Ngày 29-11, sau gần hai tháng bị kỷ luật đình chỉ học tập một năm vì đánh bạn, không ít học sinh lớp 8 Trường trung học cơ sở Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã bước ra đời để làm thuê, bươn chải kiếm tiền.
Nhận mức án kỷ luật cao nhất theo thông tư 32/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần hai tháng qua Đ.T.V. (13 tuổi, ngụ ấp An Lạc Tây, xã Trung Hiếu) chỉ quanh quẩn ở nhà bấm điện thoại. Đầu giờ sáng và trưa, V. đều ra trước hiên ngồi nhìn đám bạn tới lớp với sự dằn vặt.
“Từ nhỏ đến giờ con chưa lần nào đánh bạn. Vừa rồi lỡ nghe theo lời rủ rê đánh bạn hai cái. Không ngờ mức kỷ luật quá nghiêm khắc, bây giờ ân hận lắm”, V. nói.
Bà Lê Thị Vàng (56 tuổi, ngoại của V.) cho biết mẹ V. là công nhân, cha lao động ở Nhật. Vợ chồng con gái bà có đứa con duy nhất là V. nên rất hy vọng vào tương lai cháu. Bà Vàng đi dạo mua dừa của người dân, nhưng hai tháng nay, V. nghỉ học bà đành bỏ việc ở nhà giữ cháu.
“Cấp 1 cháu là học sinh giỏi, cấp 2 là học sinh khá. Đánh bạn là sai, nhưng mức kỷ luật là quá nặng. Vợ chồng tôi khóc hết nước mắt vì cháu bị đuổi học giữa chừng. Tôi có hỏi xin chuyển trường nhưng không được. Nghỉ một năm coi như kết thúc”, bà Vàng tâm sự.
V. nói từ nhỏ đã có ước mơ làm cảnh sát. “Nghỉ học một năm kiến thức sẽ mất, học lại lớp sẽ tự ti với bạn bè. Nên chắc chắn con sẽ phải nghỉ học, nối nghiệp cha học nghề bếp”, V. nói.
Tám đứa trẻ đa số có cha mẹ là dân lao động, làm ruộng hoặc phải xa xứ kiếm tiền. Khi không còn được đến lớp, em P.V.C. được cho thôi học để theo cha sang huyện Trà Ôn lựa cam kiếm sống. Còn N.H.P. chọn cách học nghề sửa xe đạp điện để xoa dịu bớt sự buồn bực của người nhà.
Ông Lê Văn Trường (ông nội của L.N.D.) cho biết ông có hai con trai và cả hai đều có hơn chục năm đi làm công nhân ở Bình Dương, Vũng Tàu.
“D. là con của đứa lớn, do bận đi làm ăn xa nên cháu nó sống với tôi ở quê từ nhỏ. Tôi cũng bận rộn làm ruộng, nuôi bò, giờ cháu nghỉ học một năm thời gian đâu trông chừng nó. Cho nên tôi cho nghỉ học, biết chữ được rồi, cháu nó cũng đi Vũng Tàu làm cả tháng nay. Học được thì tốt, còn không được nữa thì đành chịu”, ông Trường bộc bạch.
Trước hoàn cảnh của mấy đứa trẻ, anh S.T. (một giáo viên ở Vĩnh Long) cho biết không ủng hộ bạo lực học đường. Bản thân anh chưa từng chọn đình chỉ một năm học.
“Có nhiều cách để xử phạt học sinh mà có thể tránh làm gián đoạn việc học tập, cũng như quyền được đến trường của trẻ em. Việc đình chỉ học cần phải dựa trên sự công bằng, phải cân nhắc đối với tình hình, hoàn cảnh riêng của học sinh. Quyết định xử phạt cần có mục tiêu giáo dục và sự phát triển tích cực của trẻ”, anh T. nêu ý kiến.
Để xảy ra sự việc trên, ông Võ Hữu Trân – hiệu trưởng trường – cũng bị kỷ luật cảnh cáo trong thời hạn 12 tháng.
Ông Trân nói không muốn ý kiến lại sự việc này nữa, ông chấp nhận hình thức kỷ luật. “Không phải trường không xử lý học sinh đánh nhau, đã xử lý rồi nhưng phía bị hại chưa hài lòng”, ông Trân giải thích.
Ông Trần Công Thành – trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũng Liêm – nói ghi nhận ý kiến hình thức kỷ luật học sinh quá nặng, nhưng theo ông hình thức kỷ luật là đúng quy định, quy chế và như vậy mới đủ sức răn đe. Đồng thời, đơn vị cũng tôn trọng quyết định của nhà trường.
Ngày 23-9, em T.T.L. (học sinh lớp 8 Trường trung học cơ sở Trung Hiếu) không trực tiếp đánh bạn nhưng đã xúi nhiều bạn khác đánh bạn cùng lớp là em N.H.N.. Nạn nhân bị đánh dẫn đến đa chấn thương phần mềm.
Sự việc đã được nhà trường xử lý, nhưng khoảng hai tuần sau đó đoạn clip đánh N. lan truyền trên mạng xã hội nên nhà trường tiếp tục xử lý lần 2.
Kết quả tám em tham gia đánh N. bị đình chỉ học tập 1 năm, em quay clip bị đình chỉ 2 tuần, các em đứng xem bị hạ một bậc hạnh kiểm.
TTO – Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thông tư 08 năm 1988. Lần đầu tiên sau 30 năm không còn buộc thôi học và bỏ cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường. Đây là điều được dư luận ủng hộ.