Giữ, thăng hạng: Trường ĐH cần được đầu tư chiều sâu

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục:Phải cố gắng vươn lên thứ hạng cao hơn

PGS.TS Đặng Quốc Bảo

Trường ĐH Bách khoa vốn có truyền thống đáng tự hào là Việt Nam học xá, nay lại được quốc tế đánh giá cao qua mô hình Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là tin vui không chỉ cho nhà trường, mà còn gây phấn chấn cho tất cả những người có tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam. Đây là sự xếp hạng đẳng cấp quốc tế về kỹ thuật, công nghệ cho đất nước ta, đặc biệt trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Đây là niềm vui nhưng cũng là một thách thức đặt ra với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, phải cố gắng giữ được thứ hạng này và vươn lên thứ hạng cao hơn. Điều này càng khó hơn trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay – khi mà nhiều người nghĩ tự chủ là phải tự bơi, nhà trường lo tất, không có sự đầu tư từ Nhà nước.

Thế là không đúng. Theo tôi, các cấp quản lý cần đầu tư chiều sâu cho trường đại học đã được quốc tế xếp hạng như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cùng đó, trong mối liên kết với thực tiễn khoa học công nghệ của đất nước, nhà trường phải vươn lên để đạt thứ hạng cao hơn nữa, là đơn vị tiên phong giải quyết những vấn đề “nóng” về khoa học công nghệ của đất nước.

TS Đoàn Đức Lân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc: Nên đầu tư sâu về nghiên cứu khoa học

TS Đoàn Đức Lân

Để được xếp hạng, giữ hạng và thăng hạng theo đánh giá của các tổ chức có uy tín, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần tiếp tục có chiến lược bảo đảm chất lượng phù hợp với thực tiễn và bám sát chuẩn quốc tế, trong đó ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển đội ngũ giảng viên. Các chương trình đào tạo cần được đổi mới và kiểm định theo quy chuẩn. Hoạt động khoa học công nghệ cần được chú trọng hơn nữa để có những công bố quốc tế có ảnh hưởng rộng, các nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Cách trường được xếp hạng đã thể hiện năng lực cao về tự chủ, tuy nhiên, để có nhiều công bố quốc tế, nhất là trong nghiên cứu cơ bản thì cần có sự đầu tư, phân bổ ngân sách phù hợp, vì việc ứng dụng kết quả nghiên cứu cơ bản để mang lại nguồn thu cho các trường cần nhiều thời gian. Theo tôi, nên có sự đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học của các trường đại học đã xếp hạng quốc tế, căn cứ chiến lược về khoa học công nghệ quốc gia.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh: Cuộc đua không dành cho trường đại học nhỏ

PGS.TS Đỗ Văn Dũng

Trong điều kiện kinh tế của Việt Nam, các trường đại học nhỏ không nên chạy theo xếp hạng quốc tế. Các bảng xếp hạng chủ yếu căn cứ theo chỉ số nghiên cứu khoa học là chính. Và để có được bài báo công bố khoa học quốc tế, nhà trường phải đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm rất lớn. Cùng đó, quy mô đào tạo cũng phải giảm bớt, số sinh viên/giảng viên không phải như bây giờ, đào tạo theo hướng nghiên cứu chỉ 10 – 15 sinh viên/giảng viên. Các trường tự chủ với quy mô đào tạo như vậy thì… chết!

Có một bất cập lớn, nếu đi theo hướng nghiên cứu, các trường đại học phải đóng cửa vì không đủ kinh phí, sinh viên ra trường không có chỗ nghiên cứu. Toàn bộ việc đầu tư của các công ty, xí nghiệp, đặc biệt khối ngành FDI mấy năm gần đây tập trung vào sản xuất và tận dụng nhân công giá rẻ của Việt Nam. Rất hiếm công ty đầu tư các phòng thí nghiệm, nghiên cứu sâu cho các trường đại học.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa đào tạo nguồn nhân lực, vừa cố gắng đầu tư cho nghiên cứu để lọt bảng xếp hạng quốc tế, đạt được thứ hạng tốt là một điều đáng trân trọng, xứng đáng để được Nhà nước đầu tư để giữ hạng và thăng hạng.