Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có gì khác biệt?

GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, trao đổi với báo chí sáng 2-2 – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Đây là thông tin vừa được GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ trong buổi họp báo công bố các thông tin liên quan kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023.

Nhiều trường dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển

GS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội là kỳ thi đánh giá độc lập do trường tổ chức.

Điểm mới năm nay, kết quả của kỳ thi này không chỉ dùng để xét tuyển vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội mà còn dùng để xét tuyển vào nhiều trường đại học sư phạm trên toàn quốc.

Bao gồm Trường đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, Trường đại học Vinh, Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế, Trường đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Trường đại học Quy Nhơn và Trường đại học Sư phạm TP.HCM.

GS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết không có một phương thức thi nào là tối ưu tuyệt đối. Do đặc thù cụ thể mà nhà trường chọn phương thức thi riêng, phù hợp với công tác tuyển sinh và đào tạo của nhà trường và các cơ sở đào tạo sư phạm.

Kỳ thi đánh giá năng lực Trường đại học Sư phạm Hà Nội được xây dựng dựa trên lộ trình để đến năm 2025 chuyển sang chương trình phổ thông mới.

Ông Minh cho biết thêm, đề thi đánh giá năng lực năm nay có 2 phần, 1 phần trắc nghiệm, 1 phần tự luận. Đối với những môn chung, phần trắc nghiệm chiếm 70%, trừ môn ngữ văn (70% tự luận và 30% trắc nghiệm). Do đó về hình thức thí sinh không quá lạ lẫm. Ngoài ra, kiến thức đều nằm trong chương trình học chứ không có kiến thức nằm ngoài.

Giải thích lý do tại sao lại lựa chọn 70% trắc nghiệm và 30% tự luận cho hầu hết các môn thi, ông Minh cho biết do đa số các thí sinh dự thi ở bậc THPT chủ yếu là thi trắc nghiệm (trừ môn văn), nên nhà trường vẫn giữ 70% trắc nghiệm trong bài thi để không tạo sự xáo trộn quá lớn với thí sinh.

“Điểm khác biệt của đề thi đánh giá năng lực Trường đại học Sư phạm Hà Nội so với kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi đánh giá năng lực khác chính là phần thi tự luận. 30% bài thi tự luận với ý nghĩa đánh giá mức độ hiểu của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng diễn giải, trình bày được cho người khác hiểu – đây chính là một trong các điều kiện ban đầu rất cần thiết đối với một giáo viên tương lai”, ông Minh nói.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022 áp dụng thi trắc nghiệm tất cả các môn thi, trừ môn ngữ văn (7 điểm phần làm văn và 3 điểm phần đọc hiểu).

Đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội 2023 gồm có 3 phần (Tư duy định lượng, Tư duy định tính, Khoa học) với 150 câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực toán học, văn học – ngôn ngữ và khoa học tự nhiên.

Đề thi đánh giá năng lực năm 2023 củaĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh có 120 câu hỏi, tổng thời gian làm bài 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh gồm: sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (40 câu); toán, suy luận logic và xử lý số liệu (30 câu); giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội (50 câu).

Bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với hình thức thi hoàn toàn trắc nghiệm, tổng thời gian của bài thi gồm 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy toán học (60 phút), Tư duy đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút).

Mức độ đề thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ nhận biết – thông hiểu – vận dụng – vận dụng cao. Trong đó, mức độ nhận biết cơ bản sẽ được nâng cao hơn.

Thí sinh cần ôn tập cẩn thận để có thể làm bài tốt, “không cần học thêm”, ông Minh khẳng định.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có gì khác biệt? - Ảnh 3.

Cấu trúc các bài thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2023

Những điều thí sinh nên lưu ý khi thi đánh giá năng lực

Trường đại học Sư phạm Hà Nội sẽ chỉ tổ chức một đợt thi duy nhất trong năm nay và chưa tăng thêm số lượng đợt thi.

Nhà trường cho biết dự kiến sẽ tổ chức hai điểm thi để thí sinh không phải di chuyển quá xa, bao gồm một điểm thi tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội và một điểm thi ở Đại học Quy Nhơn (Bình Định), nếu số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông.

Kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của Trường đại học Sư phạm Hà Nội được tổ chức ngày 6-5 với 8 môn thi bao gồm: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và tiếng Anh.

Các ca thi đánh giá năng lực Trường đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra đồng thời tại hai địa điểm ở Hà Nội và Quy Nhơn (Bình Định).

Thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ từ 20-2 đến 9-4, lệ phí thi mỗi môn là 160.000 đồng.

Năm 2023, Trường đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tuyển 20 – 30% chỉ tiêu từng ngành bằng phương thức thi đánh giá năng lực.

Số chỉ tiêu còn lại vẫn sử dụng 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm trước: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.

Cả nước hiện có 5 cơ sở giáo dục ĐH tự tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM: Lưu ý gì khi đăng ký thi?Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM: Lưu ý gì khi đăng ký thi?

ĐH Quốc gia TP.HCM đã chính thức mở cổng đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 từ sáng qua (1-2). Thí sinh cần lưu ý gì cho đợt thi này?