Không thể phủ nhận nỗ lực đổi mới giáo dục

Không được “trao quyền”, dễ buông lỏng quản lý

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – Bộ GD&ĐT) cho biết: “Mấy năm nay, tôi có cơ hội được tham gia sâu hơn vào các hoạt động của nhà trường chứ không chỉ hoạt động xây dựng chương trình, nội dung dạy học, vì thế tôi cũng hiểu được phần nào thực trạng sử dụng nhân sự của ngành Giáo dục. Phải nói là “ở hầu hết các địa phương” việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm vẫn do UBND các cấp, mà trực tiếp là Phòng/ Sở Nội vụ thực hiện. Với việc phân cấp, cách thức quản lý như hiện nay mà mỗi khi xảy ra bất cập, sự cố, vụ việc nào liên quan cũng đổ toàn bộ trách nhiệm cho ngành Giáo dục thì có lẽ không khách quan, công bằng”.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ phân tích: Về nguyên lí, việc tuyển dụng, bố trí việc làm, đánh giá lao động cần được thực hiện đồng bộ bởi một chủ thể – mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chúng ta không thể tuyển dụng, sắp xếp công việc cho một người mà không đo lường được người đó có phù hợp thực sự với một nhiệm vụ chuyên môn nào đó. Thế nên, nếu bên tuyển dụng và bên sử dụng không cùng một chủ thể, không ăn khớp thì chắc chắn sẽ gây ra tuyển dụng không đúng, thừa, thiếu cục bộ.

Đánh giá lao động là một quá trình gắn liền với chất lượng lao động. Hiện nay, ở nhiều nhà trường, việc khó khăn trong đánh giá trực tiếp giáo viên, nhân viên đã khiến cho nhiều bất cập tồn đọng: Khó sa thải đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, khó bố trí được việc làm phù hợp với năng lực không đúng với vị trí tuyển dụng. Việc này có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng lao động.

Trong quá trình khảo sát phục vụ nghiên cứu và làm việc trực tiếp với nhà trường, tôi thấy có những trường hợp người làm việc không đáp ứng được công việc, nhưng đã được bổ nhiệm nên khó có thể sa thải. Cũng có trường hợp vi phạm những quy định của ngành (như một số hiện tượng thời gian gần đây), thì “quyền lực” của nhà trường là vẫn chưa đủ mạnh; chúng ta phải chờ đợi xử lí vi phạm hành chính, điều tra vụ án…

“Một thực tế nữa cũng đáng quan tâm, đó là do không được “trao quyền” đầy đủ, nên thủ trưởng ở các cơ sở giáo dục có tâm lí “ỷ lại”, không chịu trách nhiệm đến cùng đối với công việc của mình. Ở đâu đó, hiệu trưởng đã không bám sát đánh giá, phản hồi với cơ quan có thẩm quyền kịp thời, dẫn đến buông lỏng quản lí”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.

  • Quản lý GD đòi hỏi sự chuyên sâu và chuyên môn trong ngành. Ảnh: Đức Chiêm

Minh bạch trách nhiệm quản lí

Ngành Giáo dục có biên chế đội ngũ viên chức khá lớn. Có thể nói là chiếm tỉ lệ lớn nhất trong đội ngũ viên chức của cả nước. Tuy nhiên, nhân sự thì cơ bản ngành GD-ĐT lại không được “nắm trực tiếp”. Trong khi đó, mỗi khi có bất kỳ tiêu cực nào liên quan đến học sinh, phụ huynh, thầy cô như mắng chửi, đánh nhau, dâm ô, thậm chí người lao động ăn chơi đồi trụy thì người ta cũng đổ lỗi hết cho ngành Giáo dục. Nhưng chúng ta cũng cần biết rằng, để giáo dục nên một con người phải có đủ 3 yếu tố: Gia đình, nhà trường và xã hội.

Vậy, trách nhiệm của địa phương như thế nào trong việc xử lý các sự vụ liên quan đến đơn vị quản lý trực tiếp. Đặc biệt là xử lý vấn đề truyền thông ăn theo mạng xã hội của một số báo thị trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến cá nhân và tập thể trong ngành GD.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng: Những sự việc “dàn dựng truyền thông” như thế thật đau lòng và đáng sợ khi họ đã lợi dụng sự thiếu niềm tin của dư luận vào sự chuyên nghiệp của một nghề có ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, văn hóa xã hội; niềm tin đối với những con người cụ thể là đối tượng được đề cập ở đây. Những âm mưu và hành động sai trái đó thật khó có thể kiểm soát hết.

Tuy nhiên, không nên lấy một vài cái sai đơn lẻ trong hoạt động giáo dục hay những vấn đề đang còn tranh luận để phủ nhận những nỗ lực đổi mới giáo dục cũng như những thành quả giáo dục của Việt Nam trong những năm qua. Vì điều đó làm tổn thương đến tình cảm, niềm tin, tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm cao cả của hơn 1,2 triệu giáo viên, giảng viên và hàng vạn cán bộ quản lý giáo dục đang lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

“Nhưng chắc chắn rằng, để ngăn chặn nó, thì các cơ quan chức năng, trong đó có chính quyền địa phương phải thực thi nghiêm minh pháp luật. Cần xử lí kịp thời, triệt để, chỉ rõ tội danh, mức độ, tuyên truyền sâu rộng để làm bài học cho mọi người. Đồng thời, cũng cần minh bạch trách nhiệm quản lí, phân biệt rõ chức năng nhiệm vụ của ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục để bảo đảm uy tín của ngành nói chung, của cá nhân nói riêng”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.