Phòng chống Covid-19: Cơ hội giúp học sinh trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình

Giáo dục trực quan sinh động

Cô Ngô Thị Lan – giáo viên lớp 1D Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) cho biết: Với học sinh lớp 1, việc giáo dục, hướng dẫn học sinh bảo vệ sức khỏe, chăm sóc bản thân là chuyện thường nhật và được thực hiện ở mọi thời điểm. Có khi trong giờ ra chơi, thấy học sinh nghịch bẩn, cô giáo nhắc nhở các em luôn. Cô dùng chính những hành động của các em để giáo dục về cách bảo vệ sức khỏe của bản thân.

“Thấy các em khạc, nhổ bừa bãi, tôi chấn chỉnh ngay, đồng thời giải thích cho các em hiểu đó không chỉ là hành động xấu, mất lịch sự mà còn mất vệ sinh, thậm chí có thể truyền bệnh truyền nhiễm (nếu có) cho người khác. Qua đó, các em ý thức được hành động của mình và biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân” – cô Lan dẫn giải, đồng thời cho biết: Trong các giờ chính khóa, giáo viên đều dành thời gian nhất định để hướng dẫn học sinh tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bản thân. Đặc biệt, khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, việc làm này được chú trọng hơn.

Tôi đã chuẩn bị một số tài liệu, hình ảnh trực quan do ngành Y tế cung cấp để hướng dẫn các em chủ động thực hiện biện pháp phòng tránh khi đi học trở lại.
Cô Ngô Thị Lan

Theo cô Lan, giáo dục về sức khỏe cho học sinh tiểu học có trong các bài học của môn Đạo đức và Tự nhiên xã hội. Về cơ bản, các bài học được thiết kế tương đối tốt, nội dung phù hợp với lứa tuổi của các em.

Thầy Nguyễn Văn Khôi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dĩnh Trì cho biết: Một số dịch bệnh liên quan trẻ em có thể xảy ra như: Sởi, thủy đậu, đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, quai bị. Có bệnh xuất hiện quanh năm, bệnh theo mùa nên vấn đề vệ sinh trường lớp phòng chống dịch bệnh luôn được nhà trường coi trọng.

Thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tiết học chính khóa, nhà trường giáo dục học sinh biết cách bảo vệ sức khỏe, chăm sóc bản thân.

“Quan trọng nhất là giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Chúng tôi hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức các chương trình, hoạt động để hướng dẫn các em thực hành kỹ năng tự phát hiện, tự bảo vệ, cách ly trong trường hợp cần thiết.

Đơn cử như dịch bệnh Covid-19, nhà trường khuyến khích giáo viên chủ nhiệm chủ động thiết kế giáo án về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này để tuyên truyền cho HS, phụ huynh. Hoan nghênh giáo viên sử dụng hình ảnh trực quan, sinh động (tranh ảnh, video clip) nhằm tăng hiệu quả bài học về phòng chống dịch bệnh” – thầy Khôi chia sẻ.

Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách là một trong những kỹ năng quan trọng để phòng dịch trong nhà trường. Ảnh: Thế Đại

Chú trọng thực hành

Tại Trường Tiểu học Hiệp Cường (Kim Động, Hưng Yên), cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Huế cho hay: Nhà trường phối hợp với nhân viên y tế thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, lồng ghép giáo dục kiến thức về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân cho học sinh vào các buổi chào cờ. Bên cạnh đó, duy trì hoạt động của đội Sao đỏ trong việc theo dõi thực hiện nề nếp, giữ gìn vệ sinh cá nhân của học sinh.

Cô Huế trao đổi: Khi học sinh đi học trở lại, nhà trường sẽ giao cho Tổng phụ trách Đội, phối hợp với đoàn thanh niên và giáo viên chủ nhiệm, đến các lớp để tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh các biện pháp phòng phòng chống dịch bệnh Covid-19.

“Chúng tôi chú trọng các biện pháp giáo dục trực quan sinh động. Cụ thể, giáo viên phải làm thao tác để học sinh thực hành theo. Chẳng hạn: Giáo viên sẽ thực hiện các thao tác rửa tay với xà phòng, vừa thực hành vừa hướng dẫn học sinh làm theo” – cô Huế dẫn giải, đồng thời trao đổi: Trong các lớp học đã được dán khuyến cáo của Bộ Y tế về dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng ngừa Covid-19. Các khuyến cáo này đều có hình ảnh minh họa rõ nét để các em dễ hiểu, dễ thực hiện.

Theo cô Huế, đối với cấp tiểu học, nội dung liên quan đến giáo dục chăm sóc sức khỏe cho học sinh được đề cập trong môn Đạo đức và Tự nhiên xã hội. Trong Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, nội dung này được đề cập thêm trong môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

“Chúng tôi đã tiếp cận các bộ sách giáo khoa mới đối với lớp 1. Về cơ bản, nội dung bài học được thiết kế rõ ràng, hình ảnh sinh động. Mong rằng, từ lớp 2 trở đi, nội dung về giáo dục sức khỏe sẽ được các tác giả viết sách giáo khoa thể hiện sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu để giáo viên có thể vận dụng một cách linh hoạt trong quá trình dạy và học” – cô Huế nói.

Ngay cả trong giờ học chính khóa, chúng tôi yêu cầu giáo viên giáo dục, hướng dẫn học sinh biết cách chăm sóc bản thân, bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Ban chuyên môn của nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở và kiểm tra nội dung đó trong kế hoạch giảng dạy của các thầy cô. Cô Nguyễn Thị Huế

Minh Phong