Khánh Hòa ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa

Theo đó, 2 tiêu chí được đưa ra là: Phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Cụ thể, với tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương, các nội dung cụ thể được UBND tỉnh đưa ra là:

Cấu trúc SGK có tính mở, tạo điều kiện để địa phương, nhà trường chủ đông, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục 2 buổi/ngày. Cấu trúc, nội dung SGK tạo cơ hội để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế địa phương.

Nội dung SGK bảo đảm tính kế thừa ngôn ngữ và cách thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương; bảo đảm tính khả thi, mềm dẻo, có tính điều chỉnh để phù hợp với khả năng học tập của nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương; giúp nhà trường và giáo viên tự chủ, sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục.

Nội dung SGK có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương hiện nay. Nội dung SGK phải được thiết kế, trình bày phù hợp cho phụ huynh, học sinh dễ nắm bắt và theo dõi việc học tập của học sinh nhằm góp phần giúp học sinh đạt được mục tiêu học tập, giáo dục theo yêu cầu của giáo viên và nhà trường. Chất lượng SGK phải bảo đảm sử dụng lâu dài nhằm tiết kiệm kinh phí cho nhà trường và phụ huynh học sinh.

Với tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục phổ thông, tiêu chí được UBND tỉnh đưa ra là cần tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; phù hợp với năng lực học tập của học sinh.

Cụ thể: Các bài học, chủ đề trong SGK được thiết kế, trình bày với đa dạng các hoạt động, thuận lợi cho giáo viên trong lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực.

SGK có nội dung, chủ đề kiến thức liên môn giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học tích hợp, gắn kết bài học với thực tiễn cuộc sống; phù hợp với năng lực đội ngũ giáo viên;

Nội dung SGK thể hiện rõ, đủ các yêu cầu về mức độ cần đạt, bảm đảm mục tiêu phân hóa, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh;

Nội dung SGK tạo điều kiện để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.

SGK cũng được yêu cầu trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ, kênh hình, có tính thẩm mỹ cao, gây hứng thú cho học sinh.

Nội dung SGK bảo đảm tính khoa học với các hoạt động phong phú, được chỉ dẫn rõ ràng, giúp học sinh xác định được mục tiêu học tập, đáp ứng các yêu cầu cần đạt; chú trọng đến phát triển kỹ năng nhận thức, kỹ năng tư duy, rèn khả năng tích hợp, vận dụng kiến thức mới thông qua các nhiệm vụ học tập đưa ra cho học sinh trong mỗi bài học.

Nội dung các bài học/chủ đề trong SGK thúc đẩy học sinh học tập tích cực, rèn luyện các kỹ năng, kích thích tư duy sáng tạo, độc lập.

UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK theo các tiêu chí đã được quy định và theo phân cấp quản lý.