Sắp khai giảng vẫn thiếu đủ thứ

Học sinh của một trường ở Hà Nội được đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Hình ảnh này sẽ hiếm thấy trong những ngày đầu tiên của năm học mới 2021 – 2022 vì khả năng học sinh sẽ học trực tuyến do dịch COVID-19 – Ảnh: N.T.T.

Một phụ huynh ở quận Hà Đông cho biết con chị năm nay vào lớp 6, đầu cấp THCS, nhưng tới thời điểm này vẫn không có thông tin gì từ trường mới ngoài tờ “phiếu đăng ký dự tuyển” mà phụ huynh nhận được sau khi đăng ký nhập học online cho con.

Mù tịt thông tin!

“Tôi thậm chí còn không chắc con có nhập học thành công không, vì tới thời điểm này chưa thấy trường thông báo danh sách học sinh lớp 6 để tìm xem có tên con mình chưa. Tôi cũng chưa biết con được xếp lớp nào, ai chủ nhiệm, đặt mua sách cho con ở đâu.

Tôi gọi cho thầy hiệu trưởng thì được nói cứ chờ, sẽ có thông báo. Tôi không biết sẽ chờ đến bao giờ khi chỉ còn 1 tuần nữa là tựu trường.

Ngộ nhỡ tới khi đó tên con không có trong danh sách học sinh của trường, sách vở vẫn chưa mua được vì đang giãn cách thì phải làm sao?” – chị Kh., phụ huynh có con đã đăng ký nhập học online vào Trường THCS Trần Đăng Ninh (quận Hà Đông, Hà Nội), lo lắng.

Cùng với chị Kh., nhiều phụ huynh khác có con đăng ký đúng tuyến vào trường này cũng trong tình trạng chờ đợi và chỉ có mỗi “phiếu đăng ký dự tuyển” là vật làm tin.

“Dù đang giãn cách nhưng sốt ruột quá vẫn ghé qua trường, không thấy thông báo gì trực tiếp cũng như gián tiếp. Điện thoại đến trường thì không ai nghe máy. Những thứ thiết yếu cho con vào năm học mới như sách giáo khoa, vở, bút, dụng cụ học tập chưa có do các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm đóng cửa” – một phụ huynh khác cũng có con sắp vào lớp 6 than.

Đáng nói là ngay tại Hà Nội nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn không có thông tin rõ ràng từ nhà trường về kế hoạch năm học mới, không biết sẽ mua sách vở, đồng phục, đồ dùng học tập ở đâu.

“Con tôi vào lớp 1. Tới thời điểm này vẫn chưa rõ con sẽ học sách giáo khoa của đơn vị nào, chưa rõ việc học online sẽ thế nào vì lớp 1 dạy trực tiếp còn vất vả, giờ online thì phải làm sao.

Đành là dịch bệnh mọi người cùng phải chia sẻ, nhưng cái phụ huynh cần là kế hoạch cụ thể của nhà trường. Có như vậy phụ huynh mới có hướng để cùng chuẩn bị, cùng chia sẻ. Phụ huynh hoang mang, chủ yếu là do mù tịt thông tin” – phụ huynh tên M. chia sẻ trên group của phụ huynh một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Trường sẽ gửi sách đến học sinh

Ông Vũ Xuân Dương – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Hà Nội – cho biết tới thời điểm này công ty đã cung ứng trên 5 triệu bản sách giáo khoa lớp 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 11, 12.

Do Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nên một số trường chưa có phương án giao sách cho phụ huynh.

Sách giáo khoa lớp 1, 2 và 6 (theo chương trình mới) liên quan tới quy trình chọn sách của các địa phương, đồng thời các lớp 1, 6 và 10 là lớp đầu cấp liên quan tới việc tuyển sinh đầu cấp.

Những việc này diễn ra chậm so với dự kiến do dịch COVID-19 nên cũng ảnh hưởng liên hoàn đến việc triển khai phát hành. Tuy nhiên, ông Dương khẳngđịnh đã có khoảng 50% số trường nhận được sách lớp 1, 2, 6 và 10; số còn lại bị chậm do thực hiện giãn cách.

Liên quan tới việc học sinh chưa có sách ở một số lớp đầu cấp, lớp thực hiện chương trình mới, ông Phạm Xuân Tiến – phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội – cho biết sở đã trao đổi với Sở Giao thông vận tải để thống nhất phương án phát hành, vận chuyển sách giáo khoa theo chương trình mới đến tay học sinh trước khai giảng năm học.

Theo đó, đơn vị phát hành sách sẽ phối hợp để chuyển sách về các trường và mỗi trường sẽ phải có phương án để chuyển sách cho học sinh.

Trao đổi về việc này, bà Nguyễn Thị Thúy Liên, hiệu trưởng Trường tiểu học Lômônôxốp, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho biết trường đang phải lên kế hoạch cắt cử người đóng gói sách, ghi tên, địa chỉ từng nhà học sinh để gửi bưu điện chuyển phát nhanh sách đến học sinh trước năm học mới.

Bà Liên cũng cho biết sẽ hướng dẫn phụ huynh trong tình huống khó khăn, học sinh có gì dùng nấy, nhà trường sẽ không yêu cầu cứng nhắc về đồ dùng học tập như thông thường.

Đến trường, không ai tiếp

Về thắc mắc của phụ huynh Trường THCS Trần Đăng Ninh (Q.Hà Đông, Hà Nội), ông Lê Ngọc Tuấn, hiệu trưởng nhà trường, giải thích cụt ngủn: “Nếu phụ huynh đăng ký online rồi thì mang học bạ đến trường mà mua sách”.

Nhưng theo nhiều phụ huynh có con đăng ký đúng tuyến vào trường này, học bạ trường tiểu học không trả cho phụ huynh mà chuyển thẳng cho trường học sinh đăng ký đúng tuyến.

Phụ huynh đến trường cũng không ai tiếp và bán sách. Những thông tin liên quan tới việc này không hề được thông báo công khai, rộng rãi cho phụ huynh.

Ông Phạm Xuân Tiến (phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội): Sẽ có hướng dẫn

Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường. Tinh thần chung là các trường họp với phụ huynh học sinh trao đổi rõ về những khó khăn trong năm học đặc biệt này để cùng chia sẻ.

Bên cạnh giải pháp để có thể đưa sách giáo khoa đến học sinh trước khai giảng năm học mới, các trường cần linh hoạt trong quy định liên quan tới yêu cầu về đồ dùng học tập để thích ứng với điều kiện khó khăn.

Đặc biệt, các trường cần trao đổi thống nhất với phụ huynh về cách thức triển khai dạy học trực tuyến đối với từng nhóm đối tượng học sinh.

Với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1 và 2, cần dành từ 7 – 10 buổi để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với giáo viên, với bạn bè trong lớp, sau đó mới triển khai dạy học.

Dự kiến học sinh TP.HCM khai giảng giữa tháng 9 theo hình thức trực tuyếnDự kiến học sinh TP.HCM khai giảng giữa tháng 9 theo hình thức trực tuyến

TTO – Ngày 12-8, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết dự kiến học sinh tại TP này sẽ khai giảng vào khoảng giữa tháng 9.