Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế lắng nghe, gỡ khó cho giáo dục mầm non

Tại buổi gặp mặt, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống cơ sở vật chất của giáo dục mầm non toàn tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân. Công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở một số nơi chưa đúng quy chuẩn; trang thiết bị dạy và học nhóm lớp dưới 5 tuổi chưa đáp ứng đủ nhu cầu; một số trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn chưa có nguồn nước sạch cho trẻ dùng hàng ngày; nhân viên y tế, cấp dưỡng nhiều nơi còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều việc, mức lương thấp, không ổn định không đảm bảo cuộc sống.

Ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính gỡ rối cho giáo viên mầm non

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên trường Mầm non Phong Xuân 1, huyện Phong Điền: Vì học bán trú nên chúng tôi phải làm việc 10 giờ/ngày.

Do phải chăm sóc, giáo dục trẻ nên những buổi sinh hoạt hội đồng hay làm đồ chơi cho trẻ phải thực hiện vào ngày thứ 7, nên ảnh hưởng đến đời sống. Chúng tôi mong muốn ngành giáo dục có chế độ chính sách ưu đãi để hỗ trợ giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Trường mầm non Hương Bình (Hương Trà) cho rằng: Trường chỉ có một bảo vệ nhưng lại có 2 cơ sở nên khá khó khăn trong quản lý. Nhân viên kế toán phải kiêm văn thư và nhân viên y tế kiêm thủ quỹ nên khá áp lực. Không ít trường giáo viên không được hưởng chế độ ở lại trực bán trú buổi trưa….

Ông Phan Ngọc Thọ tặng quà cho các giáo viên mầm non có hoàn cảnh khó khăn

Biểu dương những thành quả mà ngành giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng đã đạt được trong những năm vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn với tấm lòng yêu trẻ, các thầy cô giáo tiếp tục nỗ lực để vượt qua khó khăn, nâng cao vị thế của người giáo viên, thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo hướng tiên tiến, xây dựng hệ thống trường học kiểu mẫu, hạnh phúc.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng những ý kiến đóng góp của những giáo viên mầm non đều rất xác đáng và xuất phát từ thực tế, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp thu để có những đề án, những hỗ trợ kịp thời. Giáo dục mầm non là cấp học nền tảng, toàn diện để các em có hành trang bước vào đời, nên những cô giáo, người làm quản lý trong giáo dục mầm non gặp những khó khăn đặc thù. Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới ngành giáo dục cần xây dựng mô hình quản lý nhà trường thật sự đổi mới, lồng ghép nhiều mô hình trường học kiểu mẫu theo hướng trường học hạnh phúc, trường học xanh, trường học thông minh; chuẩn hóa cơ sở vật chất, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trang bị hệ thống trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cần thiết đáp ứng yêu cầu chơi mà học phù hợp với đặc điểm lứa tuổi; các địa phương phối hợp cùng ngành giáo dục ra soát lại hệ thống trường mẫu giáo để quy hoạch lại mạng lưới trường học hoàn chỉnh phù hợp đặc điểm vùng miền tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường; tiếp tục nghiên cứu để xây dựng chế độ chính sách, đãi ngộ phù hợp với cán bộ, giáo viên; nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên đáp ứng đổi mới toàn diện giáo dục.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đã tặng hoa và quà cho 21 giáo viên vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác.