Hai năm trước, khi đang ăn mừng tốt nghiệp đại học, tôi nhận tin cô giáo dạy tiếng Anh lớp 11 của mình qua đời. Cô ra đi sau cơn đột quỵ.
Trước ngày viếng cô, khi gọi cho một người em đang học ở Anh, tôi bảo cậu rằng mình không ngủ được. Tôi cứ ngập ngừng liên hồi “tự dưng chị nhớ cô quá” như một cách thay cho việc không thể buồn bã và bật khóc.
“Hãy đến tâm sự với cô”
Rồi lần lượt, những ký ức vui buồn của tôi với cô dần hiện ra. Đó là buổi gặp mặt đầu tiên ở lớp. Cô giáo tôi, với kiểu tóc dài cắt chiếc lá thời thượng, bộ áo dài màu xanh, bước vào lớp nở một nụ cười thật tươi.
Trong khi một bạn nữ thuộc nhóm “sành điệu” trong lớp tôi thích thú trước giọng nói dễ thương và gương mặt rạng ngời của cô, bản tính xốc nổi và sự cứng nhắc không cho phép tôi mở lòng với cô.
Cô bước vào lớp, trò chuyện với cả lớp bằng giọng tiếng Anh “không chuẩn”, với “accent” (giọng) thường thấy của một người Việt. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi cô đưa cho lớp một bản photo. Ở đó là những lời tự bạch về sở thích, thói quen và những thứ cô muốn hiểu chúng tôi hơn.
Có một lời đề nghị khiến một số bạn nữ trong lớp tôi đang có bạn trai phải cười òa: “Hãy đến tâm sự với cô nếu em có bất kỳ sự thiếu thấu hiểu, hay vấn đề với người bạn trai của mình”.
Buổi làm quen ấy còn ấn tượng hơn khi cô yêu cầu mỗi bạn trong lớp dùng giấy để nói về cảm nghĩ của họ với người bạn kế bên. Thời điểm ấy, tôi là đứa khó ưa và “khó chơi” nhất ở lớp. Nên lúc đó cả lớp rất ái ngại cho cô bạn cùng bàn của tôi.
Nhưng bất ngờ thay, cô bạn ấy viết rằng: “Bạn không được nhiều người yêu quý trong lớp, nhưng tôi tin rằng cô ấy là một người bạn tốt”.
Tôi đã giữ tờ giấy trong suốt nhiều năm. Sau này, dù gặp rất nhiều sự niềm nở, những câu hỏi làm quen tương tự khi đi học đại học, đi làm nhưng không ai tạo được cảm giác chân thành và tin tưởng trong tôi như cô.
Dù không có kiểu phát âm “chuẩn chỉnh” như trên đài, nhưng ở những tiết tiếng Anh tăng cường đầu tiên, cô liên tục khiến tôi thích thú khi đưa ra những câu hỏi mới mẻ, hợp để tôi có thể đưa ra nhiều góc nhìn, quan điểm của mình.
Thậm chí, cô còn ngồi sửa từng bài viết nghị luận tiếng Anh và nhẹ nhàng góp ý, không trách móc tôi như giáo viên dạy tiếng Anh năm lớp 10. Nhưng một thời gian sau, sự lười biếng và cả bốc đồng khiến tôi mất hứng thú.
Kiên nhẫn với học sinh
Dù cô là một giáo viên trẻ, năng động, nhiệt huyết và muốn lắng nghe nhiều hơn ở học sinh của mình, nhưng trước hết chúng tôi vẫn phải học theo giáo trình sách giáo khoa, phải ngồi sửa bài ngữ pháp liên tục. Điều đó khiến một đứa như tôi mất hứng thú, những giờ học nói trong lớp đa phần nhiều bạn vô cùng thụ động khiến tôi không còn muốn học.
Bằng một sự kiên nhẫn vô cùng, cô vẫn cố gắng cho các bạn học, sửa bài, vẫn đưa tài liệu học trên lớp đều đặn. Chỉ có một lần cô cảm thấy thực sự vui khi hào hứng chia sẻ cho chúng tôi về một đề bài về việc thay đổi bản thân trước khi thay đổi thế giới.
Gương mặt, giọng nói của cô trở nên tươi tắn hẳn, tôi lại cảm nhận cô khao khát để trở thành phiên bản tốt hơn, và muốn truyền nó lên học trò của mình thông qua những chuyến đi phượt và dự án cá nhân.
Năm học sau đó, tôi thấy cô làm chủ nhiệm lớp chuyên Anh của đàn em tôi. Nhìn thấy những đứa em tấm tắc khen cô làm việc năng suất, tôi mới tiếc thay cho bản thân và tập thể lớp cũ không biết trân trọng công sức của cô. Sau này nhiều lần tôi về trường, người đầu tiên tôi gặp gỡ vẫn là cô. Một cô giáo lẳng lặng quét sân khấu để lớp chúng tôi biểu diễn tiết mục của mình.
Năm cô qua đời cũng là lúc tôi tròn 25, mới tốt nghiệp trường y. Trùng hợp thay, cô cũng ở độ tuổi ấy khi lần đầu gặp chúng tôi. Trải qua bao lần vấp ngã ở đường đời khi mới ra trường, những áp lực khi phải “gồng” lên, kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng lên cao, tìm thấy lại bản thân qua những chuyến đi, tôi lại ngẫm nghĩ về hình ảnh của cô thời tuổi trẻ. Một người biết mình vẫn cần phải học, nên bao dung với học sinh và không ngừng thấu hiểu người khác.
Không bao giờ phán xét, trách mắng
Một người tốt nghiệp đầu ra thủ khoa Đại học Sư phạm ngành sư phạm Anh, nhưng không bao giờ phán xét, trách mắng sự thất bại của người học trò ấy rớt đại học, sẵn sàng ngồi lắng nghe những kế hoạch chỉ mới thành hình qua lời nói. Trên kênh TikTok dạy tiếng Anh còn dang dở của cô, tôi đã coi hết các clip cô nói, chất giọng, phát âm đã hay hơn rất nhiều so với buổi học đầu tiên.
Đó là chia sẻ của nhiều học sinh Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận 7, TP.HCM). Môn thể dục với các em là vui vẻ, năng động, đặc biệt là được học với thầy Võ Lê Tâm.