Nỗi niềm của các “bông hồng” Việt khi đón Tết xa nhà

Trong không khí rộn ràng đón xuân về, những du học sinh lại dâng lên những cảm xúc, tâm sự khó giãi bày. Do nhiều lí do khác nhau nên các bạn trẻ không thể về quê hương đón Tết, thậm chí có người nhiều năm nay chưa về.

Xa quê nhưng trái tim luôn hướng về Việt Nam

Tại xứ sở sương mù, dòng tâm sự trên story facebook của Nguyễn Xuân Phương (sinh viên ngành Tài chính ngân hàng của trường University of the West of England) mới đây đã nhận được sự đồng cảm của những con xa xứ:

“28, 29 Tết vẫn đi học, đi làm bình thường. Một cái Tết không có gì, đi học đi làm hết nguyên một ngày rồi”.

Xuân Phương chia sẻ thêm: “Trước khi đi du học thì ai cũng nghĩ du học là sướng, được đi nhiều nơi, ngắm nhiều cảnh đẹp. Nhưng mà đi rồi vẫn thấy nhà là đẹp nhất.

Thời tiết lạnh ở Anh cũng khiến người ta thấy buồn. Có những lúc thèm cả mùi thơm giòn của nắng Việt Nam. Vất vả vừa đi học đi làm cũng vì thương cha mẹ và không muốn cha mẹ quá gánh nặng về tài chính cho mình”.

Cũng ở Anh, Nguyễn Bảo Châu (Chủ tịch của SVUK) lại bận rộn chuẩn bị các chương trình Tết cộng đồng. Châu cho biết, đây là năm thứ tư em không đón Tết tại Việt Nam.

“Ở bên này không có không khí Tết Âm Lịch như ở Việt Nam, nên nhiều lúc em rất nhớ nhà. Tuy nhiên năm nào em cũng gọi Skype với bố mẹ những đêm giao thừa rồi cùng các bạn ở Anh tổ chức một bữa tất niên với những món ăn truyền thống như nem, canh măng,… Bởi vậy tuy xa nhà, cũng nhớ nhà nhưng nỗi nhớ cũng vơi bớt phần nào”, Châu nói.

Nỗi niềm của các “bông hồng” Việt khi đón Tết xa nhà - 1

Hội DHS Việt tại Anh trong sự kiện Tết cộng đồng.

Tại xứ sở kangaroo, Đại sứ du học sinh của Melbourne Kim Oanh đã ba năm đón Tết ở nước ngoài mà không có gia đình ở bên. Cũng có chút hụt hẫng nhưng hơn hết Oanh biết ơn một năm cũ đã qua đi – một năm trường thành hơn ở nơi đất khách quê người và hào hứng về một năm mới đến sẽ có nhiều thay đổi.

Oanh luôn nhớ những hoạt động đặc trưng và ý nghĩa diễn ra vào dịp Tết nguyên đán như đi chợ Tết, gói bánh chưng, lì xì, xông đất,… Tuy nhiên, cô gái 9X đang tập thích nghi với cuộc sống ở Australia và dần cảm thấy Melbourne luôn cho mình một sự chào đón nồng nhiệt, một cảm giác “tết không còn xa nữa”.

Tại xứ sở hoa anh đào, vào những ngày Tết nguyên đán, Hoàng Phương Hải Châu hiện là sinh viên ngành Kinh tế tại Đại học Tsukuba đang tham dự World Federation of Model United Nations Associations (WFUNA) dưới tư cách Chủ toạ của phòng họp ECOSOC.

Hải Châu chia sẻ: “Người Nhật đón Tết Dương lịch thay Tết Âm lịch. Nhưng em rất thích cụm từ mà mọi người nhắc nhiều nhất vào năm mới là Osechi Ryori (các món ăn mừng năm mới). Cả gia đình Nhật thường quây quần ăn những món này vào những ngày đầu năm.

Đây là một điểm khá tương đồng với văn hoá Việt Nam và “cầu sung dừa đủ xoài”, mỗi món ăn của người Nhật lại mang một biểu tượng và ý nghĩa nhất định. Như quả hồng khô, vì nó có lớp da nhăn nheo nhưng lại rất dẻo dai nên được lấy để làm lời cầu chúc cho ông bà sống thật lâu cùng con cháu.”

Dù ở bất cứ nơi đâu, mỗi du học sinh đều tìm cách, cố gắng xoay xở để cảm nhận được không khí Tết dân tộc một cách trọn vẹn nhất.

Điều ước cho năm Kỷ Hợi

Nói về dự định năm mới, Nguyễn Xuân Phương (sinh viên ngành Tài chính ngân hàng của trường University of the West of England) tiết lộ rằng em sẽ cố gắng cân bằng cuộc sống giữa đi làm và đi học để vừa có thể trang trải cho cuộc sống và vừa có thể đạt được điểm số mong đợi. Phương rất thích môi trường học tập ở Anh nên em muốn sẽ tiếp tục học bậc cao hơn tại đây.

Nỗi niềm của các “bông hồng” Việt khi đón Tết xa nhà - 2

Xuân Phương mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với mình và người thân trong năm mới.

“Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi, em mong muốn sẽ được đóng góp thật nhiều hơn nữa cho Hội Sinh Viên Việt Nam tại Anh (SVUK), cùng SVUK tổ chức các sự kiện mang tính giới thiệu văn hóa và học thuật hơn nữa cho các bạn học sinh Việt Nam tại Anh. Bên cạnh đấy, em vẫn học hành thật chăm chỉ, đạt được kết quả học tập thật tốt để không phụ lòng bố mẹ”, Nguyễn Bảo Châu nói.

Nỗi niềm của các “bông hồng” Việt khi đón Tết xa nhà - 3

Nguyễn Bảo Châu – tân Chủ tịch duyên dáng tài năng của SVUK.

Hoàng Phương Hải Châu (sinh viên ngành Kinh tế tại Đại học Tsukuba) cho biết, năm 2019, em muốn tập trung phát triển các dự án cá nhân sau một năm tạm nghỉ để tập trung học tập. Em muốn gặp gỡ nhiều người hơn và học hỏi từ cách bắt tay vào làm, thay vì ngồi chờ đợi cơ hội đến.

Nỗi niềm của các “bông hồng” Việt khi đón Tết xa nhà - 4

Hải Châu xinh đẹp trong World Federation of Model United Nations Associations.

Đối với Kim Oanh đang sinh sống và học tập ở thành phố Melbourne (Australia), sinh viên ngành Công tác xã hội tại Victoria University hi vọng năm sẽ là năm để bản thân có thêm những trải nghiệm cũng như kinh nghiệm quốc tế nhiều hơn như tham gia các tổ chức quốc tế ở các nơi trên thế giới, các hoạt động cũng như hội nghị toàn cầu hay đi tình nguyện ở một đất nước nào đó.

Kim Oanh chia sẻ “Có thể, tháng 4 năm 2019, em sẽ tham gia Hội nghị Lãnh đạo toàn cầu ở thủ đô Kathmandu, Nepal – nơi hội tụ các nhà lãnh đạo, những Bộ trưởng từ 29 nước trên thế giới để bàn về làm thế nào để đạt được “Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc” và em cũng có mong muốn tham gia vào Nghị Viện Trẻ Toàn Cầu trong năm tới.

Bên cạnh đó, em vẫn sẽ tiếp tục hoạt động ở các tổ chức về sinh viên quốc tế như Liên đoàn sinh viên quốc tế nước Australia hay một số tổ chức phi lợi nhuận khác về người trẻ cũng như các vấn đề liên quan đến cuộc sống, phúc lợi xã hội và dịch vụ cho sinh viên quốc tế ở bang Victoria (Australia) để mở rộng quan hệ, học hỏi, trải nghiệm và để cho bản thân những khoảng thời gian đẹp nhất khi ở xứ sở chuột túi.”

Nỗi niềm của các “bông hồng” Việt khi đón Tết xa nhà - 5

Kim Oanh dự định tham gia các sự kiện quốc tế trong năm tới.

Mỗi người đều có những ước mơ hoài bão, dự định cho riêng mình và việc quyết tâm, kiên trì để đạt được những điều đó thì đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, thời gian và tâm huyết. Những cảm xúc chạnh lòng ngày Tết sẽ sớm qua đi để nhường chỗ cho trải nghiệm trên một hành trình mới tại các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Hồng Vân