Quan tâm chính sách ưu tiên, hỗ trợ giáo dục vùng khó

Chia sẻ khó khăn với giáo dục miền núi

Năm học 2018-2019, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường lớp theo hướng hợp lý, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chí tính riêng trong năm học, cấp mầm non đã giảm được 60 điểm trưởng lẻ, tiểu học giảm được 24 điểm trường. Từ năm học 2016-2017 đến nay, tỉnh Tuyên Quang giảm được 228 điểm trường.

Cùng với việc sắp xếp lại hệ thống trường lớp, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của tỉnh từng bước được nâng lên. Năm học 2018-2019, số lượng giải học sinh giỏi quốc gia của Tuyên Quang tăng 4,9% so với năm học trước, chất lượng giải thưởng cũng nâng cao hơn.

Tuyên Quang là một trong những địa phương thuộc khu vực khó khăn có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường thuộc diện cao của cả nước, năm học 2018-2019 tăng 3,4% so với năm trước. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương khác, khó khăn của Tuyên Quang là thiếu giáo viên và phòng lớp học mầm non. Đây là một trong những vấn đề được lãnh đạo Sở GD&ĐT Tuyên Quang chia sẻ với Thứ trưởng Lê Hải An.

Ở góc độ của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng cho biết, sẽ có những rà soát, điều chỉnh và tham mưu để bổ sung các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho giáo dục khu vực miền núi, vùng khó khăn, trong đó có Tuyên Quang.

Ngoài ra, một số băn khoăn của ngành Giáo dục Tuyên Quang về tình trạng thiếu giáo viên tiểu học triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là giáo viên dạy tiếng Anh và Tin học; hình thức bồi dưỡng tập huấn giáo viên qua mạng; thiếu cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học thực hiện chương trình mới… cũng được trao đổi với Thứ trưởng.

Chia sẻ khó khăn với giáo dục Tuyên Quang, Thứ trưởng Lê Hải An đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được nhiều kết quả tích cực của ngành. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng đề nghị, ngành Giáo dục Tuyên Quang tập trung hơn nữa cho công tác chuẩn bị các điều kiện thực hiện, nhất là bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, đảm bảo chuẩn đi liền với chất lượng.

Ông Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang trao đổi về một số khó khăn của giáo dục Tuyên Quang với Thứ trưởng Lê Hải An

Quan tâm xây dựng văn hóa chất lượng

Tới thăm và trao đổi với cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tân Trào, Thứ trưởng Lê Hải An đề nghị, Trường Đại học Tân Trào cần rà soát lại các ngành nghề đào tạo, bám sát yêu cầu về nguồn nhân lực của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc, chú trọng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và kết nối giữa doanh nghiệp với trường đại học.

Đối với đào tạo sư phạm, Thứ trưởng lưu ý, Trường Đại học Tân Trào cần bám sát yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới để đào tạo giáo viên các môn đang thiếu như Tin học, Tiếng Anh… Đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo sư phạm đáp ứng với yêu cầu mới.

Riêng về hoạt động khoa học công nghệ, Thứ trưởng cho rằng, nhà trường cần tham gia sâu hơn nữa vào việc hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ cho các mô hình kinh tế tại địa phương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập cho người dân.

Trường Đại học Tân Trào cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc hợp tác với các giảng viên, trường đại học trong nước và nước ngoài trong nghiên cứu khoa học để tạo ra những nhóm nghiên cứu mạnh, từ đó tham gia vào xây dựng các đề án, dự án theo cơ chế đặt hàng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Hải An cũng khuyến khích Trường Đại học Tân Trào quan tâm tới văn hóa chất lượng, trong đó kiểm định chất lượng phải trở thành vấn đề xuyên suốt, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, khẳng định uy tín và thương hiệu của nhà trường.

Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) hiện đang đào tạo gần 4.000 sinh viên thuộc 15 ngành đại học, 19 ngành cao đẳng thuộc các lĩnh vực sư phạm, nông lâm nghiệp, kinh tế – quản trị kinh doanh, khoa học tự nhiên – môi trường, khoa học xã hội, văn hóa – du lịch… Theo thống kê, trên 70% sinh viên của Trường Đại học Tân Trào có việc làm sau khi ra trường.

Trong 5 năm qua, Trường Đại học Tân Trào đã triển khai thực hiện và công bố 744 sản phẩm nghiên cứu khoa học, trong đó có 20 sản phẩm là đề tài dự án cấp nhà nước. Trường hiện có trên 300 cán bộ, giảng viên, nhân viên, gần 16% trong số đó có trình độ Tiến sĩ.