Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến lịch sử là môn học bắt buộc

Phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV chiều 16-6 – Ảnh: GIA HÂN

Sáng 17-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho biết nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được Quốc hội thông qua đã nêu rõ yêu cầu đối với Chính phủ và các cơ quan tiếp tụcđổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học lịch sử.

Đồng thời, nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về môn lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông.

Vị này nói thêm nội dung trên là yêu cầu định hướng của Quốc hội đối với Chính phủ và sau đó Chính phủ sẽ phải giao các cơ quan chuyên môn mà cụ thể là Bộ Giáo dục và đào tạo tiến hành nghiên cứu, có quyết định cụ thể đối với môn lịch sử.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng 4-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý, có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân và các chuyên gia; cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn lịch sử.

Thủ tướng cũng gợi ý, có thể quy định theo hướng môn lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục, văn hóa, lịch sử là đầu tư cho sự phát triển. Với các chính sách tác động tới toàn dân, lợi ích chính đáng của người dân thì phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng.

Còn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định không có chuyện loại bỏ hay khai tử môn lịch sử khỏi chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua từ năm 2018. Sau 4 năm chuẩn bị, khi sắp được triển khai với lớp 10 đã nhận ý kiến về việc lịch sử là môn tự chọn.

Sau đó Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định việc bố trí môn lịch sử trong chương trình mới vẫn đáp ứng được yêu cầu giáo dục môn học này cho học sinh phổ thông. Ở cấp THCS của giai đoạn cơ bản, lịch sử được dạy từ lớp 6 đến 9, trang bị cho học sinh kiến thức cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

Ở cấp THPT – giai đoạn định hướng nghề nghiệp, lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn lịch sử là nội dung chuyên sâu.

Học sinh không học thiên về khoa học xã hội vẫn có thể lựa chọn lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ nghề nghiệp mà các em lựa chọn. Chương trình mới cũng dành 20% thời lượng cho lịch sử địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy.

Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết còn ý kiến trái chiều về việc đưa lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT.

Tại phiên họp toàn thể ngày 22-5, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề xuất giữ lịch sử là môn học bắt buộc do lo ngại học sinh THPT không lựa chọn khi môn này được đưa vào chương trình tự chọn.

Ngày 2-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức hội thảo với các đơn vị liên quan, nhà khoa học để đánh giá toàn diện về chương trình giáo dục môn lịch sử, đề xuất phương án phù hợp.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Không có chuyện Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Không có chuyện ‘khai tử’ môn lịch sử

TTO – Chiều 9-6, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: Môn lịch sử được phân theo 2 giai đoạn, vẫn có môn học này ở bậc phổ thông.