Ông Thomas Vallely: Giáo dục Việt Nam cần so sánh với quốc tế

Sinh viên ĐH Fulbright Việt Nam – Ảnh: FUV

Năm nay đánh dấu 30 năm chương trình Fulbright tại Việt Nam. Từ những chương trình giảng dạy kinh tế đầu tiên vào năm 1994, đến các học bổng thạc sĩ Fulbright, và rồi là sự xuất hiện của ĐH Fulbright Việt Nam, đến nay “Fulbright” đã trở thành một “từ khóa” không thể thiếu khi nói về các chương trình học thuật giữa Việt Nam và Mỹ.

Những việc phải làm

* Theo ông, để giáo dục Việt Nam có thể phát triển lên những nấc thang mới, đâu là điều đầu tiên trong danh sách “những việc phải làm”?

– Tôi nhận thấy rằng trong nhiều năm qua, từ khi có Internet và mở rộng hơn khả năng tiếp cận Internet cho người dân, Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ hơn trên nhiều phương diện. Internet mở ra chân trời rộng mở về kiến thức và tư duy cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Nhiều sinh viên ngành khoa học máy tính của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao về năng lực. Chẳng hạn, từ một sinh viên xuất sắc ở Việt Nam, tiến sĩ Lê Viết Quốc hiện làm việc cho Google Brain, góp phần tạo ra các nền tảng trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất.

Vì sao Việt Nam có cơ sở hạ tầng cho ngành khoa học máy tính còn hạn chế nhưng lại có được những người thành công như thế? Theo tôi, góp phần rất lớn là nhờ Internet, cho các bạn có cơ hội tự học với thế giới ngay khi ở Việt Nam.

Do vậy, tôi nghĩ rằng để tiếp tục có thêm những thành công trong ngành giáo dục nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung, Việt Nam nên tiếp tục tạo điều kiện cởi mở hơn nữa trong việc tiếp cận Internet.

* Còn riêng với giáo dục đại học thì sao, thưa ông?

– Điều gì cần thiết để xây dựng hệ thống giáo dục đại học mạnh mẽ? Giáo sư Hoàng Tụy từng nói với tôi rằng nếu Việt Nam tự xây dựng hệ thống giáo dục đại học, rồi so sánh với chính mình, thì sẽ không mang tới nhiều tác động. Các trường đại học ở Huế so sánh với đại học ở Hà Nội, các trường Hà Nội so sánh với TP.HCM, điều này không có nhiều giá trị.

Thay vì vậy, các đại học Việt Nam cần so sánh mình với quốc tế. Việc không ngừng so sánh mình với quốc tế không chỉ cho phép các trường phát triển hơn mà còn tạo được những lợi ích cho chính người học. Tôi nghĩ cách tiếp cận này sẽ thay đổi lớn trong triết lý của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Giáo dục Việt Nam cần so sánh với quốc tế - Ảnh 2.

Trước khi bước vào quá trình tìm kiếm chủ tịch mới cho ĐH Fulbright, chúng tôi đã có một Hội đồng tín thác mới. Những thành viên tham gia có rất nhiều người mới và trẻ, trong đó có GS Ngô Bảo Châu. Họ sẽ là người thay thế dần vai trò của “lớp già” như tôi.
Ông Thomas Vallely

Thúc đẩy hiến tặng cho giáo dục

* Là người có mặt trong hầu hết mọi bước đi của Fulbright, trong hành trình 30 năm qua, ông nghĩ đâu là những cột mốc đáng nhớ, thưa ông?

– Với tôi, sự kiện đáng nhớ nhất là chuyến viếng thăm lịch sử đến Mỹ của cố thủ tướng Phan Văn Khải vào năm 2005. Ông đã đến ĐH Harvard và hỏi tôi rằng: Các ông có muốn thành lập một đại học ở Việt Nam hay không? Đó là một bước ngoặt sau nhiều chương trình Fulbright đã được triển khai.

Từ câu hỏi này, chúng tôi phải mất thêm hơn 5 năm để trao đổi, thảo luận xem liệu rằng hai bên có thể kết hợp cùng nhau cho ý tưởng này hay không. Chúng tôi muốn sẽ có một đại học với những tầm nhìn và những sứ mệnh thật sự, chứ không chỉ là một đại học Việt Nam gắn thêm một cái tên Mỹ.

Đến năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu đến thăm Mỹ, gặp gỡ ông Joe Biden, khi đó đang là phó tổng thống. Chuyến đi này cũng đánh dấu một số nút thắt đã được giải quyết. ĐH Fulbright sẽ được dành cho một cơ chế để xây dựng hội đồng học thuật riêng, được quyết định việc tuyển sinh và được cho quyền tự do hơn về những gì chúng tôi sẽ giảng dạy.

Tại TP.HCM, chúng tôi cũng nhận nhiều hỗ trợ từ TP. Chúng tôi được UBND TP.HCM dành cho một khu đất tại TP Thủ Đức để xây dựng cơ sở. Nhìn chung, các chương trình Fulbright gắn liền với sự phát triển trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Nhiều năm qua, chúng tôi cũng có nhiều gắn kết với cộng đồng Việt Nam. Họ sẵn sàng hỗ trợ Fulbright về cả vật chất lẫn tinh thần.

* Sự phát triển của các đại học phi lợi nhuận như Fulbright có sự góp sức rất lớn từ các khoản hiến tặng cho giáo dục. Theo ông, để xây dựng văn hóa hiến tặng này cần những yếu tố gì?

– Tôi nghĩ rất cần có những thay đổi lớn để thu hút thêm các khoản hiến tặng cho giáo dục đại học Việt Nam. Tại Mỹ, những nhà tài trợ luôn sẵn lòng hiến tặng cho giáo dục bởi họ sẽ được nhiều ưu đãi, được giảm thuế. Những khoản hiến tặng này sẽ góp thêm một nguồn lực xã hội cho phát triển đại học.

Chúng tôi cũng đang kỳ vọng vào những quy định mới của Chính phủ về doanh nghiệp xã hội. Khi đó, chúng tôi nghĩ các trường phi lợi nhuận có thể xây dựng dựa trên cơ chế của một doanh nghiệp xã hội. Họ có thể vượt qua được những thách thức và tận dụng thêm nhiều nguồn lực cho phát triển.

Chờ đợi chiếc “ghế nóng”

* Hè năm 2023 tới đây, bà Đàm Bích Thủy sẽ từ nhiệm vị trí chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam sau khi gắn bó từ những ngày đầu thành lập. Hiện nay, quá trình chọn lựa người đứng đầu đang diễn ra thế nào, thưa ông?

– Cách đây vài tháng, chúng tôi đã làm việc với một đơn vị Hong Kong về việc tìm kiếm các ứng viên cho chiếc ghế chủ tịch này. Đã có hơn 50 ứng viên ứng tuyển từ khắp thế giới. Nhiều người từng làm hiệu trưởng đại học. Dự kiến trong tháng 3 này, chúng tôi sẽ cân nhắc và cho phản hồi về những cái tên cuối cùng trong danh sách.

Hình dung cơ bản về vị trí chủ tịch mới sẽ là một người theo hướng học thuật. Khi ĐH Fulbright đã phát triển đến hiện tại, chúng tôi sẽ cần thu hút và kết nối nhiều hơn với những trường đại học, các cộng đồng học thuật và những chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới.

Sự kết nối này có thể nằm ở việc sự công nhận tín chỉ đào tạo. Như ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) hay ĐH Quốc gia Singapore, sinh viên có thể được công nhận và chuyển đổi tín chỉ sang các trường đại học lớn ở Mỹ. Đó cũng là một trong những mục tiêu mà Fulbright hướng đến.

Một kế hoạch khác sẽ là đặt những viên gạch đầu tiên cho hướng đào tạo về công nghệ. Dự kiến chúng tôi sẽ kết hợp với ĐH Texas (Mỹ) để xây dựng các chương trình học về công nghệ tại Fulbright. Định hướng này đúng theo các kế hoạch của Việt Nam về phát triển công nghệ, thu hẹp khoảng cách về công nghệ ở Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực.

Ông Thomas J. Vallely hiện là cố vấn cao cấp của chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới, Trường Harvard Kennedy (HKS).

Ông là người sáng lập Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard từ năm 1989 và thành lập chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM năm 1994.

Thông qua các nghiên cứu của Chương trình Việt Nam tại Harvard, ông Thomas Vallely đã thúc đẩy hình thành đối thoại chính sách một cách thẳng thắn và mang tính xây dựng với Chính phủ Việt Nam về những thách thức chiến lược mà Việt Nam phải đối mặt. Ông cũng là một trong những người góp phần xây dựng ĐH Fulbright Việt Nam.

Trò chuyện cùng thầy giáo Việt làm giám khảo thi khoa học quốc tếTrò chuyện cùng thầy giáo Việt làm giám khảo thi khoa học quốc tế

Thầy Đặng Minh Tuấn – người được chọn làm giám khảo của cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học ISEF (International Science and Engineering Fair) tổ chức tại Mỹ – cho rằng thế giới rộng mở và tiến xa hơn rất nhiều…