Sinh viên Tuyết Ngân và một trong những món bánh đang kinh doanh – Ảnh: NVCC
Đủ loại mặt hàng
Dương Tuyết Ngân là sinh viên năm 3 khoa nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). Từ năm 2019, ngoài giờ học chính khóa, cô làm bánh để bán.
Tuyết Ngân chia sẻ: “Để tránh bị ảnh hưởng đến việc học, mình yêu cầu khách đặt bánh trước 1-2 ngày”.
Với số vốn ban đầu dao động từ 5 – 7 triệu đồng, Ngân kiếm được lợi nhuận để chi trả các phí sinh hoạt thời sinh viên. Hiện, cô đang xây dựng trang “A little Ngọt” trên nền tảng Facebook giới thiệu những mẫu bánh mới cho khách.
Lê Quỳnh Như, sinh viên năm 2 Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), cũng đang kinh doanh các sản phẩm móc len tự tay.
Như chia sẻ: “Thời gian để cho ra một sản phẩm móc len không cố định, tùy vào độ phức tạp của từng sản phẩm. Nếu đơn giản như hoa lưu ly hoặc mấy con thú nhỏ, mình làm từ 15-20 phút. Giá bán một sản phẩm từ 50.000 – 60.000 đồng. Nếu tự thiết kế thì có giá từ 100.000 – 200.000 đồng. Các sản phẩm nhỏ hơn từ 15.000 – 20.000 đồng”.
Như bắt đầu bán từ tháng 6-2023. Khó khăn nhất là phải chi tiền túi để mua công thức đan len. Quỳnh Như bộc bạch: “Việc buôn bán nhỏ này giúp mình và người yêu có thêm một khoản tiền tiết kiệm”.
Trong khi đó, Lê Hồ Diễm Uyên, sinh viên năm 2 của Khoa Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), kinh doanh vòng tay handmade với giá bán giao động từ 35.000 đến 60.000 đồng.
Cô nhận được sự ủng hộ từ bạn bè, nên con đường khởi nghiệp bán vòng tay handmade bắt đầu.
Uyên nói: “Mình bắt đầu bán từ tháng 8 cho đến nay, trộm vía mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Mặt hàng này tuy buôn bán không ổn định, hầu như chỉ bán chạy vào mỗi dịp lễ, nhưng đổi lại mình có niềm vui khi làm vòng”.
Các sản phẩm đan len của sinh viên Quỳnh Như – Ảnh: NVCC
Sinh viên có đang hiểu sai về khởi nghiệp?
ThS Đỗ Ngọc Điệp, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết bà “không khuyến khích các bạn buôn bán nhỏ lẻ. Nếu đồ handmade thì có thể ủng hộ hơn một chút”.
Lý giải về điều này, bà Điệp nói: “Sinh viên buôn bán nhỏ lẻ sẽ dễ gặp nhiều rủi ro. Kiến thức các bạn học được chưa nhiều, dễ mất cân bằng giữa việc học và làm, dễ nản và lỗ vốn. Tôi cũng từng chứng kiến nhiều sinh viên tự khởi nghiệp bằng các hình thức buôn bán nhỏ, nhưng rồi cũng dừng bước để tiếp tục hành trình học tập”.
Bà Điệp ủng hộ những bạn sinh viên, khởi nghiệp công nghệ hình thức gọi vốn đầu tư, vì như vậy các bạn sẽ có lượng lớn kiến thức mà ở trường học chưa cung cấp.
Ngoài ra, ThS Đỗ Ngọc Điệp còn đưa ra một số lời khuyên cho các bạn chuẩn bị dấn thân vào con đường kinh doanh: Thứ nhất tích lũy đủ kinh nghiệm và kiến thức. Thứ hai cần phải chuẩn bị một lượng vốn dự trù. Cuối cùng là hãy làm cùng bạn bè, vì quy mô càng lớn rủi ro sẽ càng ít, và ngược lại.
Còn ThS Tạ Minh Quang, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc buôn bán nhỏ lẻ vẫn chưa có sự sáng tạo, dễ dàng bị cạnh tranh, nên chưa thể coi là khởi nghiệp.
“Khởi nghiệp cần đầu tư thời gian và công sức. Các bạn nên dành thời gian để tăng cường kiến thức. Mục tiêu chính của các bạn vẫn là việc học. Nếu các bạn buôn bán như thế, thầy thấy hơi lãng phí”, ông Quang nói.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Minh Thủy, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, lại cho rằng khi buôn bán, các bạn cần phải biết quản lý tài chính, quản lý rủi ro để giảm thiểu tối đa những hạn chế trong quá trình khởi nghiệp.
Đồng thời, việc khởi nghiệp cũng giúp các bạn áp dụng được kiến thức được dạy trong trường vào thực tiễn. Từ đó, có các bạn có thể vừa học và vừa hành.
Bà Thủy nhắn gửi các bạn sinh viên hãy cân bằng giữa việc buôn bán và học tập. Vì khi kiếm được tiền các bạn sẽ dễ dàng bị đồng tiền chi phối, dẫn đến việc mải mê kiếm tiền mà quên mất đi nhiệm vụ chính của mình là học tập.
Tham gia hoạt động đội nhóm sẽ mang đến cho sinh viên những kỹ năng mà đôi khi phải nhiều năm sau các bạn mới thật sự thấy giá trị.