Giáo dục STEM: Không đặt nặng điểm số, học sinh được ‘quyền thất bại’

Trao giải thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020 – Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 31-7, Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và đào tạo, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long tổ chức talkshow chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục với chủ đề: “Giáo dục STEM – Sáng tạo tương lai”.

Tại điểm cầu Hà Nội, cô giáo Phạm Vũ Bích Hằng, giáo viên bộ môn vật lý Trường THPT chuyên Amsterdam, nhắc đến 4 trụ cột giáo dục mà UNESCO đưa ra trước đó gồm: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình”. Gần đây, UNESCO đã bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 là: “Học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn”.

Cô Hằng cho rằng sản phẩm của giáo dục phải là con người đủ kiến thức, đủ kỹ năng, quan trọng hơn hết là có đủ năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

“Ưu điểm của phương pháp giáo dục STEM là giúp rèn luyện cho học sinh giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Các em được trở thành “nhà phát minh” để tự giải quyết vấn đề của mình bằng cách tìm hiểu qua sách giáo khoa, sách tham khảo, mạng Internet và các công cụ hỗ trợ việc nghiên cứu”, cô Hằng chia sẻ.

Giáo dục STEM: Không đặt nặng điểm số, học sinh được ‘quyền thất bại’ - Ảnh 2.

Cô giáo Phạm Vũ Bích Hằng cho rằng sản phẩm của giáo dục phải là con người đủ kiến thức, đủ kỹ năng, quan trọng hơn hết là có đủ năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn – Ảnh: HÀ THANH chụp lại

Từ đầu cầu Mỹ, TS Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực giảng dạy theo phương pháp STEM, cho biết phương pháp giáo dục STEM nhằm tạo ra đam mê, niềm vui cho học sinh trong các môn học tưởng chừng như khô khan, lý thuyết thông qua các trò chơi, thực hành, thí nghiệm.

“Không đặt nặng điểm số, các em được quyền thất bại, được quyền hiểu rằng trong quá trình làm khoa học hay nghiên cứu có thể thất bại. Sáng tạo xuất phát từ nhận biết được sai lầm, tìm ra giải pháp để khắc phục”, anh Hải nói.

Theo TS Hải, trong phương pháp giáo dục này thì giáo viên phải là người gợi mở vấn đề, truyền cảm hứng cho học sinh khám phá, tìm tòi, kết hợp kiến thức khoa học công nghệ, kỹ thuật, toán học để đưa ra giải pháp toàn diện, có tính sáng tạo cao.

Với phụ huynh, cần định hướng nghề nghiệp sớm cho trẻ, không phải áp đặt sẵn cho các em, mà định hướng cho trẻ trải nghiệm, thực hành, nhận ra thế mạnh của bản thân.

Đồng tình với những giải pháp trên, cô Hằng cho rằng quan trọng nhất là giáo viên phải truyền cảm hứng cho các “nhà sáng tạo trẻ” trong tương lai.

“Tạo môi trường STEM, tư duy STEM trong cả giờ học trên lớp cũng như giờ học ngoại khóa”, cô Hằng nói.

Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2021 tiếp tục tìm kiếm các công trình, sáng kiến thuộc 3 nhóm nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Thời gian nhận hồ sơ công trình, sáng kiến bắt đầu từ ngày 1-5 đến hết ngày 30-9. Tác giả gửi bộ hồ sơ dạng file tới địa chỉ email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com.

Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra 5 talkshow với những chủ đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục nhằm định hướng, gợi mở cho các tác giả trẻ trong quá trình nghiên cứu, phát triển những công trình, sáng kiến của mình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Học trò thi đua xe STEMHọc trò thi đua xe STEM

TTO – Những cô cậu học trò chưa từng đụng vào con ốc, tuốc nơ vít… đã có dịp trải nghiệm, học hỏi khi tham gia cuộc thi Đua xe thế năng tại TP.HCM.