Làm sao có thể nào quên một lễ khai giảng như thế

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) dàn dựng một màn đồng ca trực tuyến ca khúc “Bụi phấn” khiến học sinh và thầy cô xúc động tại lễ khai giảng – Ảnh: P.H.

Trong lễ khai giảng ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) sáng 5-9, không biết lần thứ bao nhiêu bài hát Bụi phấn được cất lên, nhưng lần này khác biệt. Sự khác biệt khiến ai cũng nghẹn ngào với câu hát như nói lên tiếng lòng mình: “Mai sau lớn lên rồi, làm sao có thể nào quên”…

“Tớ muốn đến trường”

Một nữ sinh ngồi hát trước bàn học trong phòng riêng, một nam sinh từ căn phòng khác ôm đàn guitar đệm cho bạn gái, rồi tiếng piano vang lên, cùng tiếng hát của một chàng trai nữa. Mỗi người, mỗi nơi nhưng họ ghép những mảng không gian khác nhau để hòa chung một nhịp. Trong một khoảnh khắc, những cô cậu học trò đó như lại được ngồi bên nhau, trên sân trường, trong lớp học của mình.

“Tớ muốn đến trường quá rồi”. “Tớ nhớ cậu”. “Tớ nhớ mùi của bàn ghế và tiếng nói thầy cô quá”… Đó là những lời nhắn gửi vội vàng của nhiều học sinh trên giao diện trực tuyến đang diễn ra lễ khai giảng.

Mong ước lớn nhất, nhiều nhất của các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh trong lễ khai trường năm nay là trường học mở trở lại. Nhưng những cánh cổng của nhiều trường học ngày 5-9 vẫn khép. Một vài cánh cổng mở ra nhưng sân trường vắng hoe.

Trong ngày khai trường, nhiều học sinh ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều nơi khác vẫn chưa có đủ sách giáo khoa, thiếu giấy, vở, bút mực, đồng phục. Có những học sinh đầu cấp còn chưa một lần bước chân vào trường mới để gặp cô giáo, bạn bè…

Nỗ lực cho năm học mới

Ở Trường tiểu học Nguyễn Siêu, Kim Đồng, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Tri Phương (Hà Nội), nhiều cha mẹ trang trí phòng gắn cờ hoa rạng rỡ, làm cho con những cành hoa giấy, cờ giấy để vẫy chào như thể con đang đi giữa sân trường trong tiếng vỗ tay chào đón của thầy cô. Ai cũng cố gắng để có một lễ khai trường ấm áp hơn, vui tươi hơn trong hoàn cảnh khó khăn, cách trở vì dịch bệnh.

Một năm học bắt đầu với khó khăn, thiếu thốn, mất mát. Nhưng từ đây, những ước mơ càng trở nên cháy bỏng, ước mơ giành lại cuộc sống bình thường như từng đã có.

“Con đừng chê online khác học thường/ Định thở than, hãy nghĩ về vùng khó/ Đồng bào ta còn bao nhiêu gian khổ/ Bạn xa mong chờ giờ phút được như con” – đây là những lời nhắn gửi của thầy hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội với học sinh của mình. Lời nhắn gửi cũng là bài học đầu tiên các em học sinh nhận về trong lễ khai trường đặc biệt.

Trong lễ khai trường đặc biệt, nhiều trường học ở Hà Nội thay vì tổ chức một ngày hội hoành tráng đã chuyển sang thực hiện các chương trình hành động cụ thể có ý nghĩa. Trường THCS & THPT Marie Curie (Hà Nội) chuyển tới học sinh một thông điệp về trồng 1 vạn cây xanh cho Mèo Vạc (Hà Giang).

Còn trong chia sẻ đầu năm học về khát vọng được nuôi dưỡng, theo đuổi hơn 30 năm, thầy Nguyễn Tùng Lâm – chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng – nói về nhiệm vụ thiêng liêng của người thầy là dạy người: “Khó khăn, thách thức sẽ khiến cho thầy, trò thêm động lực mạnh mẽ để tự học, tự chủ, tự tin và tự chịu trách nhiệm trước mọi việc làm của mình”.

Tại một số trường đã có những hoạt động để quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, chia sẻ động viên những học sinh ở nơi đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Ngày khai trường thiếu đi những phần từng trở nên quen thuộc, nhưng lại có thêm những ý nghĩa khác.

Sẽ vượt qua khó khăn

Sáng 5-9, TP.HCM tổ chức lễ khai giảng đặc biệt năm học 2021 – 2022 tại điểm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5). Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT, thầy cô giáo và 10 học sinh đại diện cho học sinh toàn trường. Sau lễ chào cờ, những người tham dự đã dành phút mặc niệm các nạn nhân mất vì đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Văn Mãi – chủ tịch UBND TP.HCM – nhấn mạnh: “Ngày khai giảng năm học này là ngày đặc biệt và rất ý nghĩa trong hoàn cảnh đặc biệt của chúng ta cho trên 80.000 giáo viên và 1,7 triệu học sinh của TP đang theo dõi trực tuyến. TP đối mặt khó khăn, 3 tháng qua giãn cách xã hội để kiểm soát dịch đã làm ảnh hưởng đến nhiều mặt, trong đó có hoạt động giáo dục…

Cuộc sống lúc nào cũng đặt ra thử thách để con người vượt qua đi tới, TP.HCM đang đối mặt thử thách lớn từ khi đất nước hòa bình nhưng chúng ta tin tưởng rằng TP sẽ vượt qua”.

Ông Mãi cũng cho biết TP dự định tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho nhà giáo, cán bộ nhân viên nhà trường trước ngày 20-11 và đề xuất Bộ Y tế tiêm cho học sinh 12 – 18 tuổi.

THẢO THƯƠNG

Kết nối với cựu học sinh để truyền cảm hứng

Sáng 5-9, khoảng 850 học sinh và giáo viên Trường THPT Ngô Quyền ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) tổ chức khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, năm nay ngoài những nghi thức thường có tại buổi lễ, nhà trường còn kết nối với khoảng 30 cựu học sinh đang du học tại Nhật Bản.

Thầy Nguyễn Hải Thọ – hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền – chia sẻ việc kết nối với các cựu học sinh, nghệ sĩ nhằm truyền cảm hứng đến các em học sinh ở đảo. Bởi học sinh ở đảo vẫn còn nhiều khó khăn, không có điều kiện như đất liền. Khi nghe các anh chị chia sẻ những trải nghiệm trong cuộc sống, học tập ở nước ngoài… các bạn học sinh nơi huyện đảo mới thấy mình còn phải trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng mềm rất nhiều.

“Thông qua việc giao lưu như vậy, các bạn học sinh mới thấy được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, các kỹ năng mềm… nếu muốn vươn ra “biển lớn”. Các bạn phải học tập, trau dồi ngay từ bây giờ và nhà trường sẽ là nơi cất cánh” – thầy Thọ nói.

ĐỨC TRONG

Tô mì Quảng của cô giáo miền xuôi

Điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam từng “gây bão” trên mạng xã hội với lễ khai giảng mộc mạc, đơn sơ năm 2019. Năm nay, lễ khai giảng ở đây cũng thật trong trẻo, đơn sơ, đầy tình cảm. Đặc biệt hơn, cô giáo Trà Thị Thu, người cách đây 2 năm dạy học và cùng các em học sinh làm nên buổi lễ khai giảng khó quên ấy, cũng đã quay trở lại với Tắk Pổ sau 1 năm chuyển công tác xuống điểm trường chính.

tăk pổ (12) 1(read-only)

Học trò Tắk Pổ háo hức với tô mì Quảng đầu năm học mới – Ảnh: Cô Trà Thị Thu

Từ sáng sớm, cô Thu với tà áo dài màu xanh dắt học sinh quần xanh áo trắng, trên tay cô trò là những chiếc bóng bay, bước vào cổng trường giữa núi đồi Ngọc Linh mây giăng trắng xóa. Học sinh xếp hàng ngay ngắn làm lễ chào cờ, mỗi em đều đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. Sau đó cô giáo đọc thư chúc mừng khai giảng năm học mới, dặn dò các em cẩn thận.

Một bữa mì Quảng đã được cô giáo Thu cùng giáo viên, dân làng nấu đãi cho học sinh Tắk Pổ trước khi bước vào năm học mới tràn đầy khí thế.

LÊ TRUNG

Cụ ông sắm chân máy chống rung, livestream lễ khai giảng

Ông Ngô Minh Loan (77 tuổi, trú tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) cho biết từ dịp nghỉ hè tháng 5-2021, 2 cháu nội được cha mẹ đưa từ Hà Nội về quê “tránh dịch”.

livestream 1(read-only)

Ông Ngô Minh Loan livestream buổi khai giảng online đáng nhớ của hai cháu tại “điểm cầu” Nam Định để người thân ở xa cũng có thể theo dõi – Ảnh: THANH NGHỊ

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống nên 2 cháu hiện vẫn đang ở quê, chưa trở về Hà Nội. Trong ngày 5-9, khi các cháu tham dự khai giảng online, ông Loan tự sắm thêm chân máy chống rung để phục vụ việc livestream buổi khai giảng online của 2 cháu từ “đầu cầu” Nam Định cho người thân ở xa có thể tiện theo dõi. Ông Loan cho biết cách đây khoảng 3 năm, khi được con cháu mua tặng điện thoại thông minh, ông tự mày mò, học hỏi để làm chủ thiết bị này nhằm thuận tiện trong việc kết nối với con cháu ở xa.

TIẾN THẮNG

Mặc niệm nạn nhân mất vì COVID-19 trong lễ khai giảng ở trường Lê Hồng PhongMặc niệm nạn nhân mất vì COVID-19 trong lễ khai giảng ở trường Lê Hồng Phong

TTO – Sáng 5-9, TP.HCM tổ chức lễ khai giảng đặc biệt năm học 2021-2022 tại điểm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5).