậy các bạn sẽ luôn có rất nhiều cơ hội cả về việc làm lẫn học tập lên cao” – cô Huyền nói.

Luyện tập cả ngày Tết

Trong chuyến ra xứ người tranh biện tiếng Ả Rập, Thái Nhã Thơ là thành viên “dự bị”. Do một thành viên chính thức không thể dự thi, Thơ đã được “đôn” vào đội hình chính. Chưa có cơ hội tham gia những chuyến trao đổi quốc tế như đồng đội của mình, Thơ phải tự lực tăng cường tự học gấp nhiều mới có hành trang đủ tự tin đi thi. Tết năm 2023, Thơ không về Bình Định ăn Tết mà ở lại TP.HCM ôn tập.

“Với chúng mình, các cuộc thi tranh biện quốc tế đã trở thành cơ hội để rèn luyện về ngôn ngữ, phát triển khả năng tư duy và được giao lưu với bạn bè thế giới” – Thơ nói.

Thủ tướng nghe sinh viên Brunei nói tiếng Việt, ngẫu hứng chơi nhạc cụ địa phươngThủ tướng nghe sinh viên Brunei nói tiếng Việt, ngẫu hứng chơi nhạc cụ địa phương

Sau cuộc trò chuyện thân tình với sinh viên Brunei đang học tiếng Việt, Thủ tướng và phu nhân ra xe. Trên đường đi, ông ngẫu hứng chơi một vài nhạc cụ địa phương cùng sinh viên Brunei.